Bất Cập Trong Chuyển Đổi Giống Mía Ở Hậu Giang
Là một trong những địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất của huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), thời gian qua, lãnh đạo xã Tân Phước Hưng không ngừng vận động người dân chuyển đổi giống mía trong sản xuất, nhất là những giống mía cũ bằng giống mía mới có chất lượng nhằm hạn chế sâu bệnh, tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi giống mía hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Văn Thép, ở ấp Thành Viên, cho biết: Để cây mía đạt được hiệu quả mong muốn, ngoài yếu tố thị trường, bà con cần chủ động áp dụng tốt các giải pháp khác, như: cần có thời vụ xuống giống phù hợp, đồng thời tăng cường đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất... Đặc biệt sử dụng giống mía chất lượng, năng suất cao thích nghi từng vùng đất, ít sâu bệnh đang được khuyến khích sử dụng là giải pháp giúp bà con tăng lợi nhuận trong điều kiện giá mía không ổn định như thời gian qua.
Với suy nghĩ trên, vụ mía năm nay, ông Thép đã mạnh dạn chuyển 4 công trong tổng số 1,6ha mía của gia đình sang trồng thử nghiệm giống K88-92, với hy vọng sẽ dần thay thế giống ROC 16 đã thống trị vùng đất này trong nhiều năm qua.
Ông Thép cho biết thêm: “Nông dân ai cũng muốn trồng những giống mía có năng suất, chất lượng để bán có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, đa phần các giống mía có năng suất thường có thời gian sinh trưởng dài ngày, trong khi giá bán không khác gì. Đây là nhược điểm lớn khiến bà con vẫn chung thủy với một loại giống như hiện nay”.
Theo lãnh đạo xã Tân Phước Hưng, mặc dù ý thức của người dân trong vấn đề chuyển đổi giống mía đã được cải thiện nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều hộ trồng giống mía cũ, điển hình là giống ROC 16. Nguyên nhân, do vùng đất nơi đây có tập quán sạ lúa liếp sau khi thu hoạch mía nên nông dân thường canh tác những giống mía ngắn ngày để tranh thủ thu hoạch sớm. Tuy năng suất không cao bằng các giống dài ngày nhưng đây được xem là giải pháp tối ưu, nhất là đối với những hộ có ít đất sản xuất.
Chính vì vậy, người dân nơi đây rất mong muốn các ngành chức năng và nhà máy đường trong thời gian tới sẽ nghiên cứu và tuyển chọn những giống mía ngắn ngày nhưng có chữ đường cao như giống ROC 16 để bà con có thể luân chuyển trong canh tác.
Thực tế sản xuất mía cho thấy, do trồng cùng một loại giống nên vào thời điểm thu hoạch rộ các nhà máy đường không tiêu thụ kịp, dẫn đến tình trạng mía nguyên liệu ứ đọng, giá mía xuống thấp. Chính vì vậy, cần có những giống mía có sinh trưởng khác nhau để kéo giãn thời gian thu hoạch, giảm áp lực cho nhà máy đường, đồng thời cũng giảm bớt sức ép về nhân công thu hoạch mía.
Những năm qua, UBND xã Tân Phước Hưng đã có sự hợp tác tốt với nhà máy đường trên địa bàn tỉnh trong việc khảo nghiệm sản xuất nhân giống mía mới để chuyển giao cho nông dân. Ông Phan Hồng Phước, Chủ tịch UBND xã Tân Phước Hưng, cho hay: Là xã thuần nông, với hơn 85% nông dân sống bằng nghề trồng mía.
Thời gian qua, địa phương không ngừng quan tâm và hỗ trợ nhiều giải pháp nhằm giúp người trồng mía nâng cao nguồn thu nhập. Trong đó, công tác phối hợp với nhà máy đường chuyển giao các giống mía mới cho nông dân được xem là một công việc cần thiết hàng năm, nhằm giúp bà con tiếp cận và sử dụng giống phù hợp với từng vùng sản xuất. Vì giống mía có năng suất, chữ đường cao sẽ góp phần đem lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân.
Cũng theo ông Phước, tuy địa phương đã có nhiều giải pháp trong việc giúp người dân chuyển đổi giống mía mới, nhưng với những bất cập đang tồn tại như hiện nay thì chuyện nông dân trên địa bàn độc canh một vài giống mía, nguy cơ tiềm ẩn nhiều sâu bệnh do bị thoái hóa sẽ còn tiếp tục tái diễn.
Vụ mía 2014 - 2015, toàn xã xuống giống được 2.500ha mía, nông dân chủ yếu canh tác 3 giống mía: ROC 16 (650ha), ROC 13, 11 (1.108,7ha) và K88-92 (741ha).
Related news
Năm 2014, xuất khẩu cá ngừ đại dương tập trung vào các thị trường lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản..., với mục tiêu đạt khoảng 560 triệu USD. Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch này, ngư dân cần tuân thủ quy trình đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương một cách nghiêm ngặt theo công nghệ mới của Nhật Bản.
50 người nuôi tôm và các khuyến ngư viên cơ sở thuộc các trạm khuyến ngư – khuyến nông ở các huyện, thị, thành phố trên toàn địa bàn tỉnh Khánh Hoà đã được tập huấn kỹ thuật nuôi tôm sú, tôm chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là hoạt động do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm khuyến ngư – khuyến nông tỉnh tổ chức trong 2 ngày 14 và 15/10.
Sau khi hoàn thành khâu thu hoạch nuôi thủy sản nước lợ chính vụ, bà con ngư dân các xã Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng An, Quảng Phước và thị trấn Sịa của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành thả nuôi 210 ha cua trái vụ.
Những năm gần đây, do nuôi tôm thua lỗ nên người dân ven đầm Thủy Triều ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã chuyển sang nuôi cá chẽm. Tuy nuôi cá đang mang lại hiệu quả cao nhưng không ít người dân vẫn tỏ ra lo lắng.
Anh Dũng cho biết, lưới được giăng vào buổi tối, đến sáng kéo lưới thì thấy một con cá rất lớn đang nằm trong lưới. Con cá giãy giụa đã làm rách một phần lưới nhưng không thoát được. Anh Dũng đã dùng dây luồn vào mang con cá, buộc lại, rồi nhờ vài người nữa kéo vào bờ.