Phong Điền (Thừa Thiên Huế) Được Mùa Tôm Trên Cát
Sau nhiều vụ dịch bệnh, thua lỗ triền miên, người dân các xã Phong Hải, Điền Hòa, Điền Lộc (Phong Điền - Thừa Thiên Huế)... mới có được một vụ mùa bội thu. Cứ mỗi ao nuôi chỉ chừng 2.000 - 3.000m2 thu được 8 - 12 tấn tôm.
Có “bà đỡ”, dân an tâm
Về vùng cát Ngũ Điền những ngày này, đến đâu cũng nghe bà con râm ran chuyện các hộ nuôi tôm trúng đậm. Gặp bà Trần Thị Loan ở thôn Hải Phú (Phong Hải) khi đang tiến hành thả giống vụ mới. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt bà Loan. Ao nuôi 2.000 m2 của bà thả trên 1 triệu tôm giống - “Ba tháng nuôi hầu như đêm nào giấc ngủ cũng chập chờn. Nhiều đêm thức trắng để xử lý kịp thời các sự cố, dấu hiệu dịch bệnh. Nếu vụ này trắng tay sẽ không còn động lực, cơ hội theo đuổi nghề nuôi tôm... Nhưng gian khó cũng được đền đáp khi vụ nuôi vừa rồi thu hoạch 8,3 tấn tôm, thu gần 1 tỷ đồng” - bà Loan tâm sự.
Ông Trần Lợi ở thôn Hải Phú (Phong Hải) phấn khởi: - “Đây là vụ nuôi tôm thứ hai liên tiếp được mùa. Thả nuôi 1,5 triệu tôm giống trên diện tích 3.000m2, vụ vừa rồi lãi trên 600 triệu đồng. Bù lại những vụ trước thua lỗ, trong tay vẫn còn lãi 200 triệu đồng”.
Có lẽ, sướng nhất đối với ông Lợi cũng như các hộ nuôi là đầu ra sản phẩm ổn định, giá tôm ngày càng tăng. Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tại khu công nghiệp Phong Điền bao tiêu sản phẩm nên không quá lo đầu ra. Từ khi có “bà đỡ”, người dân chú tâm nuôi hiệu quả, nâng cao năng suất. Vụ nuôi vừa rồi, giá tôm công ty thu mua dao động trên dưới 130 ngàn đồng/kg nên phần lớn các hộ đều có lãi.
Tại xã Phong Hải nuôi khoảng 60 ha, trong đó Công ty Đông Phương 5 ha, còn lại của người dân. Vụ nuôi vừa qua trên 80% hộ có lãi từ vài trăm triệu đến trên 1 tỷ đồng. Điền Lộc cũng là địa phương nổi tiếng nuôi tôm trên cát với diện tích 70 ha tập trung hai thôn Mỹ Hòa và Tân Hội. Các công ty: Trường Sơn, Trường Phú, Song Phú gần 50 ha, diện tích còn lại của hơn 10 nhóm hộ với khoảng 30 gia đình tham gia nuôi. Vụ nuôi vừa rồi có trên 50% nhóm hộ lãi từ 400 triệu đến 600 triệu đồng/1 hồ...
Yếu tố thắng lợi
Mấy năm trước tôm nuôi thường xảy ra dịch bệnh dẫn đến thua lỗ, nhiều hộ ở Phong Điền lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do ô nhiễm môi trường vùng nuôi...
Cách đây 2 năm, UBND huyện Phong Điền có chủ trương cấm nuôi đối với những vùng không tuân thủ quy hoạch, không đảm bảo các yếu tố môi trường. Các địa phương đồng tình ủng hộ, khẩn trương rà soát và triển khai quy hoạch, tổ chức lại ao nuôi hợp lý...
Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, sau khi có chủ trương cấm nuôi, hầu hết các xã chấp hành tốt quy định. Tổ quản lý nuôi tôm của huyện thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.
Đến nay, diện tích nuôi tôm trên cát của huyện Phong Điền khoảng 300 ha; trong đó hơn một nửa của các công ty, doanh nghiệp, còn lại của các hộ dân trên địa bàn.
Vụ nuôi vừa qua, phần lớn các hộ đều có lãi từ vài trăm triệu đến trên tỷ đồng. Công tác quy hoạch ao nuôi, ao xử lý nước thải hợp lý, chất lượng giống đảm bảo... được xác định là yếu tố mang lại thành công. Các địa phương, tổ quản lý còn kiểm tra chặt chẽ tôm giống trước khi thả.
Quá trình nuôi, các hộ dân, tổ quản lý thường xuyên theo dõi và lấy mẩu nước để kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh. Các hộ vi phạm quy định bị xử phạt nghiêm và cấm không cho nuôi. Những hộ tuân thủ các quy định nếu tôm nuôi xảy ra dịch bệnh sẽ được hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước...
Từ những cơ chế, chính sách hợp lý của huyện, sự tuân thủ các quy định, quy hoạch, xử lý môi trường... của các địa phương và người dân chính là yếu tố thắng lợi trong nuôi tôm trên cát, không chỉ trong vụ qua mà cho các vụ tới.
Chính sách hỗ trợ các hộ, nhóm hộ nuôi tôm trong việc đầu tư xây dựng ao xử lý nước thải được huyện triển khai hiệu quả. Bình quân 10 ha, xây dựng 1 ha ao hồ xử lý nước thải với kinh phí khoảng 300 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 30%...
Quy hoạch của huyện Phong Điền đến năm 2020, huyện khai thác tiềm năng vùng cát đưa vào nuôi tôm với diện tích 900ha. Ngoài quan tâm chất lượng giống, thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện tiếp tục đầu tư quy hoạch ao chứa nước thải, hệ thống xử lý môi trường... đảm bảo hạn chế tối đa dịch bệnh, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Theo tin từ Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản, đợt mưa lớn kéo dài trong các ngày từ 26 đến 28/7 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Long đang đầu tư mở rộng từ 2.000 mét vuông tăng lên 3.000 mét vuông diện tích mặt nước nuôi cá nước lạnh ở Quảng Thừa, Đà Lạt, dự kiến đạt tổng sản lượng trên dưới 10 tấn/năm, trong đó chiếm 70% cá tầm và 30% cá hồi. Sau 4 năm (2006 - 2010) phát triển hiệu quả nghề nuôi cá nước lạnh, từ quy mô hộ gia đình đã vươn lên thành quy mô Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Long với lợi nhuận thu về ổn định hàng năm trên dưới 100 triệu đồng/1.000 mét vuông.
Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa hướng tới mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia. Qua gần một năm triển khai, các chuỗi liên kết này đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.
Ngày 29-7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch bệnh trên tôm xảy ra ở nhiều hồ nuôi của các hộ gia đình ở 12 xã, phường, thuộc năm huyện, thành phố trên địa bàn, với diện tích nhiễm bệnh hơn 200 ha.
Nghề nuôi cá nước ngọt (chủ yếu là cá tràu) mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người dân ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đổ xô cải tạo đất vườn, đào ao, trải bạt nuôi cá trong vườn nhà. Thế nhưng, mô hình nuôi cá mang tính tự phát này đã làm môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Song việc ngăn chặn, xử lý của chính quyền địa phương vừa chậm trễ, lại thiếu kiên quyết khiến người dân sống trong vùng bất bình.