Bán Xoài Lá Lợi Bất Cập Hại
Do lợi nhuận trước mắt, nhiều nhà vườn đã bán “khoán” vườn xoài cho người khác chăm sóc và thu hoạch. Tuy nhiên, xét về lâu dài, hình thức này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển của cây và giá trị kinh tế của vườn.
Lợi ích một...
Bán “xoài lá” là cho người khác thuê hoặc mướn vườn xoài trong một năm, với mức giá do 2 bên thỏa thuận. Khi đó, người thuê hoặc mua vườn xoài sẽ tự chăm sóc và thu hoạch khi xoài vào vụ. Theo ông Trần Minh Thương, ở ấp 2B, xã Tân Hòa, Châu Thành A (Hậu Giang), đây là hình thức được người nông dân tự thỏa thuận với thương lái hoặc những hộ thiếu đất sản xuất muốn thuê lại vườn.
Trước mắt, người nông dân không cần phải lo đầu ra sản phẩm mà vẫn được khoản thu nhập khá. Ông Phạm Minh Dũng, một thương lái tại xã Tân Hòa cho biết: “Cách thu mua này, nhà vườn đảm bảo có lời. Song song đó, khi vào chính vụ có thể tránh được tình trạng dội chợ, sụt giá.
Nếu như người ít đất sản xuất thuê thì xem như tạo được công ăn việc làm. Đa số chủ vườn cho thuê đều là những người không biết kỹ thuật chăm sóc hoặc chủ vườn bận rộn làm ăn, kinh doanh không có thời gian nên phải cho thuê lại”.
Bà Cao Thanh Thủy, ở ấp 1B, xã Tân Hòa (Châu Thành A) chia sẻ: “Gia đình tôi có khoảng 3 công xoài cát Hòa Lộc 5 năm tuổi, do không biết kỹ thuật và bận rộn với mấy vụ lúa nên tôi cho người trong xóm thuê lại vườn xoài với giá 4,5 triệu đồng/năm.
Giá này rất rẻ nhưng nếu bỏ không cũng phí. Tôi thấy người thuê khiển vườn xoài cho trái vụ vừa qua cũng được 30-40 triệu đồng/năm”. Đây chỉ là diện tích nhỏ nhưng nếu đối với những hộ có diện tích vườn cây lớn hơn thì mức độ thất thoát sẽ còn cao hơn gấp nhiều lần.
Nhưng thiệt hại mười
Đi đôi với lợi nhuận thu được thì người nông dân cũng phải gánh chịu những hệ lụy lâu dài từ việc bán “xoài lá” này. Có nhiều hình thức kích thích vườn cây ăn trái khi đã được chủ vườn cho thuê. Năm đầu tiên, người thuê tạo sự tin tưởng cho chủ vườn bằng cách chỉ cho xoài ra trái một vụ và phun thuốc vừa phải.
Ông Nguyễn Thanh Hiền, ở ấp 1B, xã Tân Hòa cho biết: “Ở những vụ sau, người thuê sẽ cho ra hoa nghịch vụ, chủ vườn cũng không thể lên tiếng vì mỗi đợt xử lý thuốc, họ chỉ phun thuốc kích thích trổ hoa khoảng 60% vườn xoài, vụ kế tiếp làm 40% còn lại. Sau khi hết hợp đồng, thương lái hoặc người thuê sẽ trả lại cho chủ vườn chăm sóc, bón thúc cho cây lại sức. Tuy nhiên, sức khỏe của cây bị tổn hại do hậu quả mỗi lần phun thuốc.
Chỉ một năm sau, cây xuống sức ngó thấy. Theo cách cho thuê này, vườn xoài cho năng suất cao ngất ngưởng trong những vụ đầu, càng về sau thì sản lượng giảm đáng kể. Nếu bình thường xoài có thể sống đến vài chục năm thì cách này làm giảm từ 5-10 năm”.
Bà Cao Thanh Thủy, ở ấp 1B, xã Tân Hòa (Châu Thành A) chia sẻ: “Khi hết hợp đồng thì họ trả lại cho mình vườn cây để chăm sóc, dưỡng lại nhưng ít nhiều cây bị xuống lá, còi cọc, chất lượng kém. Trong khi đó muốn trồng lại vườn mới sẽ tốn nhiều thời gian, vốn và công sức. Xoài cát Hòa Lộc trồng 3 năm mới cho trái, tuy nhiên để có những vườn xoài cổ thụ thì phải mất khoảng trên 10 năm”.
Tình trạng bán “khoán” vườn cây đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương và không chỉ có xoài mà các loại cây khác như cam, bưởi cũng xuất hiện hình thức này. Thiệt hại về lâu dài ngoài tuổi thọ cây giảm sút còn ảnh hưởng đến sản lượng trái cây. Anh Nguyễn Thanh Hiền cho biết thêm: “Hiện một số nhà vườn chỉ bán “xoài lá” cho mối quen hoặc người trong xóm.
Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra phổ biến và không có biện pháp ngăn chặn thì theo tôi dự đoán chỉ vài ba năm nữa sản lượng trái cây trên địa bàn khó mà giữ được như bây giờ. Bởi vùng này chuyên canh trái cây đã nhiều năm nay, cây trồng muốn phát triển và cho sản lượng tốt cần rất nhiều thời gian và công chăm sóc.
Xa hơn, tình trạng bán “xoài lá” có thể là nguyên nhân xóa sổ của vườn cây ăn trái. Nhất là khi vào tay thương lái, nhiều nhà vườn không tìm hiểu rõ lai lịch thì dễ rơi vào “bẫy” tương tự như những vụ việc vừa xảy ra như thu mua lá khoai lang, lá xoài,…”.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ các ngành chức năng cần có biện pháp khuyến cáo người dân nhưng hơn ai hết các nhà vườn phải tự thông suốt và tự bảo vệ lấy lợi ích lâu dài của chính mình khi làm hợp đồng theo kiểu trên.
Mặt khác, có nhiều phương án để lựa chọn như nhà vườn có thể thuê mướn nhân công có trình độ kỹ thuật trong quá trình chăm sóc hoặc xử lý ra hoa cho xoài trong trường hợp nhà vườn chưa nắm đủ kỹ thuật…
Có thể bạn quan tâm
Những ngày này, nông dân huyện Đại Từ ra quân sản xuất vụ đông với khí thế nhộn nhịp và khẩn trương. Khắp các xứ đồng từ An Khánh, Cù Vân đến Cát Nê, Văn Yên, Phú Thịnh… đâu đâu cũng thấy cảnh người dân cần mẫn trên đồng ruộng. Cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Khuyến nông huyện đã trực tiếp xuống cơ sở để tuyên truyền, vận động bà con nông dân gặt đến đâu, làm đất ngay tới đó với phương châm “sáng lúa, chiều cây vụ đông”...
Chăn nuôi đang là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong tỉnh. Để bảo vệ đàn vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh có vai trò đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, mạng lưới thú y cơ sở luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giúp chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi có hiệu quả..
Chương trình giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao, cải thiện đời sống được các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh coi là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình hoạt động. Xác định, khoanh vùng, tìm hiểu nguyên nhân để hỗ trợ cái hội viên cần, nâng cao kiến thức còn thiếu của hội viên, đưa ra kế hoạch hành động cụ thể...
Thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh vào dịp lễ của các vùng giáo về tinh thần đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết lương giáo, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi hội viên, nông dân vào việc xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Dự án khai thác tài nguyên bền vững vùng đồi dốc ở huyện Cẩm Thủy được Hội Khoa học thủy lợi Thanh Hóa thực hiện tại xã Cẩm Tâm từ năm 2010. Theo đó, dự án xây dựng 2 mô hình để thực hiện hỗ trợ, gồm: mô hình thu trữ nước mó và mô hình hạn chế lũ quét, bảo vệ môi trường.