Bảo hiểm cho tàu cá
Tàu mất, trắng tay
Ngày 14.9, tàu cá QNa 90208 bị chìm khi đang neo đậu tại vùng cửa sông thôn Hòa Bình (xã Tam Hòa, Núi Thành).
Gia đình ông Trần Công Tăng cho biết, mặc dù đã neo chặt thân tàu bằng dây cáp lớn ở cả đầu mũi lẫn đầu lái nhưng bão quá mạnh giật đứt phăng dây neo, con tàu bị lật úp ngay sau đó. Gió mạnh cộng với nước chảy xiết đẩy con tàu bị chìm trôi xa.
May mà lúc đó, nhiều ngư dân đã điều động tàu cá công suất lớn đến và cố công lai dắt được tàu của ông Tăng vào bờ.
Thiệt hại lớn khi thân tàu bị vỡ, máy thủy chính lẫn máy phát điện đều bị hỏng, máy dò đứng, máy dò ngang và các trang thiết bị khác trên tàu cũng không thể sử dụng được. “Thiệt hại lớn quá, lên đến 1 tỷ đồng.
Chừ gia đình không biết sẽ xoay xở thế nào để sửa chữa lại thân tàu và các trang thiết bị để đưa phương tiện tái sản xuất.
Chừ thì mới giật mình, tại sao mình lại không mua bảo hiểm cho tàu” - ông Tăng nói.
Cách đây chưa lâu, tàu cá QNa 05949 đang neo đậu tại biển Bình Minh (Thăng Bình) bỗng dưng bốc cháy.
Mặc dù nỗ lực bằng mọi cách nhưng chủ tàu, các bạn biển cùng lực lượng biên phòng xã Bình Minh đành bất lực. Tàu cá QNa 05949 được 5 anh em Nguyễn Anh, Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Lâm, Trương Công Tin và Trương Công Thạnh (cùng thôn Hòa Bình, xã Bình Minh) góp vốn mua lại từ Khánh Hòa rồi cải hoán nâng cấp để hành nghề lưới vây được 3 năm thì bị cháy.
Các ngư dân đã phải đôn đáo vay mượn từ nhiều nguồn mới có thể đầu tư được con tàu có giá trị hơn 1,2 tỷ đồng.
Tàu bị cháy đồng nghĩa với trắng tay, vì con tàu không được bảo hiểm. “Nghề biển bấp bênh, khi được khi không. Vậy mà tai ương kéo đến đã khiến chúng tôi rơi vào cảnh hoạn nạn. Không có phương tiện thì lấy gì để sản xuất, nợ vay quá nhiều làm sao trả nổi” - ông Trương Công Tin nói.
Thực tế quá trình bám biển của ngư dân luôn phải đối diện với tai ương. Chìm tàu, cháy tàu mà không mua bảo hiểm cho tàu đã khiến cho nhiều gia đình ngư dân vỡ nợ, tán gia bại sản.
Nhiều ngư dân không còn phương tiện sản xuất phải đi “bạn” nhưng chỉ đắp đổi qua ngày, còn ngày nào trả được nợ nần thì… quá xa.
Bảo hiểm cho tàu cá
Trở lại vùng cửa sông Hòa Bình khi bão số 3 đã ngớt, con tàu QNa 90208 hư hại nặng. “Cả tỷ đồng chứ ít đâu mà mình xoay xở được vào thời điểm này.
Các ngành, các cấp của huyện Núi Thành và tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên và hứa sẽ kêu gọi trợ giúp từ các nhà hảo tâm nên mình gắng sức chờ đợi vậy.
Nói rủi, không chừng đành bất lực, con tàu rệu rã với thời gian” - ông Trần Công Tăng thổ lộ.
Sau tai nạn của tàu cá QNa 90208, Hội Nghề cá Quảng Nam đã động viên gia đình ông Tăng bằng phần quà có giá trị 1 triệu đồng.
“Nghề biển là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của sinh nghề tử nghiệp.
Tai ương xảy đến thì chúng tôi động viên ngư dân và kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng xã hội. Nếu như thành lập được Quỹ tương trợ ngư dân thì có nguồn hỗ trợ lớn.
Nhưng nếu có quỹ ra đời thì hoạt động ra sao, ai quản lý, ngư dân có hăng hái góp quỹ, cộng đồng xã hội có hưởng ứng không, khó mà hình dung rõ được” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch hội Nghề cá Quảng Nam cho biết.
Theo Sở NN&PTNT, để tạo ổn định trong sản xuất nghề biển thì điều cần kíp là ngư dân phải tham gia bảo hiểm. Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) ra đời có khá nhiều hỗ trợ cho ngư dân.
Cụ thể, khi tham gia đóng bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67, chủ tàu có công suất dưới 400CV được Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí mua bảo hiểm, chủ tàu cá có công suất từ 400CV trở lên được Nhà nước hỗ trợ 90% chi phí. Khi không may gặp nạn, ngư dân được bồi thường 100% giá trị con tàu.
Sở NN&PTNT cho biết, chính sách bảo hiểm là một trong 5 chính sách quan trọng của Nghị định 67. Triển khai điều này, ngành thủy sản của tỉnh đã tổ chức 15 lớp tập huấn cho ngư dân tại 6 huyện, thành phố, thị xã có nghề cá của tỉnh. Nội dung được phổ biến là các quy định, điều kiện và trình tự hồ sơ mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, bảo hiểm ngư lưới cụ.
Đến nay, qua 3 đợt rà soát, thẩm định hồ sơ, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh giải ngân số tiền 3,716 tỷ đồng hỗ trợ phí mua bảo hiểm cho 3.280 thuyền viên và 143 tàu cá.
Tính chung, đến thời điểm này, Quảng Nam có 219 chủ tàu cá tham gia bảo hiểm, chiếm gần 50% tổng số chủ tàu cá hiện có tại Quảng Nam.
Có thể bạn quan tâm
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, do thời tiết không thuận lợi, thiếu hụt nước tưới tiêu, mùa mưa trong năm đến sớm nhưng lượng mưa thấp; dự báo sản lượng cà phê vụ 2014 - 2015 sẽ giảm từ 20% - 25% so với vụ trước. Cà phê Robusta ở Tây Nguyên còn bị “cúm” khi ra hoa, khô hạn nhiều vùng.
Trước đó, vào tháng 11/2013, ông Giàng Seo Sì (dân tộc Mông, ở thôn Nàng Cảng, xã Si Ma Cai) đã đầu tư trồng 0,9 ha cây tam thất tại thôn Hòa Sử Pan, xã Sán Chải, trở thành người đầu tiên ở Si Ma Cai trồng loại cây này với quy mô lớn, tập trung. Cây tam thất sẽ cho thu hoạch sau 3 năm trồng và theo ước tính của ông Sì, mỗi ha cho lãi không dưới 1 tỷ đồng.
Cây trôm là một phát hiện thú vị của huyện Tuy Phong (Bình Thuận), một minh chứng cho nỗ lực biến khó khăn, thách thức thành lợi thế của người nông dân ở vùng đất khô hạn nhất nước này.
Sau trận lũ muộn mới đây, nông dân các xã Phú Mậu, Phú Thanh (Phú Vang), Quảng Thọ, Quảng Thành, Sịa (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế)... đã tập trung khôi phục, tẩy rửa lớp bùn non phủ trên những luống rau. Những vườn rau cải, xà lách, hành ngò... nhờ vậy mà nay đã phủ một màu xanh non mơn mởn. Vùng nông thôn những ngày này có nhiều chuyến xe chở rau đến các chợ vùng ven đô, hay trung tâm thành phố Huế để bán.
Giá cao là do thời điểm này chỉ có những rẫy dưa nằm trong đê bao khép kín được người dân xuống giống sớm mới có trái thu hoạch nên nguồn cung còn hạn chế. Với giá hiện tại, nông dân sẽ có lợi nhuận khoảng 12 triệu đồng/công.