Rau Má Quảng Thọ Đối Mặt Với Đại Dịch
Hơn 2 tháng nay, người trồng rau má thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) rất lo lắng vì rau sâu bệnh. Mặc dù sử dụng nhiều phương pháp cứu chữa nhưng tình hình vẫn chưa khả quan.
Một ngày sâu phá 30kg rau
Vừa về đến cánh đồng thôn, đã nghe người dân ở đây than thở 2 tháng qua, nhiều hộ chỉ biết ra đồng nhổ cỏ, phun thuốc cứu rau. Trên cánh đồng chuyên canh rau má, nhiều thửa ngập màu vàng, có những vùng trơ cả đất vì sâu ăn hết lá, số khác cũng nổi những chấm đen trên lá khiến rau khó bán, thương lái ép giá.
Do thời tiết năm nay nắng hạn nên ảnh hưởng đến năng suất rau, đồng thời sự xuất hiện tràn ngập của loài sâu keo, sâu đỏ khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thị Hiền, người dân trong thôn than thở: “Gần như mất trắng, không còn chi để nói. Nhà tui trồng 5 sào rau, thường 1 sào cắt được 3 tạ, nhưng 2 tháng ni cắt chỉ được mấy chục cân, rau lại xấu, bị chê lên chê xuống”.
Hiện các vùng trồng có nơi diện tích bị phá hoại lên đến 50 – 60 %, có vùng đến 100 %. Rau chết, cỏ lên, người dân tìm cách cứu chữa, nhổ cỏ để rau mọc nhưng vẫn không ăn thua vì sâu phá hoại nặng và số lượng lớn.
Bà Nguyễn Thị Hoa kể: “Tui đang cắt rau thì bị rách 1 mảnh gang tay nên tháo ra vứt bỏ. Thế mà 1 lát nhìn lại đã thấy 5,6 con sâu bu quanh trên găng tay đó. Sâu phá đến nỗi mấy vồng rau của tôi bằng nhau mà cắt lần đầu 93 kg, ngày mai lại 63kg rồi đến 35kg, cứ sau 1 ngày sâu lại ăn đến 30kg rau”.
Nhiều hộ dân chia sẻ, đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này, cứ 10 nhà trồng rau thì mất hết 9 nhà là bị hư hỏng không bán được. Người trồng rau khổ sở vì không có rau bán, thương lái cũng lo lắng vì chạy khắp nơi không đủ một nửa lượng rau trước kia.
Cuống cuồng tìm cách cứu rau, nhiều hộ dân sử dụng kết hợp nhiều loại phân thuốc, tăng liều lượng, tăng loại thuốc, tăng thời gian bơm nhưng được vài ngày thì tình trạng rau hư lại tiếp diễn. “Rau má trước đây không hề bơm thuốc kích thích, chỉ bơm thuốc dưỡng như phân bón lá. Hai tháng nay, chúng tôi tìm mua nhiều loại thuốc, bơm dồn dập để diệt sâu, cứu rau nhưng vẫn không được, bà Lê Thị Nữ cho biết
Nợ chồng lên nợ
Thôn Phước Yên hiện có khoảng 300 hộ dân trồng rau với diện tích 37ha (trong tổng số 42,5 ha toàn xã Quảng Thọ). Rau bị phá hoại không chỉ ảnh hưởng đến năng suất mà còn đẩy người dân vào cảnh thiếu nợ.
Theo một số người trồng rau, do thói quen cứ mua phân thuốc rồi đến lứa cắt bán mới trả nhưng 2 tháng nay không có rau để bán, phân thuốc sử dụng nhiều khiến nợ chồng lên nợ, có hộ nợ lên hơn 10 triệu đồng tiền phân thuốc. Mặc khác, việc đối phó với loại sâu gây hại này phức tạp nên chi phí tiền thuốc khá nhiều: “Trước đây cứ có sâu rầy thì mua 1 gói 2.500 đồng về bơm là hết, chừ mua bịch 100.000 đồng bơm mà sâu vẫn trơ trơ, lấy chi mà không nợ”, bà Nữ than thở.
Đem nỗi khổ người trồng rau đến hỏi ban chủ nhiệm Hợp tác xã Quảng Thọ II, ông Hoàng Minh Tài, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết: “Tình hình sâu bệnh đang diễn ra phức tạp.
Chúng tôi đã mời nhiều công ty thuốc bảo vệ thực vật về tận nơi nghiên cứu và cho thử nghiệm nhiều loại thuốc nhưng vẫn chưa giải quyết được. Trạm bảo vệ thực vật huyện Quảng Điền cũng đã nghiên cứu và cho rằng đó là một đại dịch bệnh cây trồng, giờ chỉ còn cách bắt sâu thủ công thôi”.
Cũng theo ông Tài, do rau má có khả năng giải độc nên khi bơm thuốc không thể tiêu diệt sâu, dần dần dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
Chưa có một biện pháp chắc chắn để giải quyết được vấn đề sâu bệnh, người dân đành trồng thêm ngót, rải lá chuối trên ruộng rau để chờ sâu vào trú ẩn mà bắt. Tuy nhiên, cách làm thủ công này vẫn không giải quyết được tận gốc vấn đề do sâu sinh sản quá nhanh và nhiều.
Người dân Phước Yên đang mong chờ một cơn lũ nhẹ để cuốn trôi sâu, nhưng lại sợ cơn lũ lớn khiến rau bị thối. Trong khi đó, những giải pháp cấp bách hiện tại vẫn chỉ đang được nghiên cứu.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, do sức hấp dẫn từ hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá lóc giống mang lại nên có rất nhiều nông dân trong tỉnh An Giang đã đổ xô đào ao cá lóc. Việc mở rộng diện tích nuôi cá lóc tự phát trên nền đất lúa không theo sự khuyến cáo và quy hoạch của ngành nông nghiệp chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nước.
Sáng ngày 16/8, Hội nghị Hợp tác 4 nhà (nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân) về đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả nhãn chín muộn giá trị cao năm 2013 được tổ chức tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.
Tại Trà Vinh, trong khi phần lớn các hộ nuôi tôm đều bị thua lỗ hoặc huề vốn, thì những hộ tuân thủ nghiêm mỗi biện pháp kỹ thuật gặt hái được kết quả rất khả quả - nhất là những hộ chuyển sang tôm thẻ chân trắng. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu của loại tôm này tiếp tục được mở rộng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện khẩn về việc tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn lây nhiễm bệnh cúm gia cầm qua biên giới.
Hiện nay, môi trường nước nhiều vùng nuôi thủy sản trong tỉnh Phú Yên không ổn định, có vùng gây bất ổn cho thủy sản nuôi. Các địa phương cần tăng cường công tác quản lý môi trường, quản lý con giống cũng như tình hình dịch bệnh…