Nông dân Đàm Văn Long cần cù, sáng tạo
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh (bên trái) trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Đàm Văn Long.
Hơn nữa, trong tháng 9-2015, ông Long là 1 trong 5 đại biểu vinh dự đại diện cho 187 ngàn nông dân trong tỉnh nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Từ nghề giáo chuyển sang nghề nông
Khu vườn của ông Đàm Văn Long nằm sâu trong con đường hẹp, ngoằn ngoèo và nhiều ngã rẽ nếu xuất phát từ trung tâm xã An Khánh.
Nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi tham quan khu vườn cây ăn trái xanh tốt và trĩu quả của mình, ông Long kể: “Trước đây, tôi là giáo viên tiểu học rồi làm cán bộ xã An Khánh, nhưng lại “có duyên” với nghề làm vườn hơn, nhờ nó gia đình tôi có cuộc sống khá giả như hôm nay.
Do gia đình nghèo, vợ chồng tôi được cha mẹ cho 2 công đất vườn.
Ngoài việc đi dạy học, tôi còn học thêm nghề thú y để kiếm thêm thu nhập.
Nhờ vậy, đồng lương giáo viên qua nhiều năm tích lũy kha khá.
Vào năm 2000, đất đai ở xã An Khánh giá còn thấp nên dùng hết số tiền mà 2 vợ chồng chắt chiu, dành dụm nhiều năm mua được 1ha đất vườn tạp.
Từ đây, tôi nghỉ dạy học để làm nông dân”.
Trước kia, mảnh vườn của ông chọn trồng xen canh 3 loại cây đặc sản là nhãn, măng cụt và bưởi Năm Roi.
6 năm về trước, cây nhãn và bưởi Năm Roi sụt giá và hay bị sâu bệnh nên ông quyết tâm chuyển sang trồng 3 loại cây chủ lực là: ca cao, bưởi da xanh và măng cụt.
Sau nhiều lần mua thêm đất, khu vườn của ông Long ngày càng được mở rộng 3ha.
Ông Long trồng khoảng 1,5ha cây bưởi da xanh, 7 công đất trồng cây măng cụt và trồng được hơn 1.200 cây ca cao xen với 2 loại cây trên.
Vườn cây này, mỗi năm cho thu hoạch trên 6 tấn trái măng cụt, 25 tấn trái ca cao và 19 tấn bưởi.
Năm 2014, dù giá trái cây sụt giảm nhưng khu vườn cây của ông Long vẫn cho lãi trên 450 triệu đồng.
Năm nay, trúng mùa, trúng giá và người nông dân giỏi này tiết lộ “chắc không dưới 1 tỷ đồng”.
Phát triển sản xuất theo hướng “Nông nghiệp sạch”
Đề cập đến việc trồng cây ăn trái đạt hiệu quả cao, ông Đàm Văn Long chia sẻ: “Để trồng cây ăn trái đạt chất lượng, mình phải học hỏi kỹ thuật cho đúng mức, sau đó áp dụng vào mảnh vườn của mình canh tác.
Cần phải chọn giống cho chuẩn, phải sử dụng đất cho phù hợp với từng loại cây.
Cung cấp phân, nước cho đầy đủ và đảm bảo vệ sinh thường xuyên để hạn chế sâu bệnh”.
Không giống với các khu vườn khác, vườn của ông Long trồng với mật độ thưa, lấy trái ít để đạt chất lượng cao.
Đặc biệt, khi cây ra trái, ông không sử dụng thuốc mà chịu khó bao trái.
Do vậy, các loại trái cây tại vườn ông không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Trong vườn cây, ông đào nhiều mương nhỏ để tiêu thoát nước vào mùa mưa, mùa triều cường và tạo cơ hội cho lượng phù sa bồi đắp hàng năm.
Hiện nay, dù không còn làm cán bộ xã, ông Đàm Văn Long vẫn là đảng viên tham gia sinh hoạt thường xuyên tại Chi bộ ấp 7.
Ngoài việc phát triển sản xuất, ông tiếp tục đóng góp cho hoạt động xã hội tại địa phương, nhất là hỗ trợ cây giống, kỹ thuật giúp cho nhiều nông dân khác làm vườn đạt hiệu quả, thoát nghèo.
Dù là chủ một trang trại “kiểu mẫu” nhưng ông Long vẫn còn nhiều trăn trở: “Từng lúc tôi phải chăm chút vườn cây ăn trái của mình để đạt tiêu chuẩn cao hơn, vì trái cây của mình đang phải cạnh tranh với trái cây ngoại nhập.
Nếu mình làm lơ mơ, không chịu theo dõi thị trường, không mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật và phát triển vườn cây theo hướng “nông nghiệp sạch” thì sẽ phải chịu thiệt thòi trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Khi vườn cây đạt các chuẩn xuất khẩu được sang các thị trường khó tính, tôi sẽ sử dụng nó phục vụ khách du lịch tham quan để tăng thêm thu nhập”.
Ông Lương Văn Vũ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Khánh nói: “Mô hình của hộ ông Long đạt hiệu quả kinh tế cao do có điều kiện về quỹ đất canh tác và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Phía Hội đã tổ chức phổ biến, nhân rộng những kỹ thuật canh tác đến cho bà con nông dân trong xã học hỏi để áp dụng vào trồng trọt trong khu vườn của mình đạt kết quả.
Để chăm sóc khu vườn có diện tích lớn này, mỗi năm, ông Đàm Văn Long phải thường xuyên thuê mướn thêm hàng trăm ngày công lao động, tạo việc làm cho thanh niên nhàn rỗi tại địa phương.
Các nhân công được ông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn cây và nhiều người đã dùng những kỹ thuật học được, rồi đi làm như một công nhân được đào tạo nghề”.
Từ hoàn cảnh khốn khó, nhờ bàn tay lao động cần cù, sáng tạo, ông đã trở thành “tỷ phú miệt vườn”.
Tấm gương sản xuất giỏi của ông Đàm Văn Long xứng đáng được biểu dương và nhân rộng.
Ông còn vinh dự đại diện cho nông dân tỉnh Bến Tre đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần IX sắp diễn ra tại Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
Theo Cục Thống kê tỉnh, tháng 8 sản xuất công nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng không cao, do các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.
Hiện UBND huyện Lấp Vò cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương đẩy mạnh công tác gia cố đê bao, bảo vệ ăn chắc trên 10.000ha lúa vụ thu đông đang giai đoạn đòng trổ, dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 8 âm lịch.
Các đơn vị hữu quan khẩn trương rà soát và di dời những hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn; thường xuyên bám sát địa bàn, theo dõi chặt chẽ tình hình để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tại địa phương.
Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, lứa rầy cám mới sẽ nở rộ từ ngày 22 - 31/8 gây hại trên trà lúa đẻ nhánh - làm đòng chủ yếu ở mức nhẹ, trung bình; cục bộ một số diện tích có thể nhiễm nặng do có nhiều lứa rầy gối nhau, tích lũy mật số từ đầu vụ.
Với mục tiêu tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, đảm bảo quá trình canh tác cho cả 3 vụ lúa trong năm, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân có đất ruộng trong cánh đồng mẫu lớn (CĐML) tại địa phương mạnh dạn liên kết lại để cùng nhau bơm tát tập trung trên cùng khu vực sản xuất.