Bấp bênh hạt muối Ninh Hòa
Chúng tôi về thăm vùng muối Hòn Khói những ngày này khi diêm dân đang tất bật SX muối dưới cái nắng hầm hập. Những đống muối vừa mới cào lên chất đống trắng xóa cả cánh đồng càng tô thêm vẻ đẹp nơi đây.
Theo nhiều diêm dân, nghề SX muối ở đây đã có từ lâu đời, theo nghiệp cha truyền con nối. Chất lượng muối ở đây làm ra khỏi bàn, hạt muối to, sáng trong, bởi được sở hữu nguồn nước biển trong xanh, không lẫn tạp chất hay phù sa từ các cửa sông.
Ông Trương Công Hiến, Chủ nhiệm HTX Muối 1-5 Ninh Diêm (phường Ninh Diêm) cho biết vùng muối này có tiếng từ cách đây gần 100 năm.
Thời Pháp người ta đã cho đào kênh taluy kiên cố dài gần 10km chạy qua Ninh Hải, Ninh Diêm, Ninh Thủy... đưa nước biển tới phục vụ các cánh đồng muối; đồng thời nối cảng Hòn Khói để phục vụ cho việc giao thương nghề muối.
Nhớ về những ký ức, các cụ cao niên ở Ninh Hòa vẫn không quên vùng muối nổi tiếng một thời với chất lượng muối không đâu sánh kịp.
Ông Lê Văn Định, Phó chủ nhiệm HTX Muối Ninh Thủy (phường Ninh Thủy) cho biết, muối ở đây có chất lượng tốt, sạch, trong, dùng làm mắm hay muối cá đều rất đạt… Vì vậy từ lâu muối Hòn Khói có tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá muối bấp bênh nên lao động nghề muối càng lao đao. Hiện giá muối SX thủ công chỉ dao động từ 350 - 400đ/kg, chỉ bằng một nửa so với giá muối năm 2014, khiến diêm dân gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Hoàng, một lao động làm muối ở Phú Thạnh (Ninh Thủy) tâm sự: “Làm muối vốn đã vất vả, nhưng năm nay muối ế ẩm, không bán được, chúng tôi phải chạy lên Ninh Diêm tìm việc làm. Mỗi ngày gồng gánh chỉ được 120.000đ, nhưng rồi cũng không ai thuê.
Chúng tôi gắn bó nghề muối người ít 20 năm, người nhiều vài chục năm. Bây giờ lớn tuổi không biết làm gì ngoài làm muối, chứ bọn trẻ bây giờ chẳng còn mặn mà với cái nghề truyền thống này nữa”.
Thực tế cho thấy, để giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân địa phương và giữ nghề truyền thống, chính quyền, DN và các HTX muối tại Ninh Hòa rất mong Nhà nước hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho hạt muối xứng danh với những gì mà vùng muối đã có.
Ông Lê Văn Định cho biết, muối Ninh Hòa có thương hiệu thì giá trị hạt muối sẽ được phát huy, HTX không phải chạy đôn chạy đáo vất vả bán muối và cũng không bị tư thương ép giá.
Trước đây, HTX đã từng đề xuất với Liên minh HTX tỉnh và các ngành chức năng đầu tư xây dựng thương hiệu "Muối Ninh Hòa". Công việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay, bởi chất lượng hạt muối đã được khẳng định qua gần thế kỷ.
Còn ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ Ninh Hòa xây dựng thương hiệu cho vùng muối. Khi có thương hiệu, không những cánh đồng muối được cải tạo lại cơ sở hạ tầng, mà còn khẳng định được giá trị thực của hạt muối nơi đây không lẫn lộn với nơi khác, khi đó diêm dân cũng bớt khổ.
Theo Chi cục PTNT Khánh Hòa, vùng sản xuất muối Hòn Khói có tổng diện tích 625 ha bao gồm muối của DN, HTX, diêm dân với sản lượng cao nhất đạt 60.000 tấn/năm. Chất lượng muối được đánh giá cao, hàm lượng muối công nghiệp đạt 95% NaCl, muối thực phẩm 87% NaCl…
Năm 2002, Bộ NN-PTNT cho phép lập dự án cải tạo, nâng cấp, gia cố kênh chính cấp thoát nước cho đồng muối Hòn Khói (Khánh Hòa). Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên dự án tạm dừng và mới đây Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã đồng ý tái khởi động dự án này.
Có thể bạn quan tâm
Có tên gọi như vậy bởi vì loại cây này không cần đất, chỉ treo lơ lửng trên không cây vẫn sống. Cây chỉ cần phun nước mà vẫn phát triển tươi tốt như trồng dưới đất và có bộ rễ xanh um. Mỗi năm cây ra hoa từ 1-2 lần và cây này giúp làm cho không khí trong lành.
Ngày 04/9/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Theo đó, đối tượng áp dụng gồm các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm, trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp (sau đây gọi là hộ chăn nuôi); người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc.
Dự án điều chỉnh quy hoạch chi tiết nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Bến Tre được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1234 ngày 23 tháng 6 năm 2014, theo quy hoạch, đến năm 2015, diện tích nuôi tôm chân trắng của tỉnh đạt 4.390 ha, đến năm 2020 đạt 7.820 ha và đến năm 2030 đạt 8.300 ha. Sản lượng đến năm 2015 đạt 41.340 tấn, đến năm 2020 đạt 75.750 tấn và đến năm 2030 đạt 80.520 tấn.
Nhằm mục tiêu phát triển thế mạnh các loại hình sản xuất, đặc biệt là kinh tế thủy sản một cách bền vững, huyện Bình Đại được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản tập trung tại 3 xã Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị và Thạnh Phước với diện tích khoảng 1.500 ha.
Tôm hùm, một loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao, được chú trọng trong nuôi trồng thủy sản, đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm vẫn chưa thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh.