Chế Biến Phế Thải Thành Phân Bón Vi Sinh
Phế thải là nguồn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, việc không xử lý hoặc xử lý rác thải không đúng quy trình, bằng những công nghệ lạc hậu, tốn kém năng lượng và chi phí nhân công đang là trở ngại lớn cho nhiều địa phương.
Những năm gần đây, với sự phát triển nhanh và mạnh của khoa học công nghệ đã góp phần làm giảm phần nào những tồn đọng trong xử lý rác thải, phế thải; đồng thời những sản phẩm thu được trong quá trình xử lý phế thải đã trở thành nguyên liệu hữu ích cho các ngành sản xuất khác.
Thanh Tân (Kiến Xương) hiện đang là điểm nhấn trong xây dựng mô hình nông thôn mới của tỉnh. Vì vậy, dự án “Giải pháp thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt trong cộng đồng dân cư và rác thải nông nghiệp ngoài đồng để bảo vệ môi trường sống tốt lành cho người dân ở nông thôn Thái Bình” do Quỹ Unilever Việt Nam tài trợ đã trở thành một giải pháp hữu hiệu để biến rác thải thành phân bón, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Trước đây, bà con nông dân thường mang phế thải nông nghiệp sau khi thu hoạch (rơm, rạ, lõi ngô, vỏ đậu tương…) để đun nấu, làm thức ăn cho trâu, bò. Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa ngày một tăng nhanh, đời sống của nhân dân được cải thiện, người dân không cần đến rơm rạ đun nấu, trong khi họ cần giải phóng ruộng để chuẩn bị cho vụ sau, giải pháp đốt rơm, rạ trên đồng ruộng là sự lựa chọn phổ biến của bà con nông dân.
Vào mùa mưa, rơm, rạ gây ách tắc hệ thống kênh, mương, gây ô nhiễm môi trường. Việc đốt rơm, rạ tại ruộng không chỉ làm ô nhiễm môi trường do khối bụi mà còn làm mất đi lượng lớn các chất dinh dưỡng có trong rơm, rạ, đất; tiêu diệt vi sinh vật có lợi trong đất và làm mất cân bằng sinh thái khu vực.
Xuất phát từ thực tế đó, với sự giúp đỡ của Quỹ Unilever Việt Nam, năm 2010, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình (Liên hiệp Hội) đã tiến hành nghiên cứu, xử lý phế thải trên đồng ruộng sử dụng chế phẩm vi sinh vật phân hủy chất hữu cơ thành phân bón tại chỗ cho cây trồng tại xã Thanh Tân. Trong khuôn khổ của dự án, bà con nông dân xã Thanh Tân đã được tập huấn nâng cao nhận thức về thu gom, cách phân loại và kỹ thuật xử lý rác thải sinh hoạt trong cộng đồng dân cư và rác thải nông nghiệp ngoài đồng ruộng.
Kết thúc đợt tập huấn, Liên hiệp Hội đã hỗ trợ hơn 1.000 xô đựng rác cho 350 hộ dân trong xã để các hộ sử dụng, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Thành lập và hỗ trợ hoạt động của đội vệ sinh môi trường gồm 14 người, cấp 7 xe chở rác, 14 bộ quần áo bảo hộ lao động, xẻng xúc rác, ủng, mũ, khẩu trang, găng tay cho đội vệ sinh môi trường để phục vụ cho quá trình thu gom rác.
Làm mô hình điểm về xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp bằng chế phẩm sinh học thành phân hữu cơ vi sinh. Liên hiệp Hội đã phối hợp với UBND xã lựa chọn 21 hộ gia đình có tâm huyết, nhân lực, tự nguyện tham gia dự án, tôn trọng khoa học bảo đảm thực hiện đầy đủ các bước kỹ thuật trong quá trình xử lý rác thải, phế thải thành phân hữu cơ vi sinh.
Với các phương pháp tiến hành thô sơ và không tốn kém, lại không yêu cầu về công nghệ máy móc hiện đại, sau 2 tháng, Ban quản lý dự án đã triển khai nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện tại 21 mô hình ủ phân hữu cơ và điểm chứa rác thải tập trung. Kết quả, đã thu được gần 22,5 tấn phân hữu cơ vi sinh bảo đảm chất lượng tốt, mục, tơi, phân có màu đen hoặc nâu đen, tỷ lệ thành phẩm đạt trên 67% có thể bón cho 120- 125 sào ruộng …
Kết quả này đã khẳng định chất lượng và hiệu quả tác động của phân bón hữu cơ có bổ sung chế phẩm vi sinh vật khi đem so sánh với loại phân hữu cơ không bổ sung vi sinh vật và các loại phân khác cho thấy: phân hữu cơ được tái chế từ rác thải, phế thải không thua kém so với phân hữu cơ từ chất độn chuồng gia súc và các loại phân hữu cơ được chế biến từ các nguồn hữu cơ khác. Việc tái chế này không chỉ giúp ngăn ngừa nguyên liệu bị lãng phí, hạn chế nhu cầu về nguyên liệu thô để sản xuất mà còn làm sạch môi trường cảnh quan sinh thái, tránh tình trạng rác thải bị bỏ phí tại bãi rác, gây ô nhiễm môi trường.
Ông Lương Thế Hào, Trưởng thôn An Cư Nam, một trong số 21 hộ dân được chọn thực hiện dự án chia sẻ: Thời gian đầu khi mới được tập huấn, gia đình chúng tôi cũng rất băn khoăn nhưng khi làm thực tế và ra sản phẩm với lượng phân tơi, đẹp, tốt hơn phân chuồng, không có rác thải, dễ làm và ít tốn kém, gia đình tôi sẽ tiếp tục triển khai mô hình này. TS. Trần Duy Khanh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Thái Bình cho biết: Mô hình trên mới chỉ là thành công bước đầu, phạm vi triển khai còn rất nhỏ, số lượng ít, khối lượng phân hữu cơ vi sinh sản xuất ra chưa thật đạt yêu cầu, nhiều hộ gia đình chất lượng phân còn kém.
Hơn nữa, lượng phân trên đều được bón cho cây trồng vụ đông năm 2010 như: khoai tây, bí xanh, dưa chuột, ngô… chưa có điều kiện theo dõi, đánh giá tác dụng, hiệu quả của phân hữu cơ vi sinh đối với cây lúa, cây màu và tác dụng cải tạo đất, tăng độ tơi xốp, phì nhiêu cho đất như thế nào. Vì vậy, để tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân trong việc biến phế thải thành phân hữu cơ vi sinh, trong thời gian tới Liên hiệp Hội sẽ tiếp tục tìm nhà tài trợ để có thể xử lý rác thải từ rơm, rạ ngay tại đồng ruộng thành phân bón hữu cơ vi sinh trên diện rộng./.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, cảng cá Quy Nhơn luôn ở trong tình trạng quá tải, khiến cho tàu thuyền của ngư dân ra vào cảng cá gặp rất nhiều khó khăn; việc neo đậu tàu thuyền để bán sản phẩm và lấy tổn để mở chuyến biển mới cũng không phải là chuyện dễ…
Trong 3 năm thực hiện mô hình, dự án, hoạt động dạy nghề, hỗ trợ việc làm giai đoạn 2011-2013, 7 xã ngoại thành của TP Cà Mau có nhiều nông dân được đầu tư các dự án trồng hoa màu, rau an toàn, ruộng lúa bờ hoa, lúa trên đất nuôi tôm, nuôi cá chình, bống tượng,… Có hơn 600 hộ vươn lên khá giàu, hơn 300 hộ thoát nghèo.
Từ Lâm Đồng đến Cà Mau lập nghiệp, với đôi bàn tay trắng, hiện nay ông Phan Trung Tâm, cư ngụ tại ấp 3, thị trấn Trần Văn Thời sở hữu hơn 5 ha đất chuyên trồng hoa màu cho năng suất cao.
Trong những ngày này, bà con nông dân TP Cà Mau tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương cải tạo ao đầm để bước vào mùa nuôi tôm chính vụ.
Xã Tam Giang Tây những năm gần đây được đánh giá cao về công tác hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo. Với những cách làm hiệu quả cùng với ý thức, những hộ nghèo không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước mà tự phấn đấu vươn lên nên đời sống của những hộ dân sau khi được giúp đỡ ngày càng phát triển hơn.