Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bất Cập Trong Chuyển Đổi Giống Mía Ở Hậu Giang

Bất Cập Trong Chuyển Đổi Giống Mía Ở Hậu Giang
Ngày đăng: 28/02/2014

Là một trong những địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất của huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), thời gian qua, lãnh đạo xã Tân Phước Hưng không ngừng vận động người dân chuyển đổi giống mía trong sản xuất, nhất là những giống mía cũ bằng giống mía mới có chất lượng nhằm hạn chế sâu bệnh, tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi giống mía hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Văn Thép, ở ấp Thành Viên, cho biết: Để cây mía đạt được hiệu quả mong muốn, ngoài yếu tố thị trường, bà con cần chủ động áp dụng tốt các giải pháp khác, như: cần có thời vụ xuống giống phù hợp, đồng thời tăng cường đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất... Đặc biệt sử dụng giống mía chất lượng, năng suất cao thích nghi từng vùng đất, ít sâu bệnh đang được khuyến khích sử dụng là giải pháp giúp bà con tăng lợi nhuận trong điều kiện giá mía không ổn định như thời gian qua.

Với suy nghĩ trên, vụ mía năm nay, ông Thép đã mạnh dạn chuyển 4 công trong tổng số 1,6ha mía của gia đình sang trồng thử nghiệm giống K88-92, với hy vọng sẽ dần thay thế giống ROC 16 đã thống trị vùng đất này trong nhiều năm qua.

Ông Thép cho biết thêm: “Nông dân ai cũng muốn trồng những giống mía có năng suất, chất lượng để bán có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, đa phần các giống mía có năng suất thường có thời gian sinh trưởng dài ngày, trong khi giá bán không khác gì. Đây là nhược điểm lớn khiến bà con vẫn chung thủy với một loại giống như hiện nay”.

Theo lãnh đạo xã Tân Phước Hưng, mặc dù ý thức của người dân trong vấn đề chuyển đổi giống mía đã được cải thiện nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều hộ trồng giống mía cũ, điển hình là giống ROC 16. Nguyên nhân, do vùng đất nơi đây có tập quán sạ lúa liếp sau khi thu hoạch mía nên nông dân thường canh tác những giống mía ngắn ngày để tranh thủ thu hoạch sớm. Tuy năng suất không cao bằng các giống dài ngày nhưng đây được xem là giải pháp tối ưu, nhất là đối với những hộ có ít đất sản xuất.

Chính vì vậy, người dân nơi đây rất mong muốn các ngành chức năng và nhà máy đường trong thời gian tới sẽ nghiên cứu và tuyển chọn những giống mía ngắn ngày nhưng có chữ đường cao như giống ROC 16 để bà con có thể luân chuyển trong canh tác.

Thực tế sản xuất mía cho thấy, do trồng cùng một loại giống nên vào thời điểm thu hoạch rộ các nhà máy đường không tiêu thụ kịp, dẫn đến tình trạng mía nguyên liệu ứ đọng, giá mía xuống thấp. Chính vì vậy, cần có những giống mía có sinh trưởng khác nhau để kéo giãn thời gian thu hoạch, giảm áp lực cho nhà máy đường, đồng thời cũng giảm bớt sức ép về nhân công thu hoạch mía.

Những năm qua, UBND xã Tân Phước Hưng đã có sự hợp tác tốt với nhà máy đường trên địa bàn tỉnh trong việc khảo nghiệm sản xuất nhân giống mía mới để chuyển giao cho nông dân. Ông Phan Hồng Phước, Chủ tịch UBND xã Tân Phước Hưng, cho hay: Là xã thuần nông, với hơn 85% nông dân sống bằng nghề trồng mía.

Thời gian qua, địa phương không ngừng quan tâm và hỗ trợ nhiều giải pháp nhằm giúp người trồng mía nâng cao nguồn thu nhập. Trong đó, công tác phối hợp với nhà máy đường chuyển giao các giống mía mới cho nông dân được xem là một công việc cần thiết hàng năm, nhằm giúp bà con tiếp cận và sử dụng giống phù hợp với từng vùng sản xuất. Vì giống mía có năng suất, chữ đường cao sẽ góp phần đem lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân.

Cũng theo ông Phước, tuy địa phương đã có nhiều giải pháp trong việc giúp người dân chuyển đổi giống mía mới, nhưng với những bất cập đang tồn tại như hiện nay thì chuyện nông dân trên địa bàn độc canh một vài giống mía, nguy cơ tiềm ẩn nhiều sâu bệnh do bị thoái hóa sẽ còn tiếp tục tái diễn.

Vụ mía 2014 - 2015, toàn xã xuống giống được 2.500ha mía, nông dân chủ yếu canh tác 3 giống mía: ROC 16 (650ha), ROC 13, 11 (1.108,7ha) và K88-92 (741ha).


Có thể bạn quan tâm

Tăng Cường Triển Khai Các Mô Hình Sản Xuất Lúa Gieo Thẳng Ở Lào Cai Tăng Cường Triển Khai Các Mô Hình Sản Xuất Lúa Gieo Thẳng Ở Lào Cai

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, vụ mùa năm 2011, Trung tâm Khuyến nông Lào Cai đã thực hiện mô hình trình diễn sản xuất lúa gieo thẳng tại xã Xuân Quang, huyên Bảo Thắng và xã Bảo Nhai, huyên Bắc Hà với diện tích 15 ha.

19/05/2012
Hàng Trăm Ha Chè Bị Cháy Búp Hàng Trăm Ha Chè Bị Cháy Búp

Do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng ngay từ đầu hè nên nhiều diện tích chè tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái bị cháy búp, gây thiệt hại lớn.

22/06/2012
Nông Nghiệp Sạch - Lợi Đủ Đường Nuôi Heo An Toàn Từ A - Z Nông Nghiệp Sạch - Lợi Đủ Đường Nuôi Heo An Toàn Từ A - Z

Việc hướng nông dân làm theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là hết sức bức thiết nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

03/05/2012
4000 Tỷ Đồng Hỗ Trợ Người Trồng Lúa 4000 Tỷ Đồng Hỗ Trợ Người Trồng Lúa

Theo tính toán của Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT, tới đây, sẽ có 4.000 tỷ đồng hỗ trợ người trồng lúa. Khoản chi này sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước hàng năm để giúp người trồng lúa theo nghị định số 42 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất lúa có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.

03/06/2012
Khi Vườn Sầu Riêng Thay Giống Mới Khi Vườn Sầu Riêng Thay Giống Mới

Nhiều năm trước, cũng như nhiều người dân địa phương, gia đình ông Bùi Đức Công ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai chỉ trồng những loại cây ăn trái giống cũ nên năng suất và thu nhập thấp. Kể từ khi ông áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cây trồng phù hợp bằng những loại giống cây trồng mới đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần.

23/06/2012