Giải pháp phát triển sản xuất cà phê bền vững
Thực trạng việc canh tác cà phê
Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 11.700 ha cà phê, trong đó gần 9.000 ha cho sản phẩm, tập trung chủ yếu ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố, chiếm 95% diện tích cà phê toàn tỉnh.
Không thể phủ nhận, cây cà phê đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng nguyên liệu tập trung, tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế, cũng như tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ nông dân.
Tuy nhiên, việc sản xuất cà phê hiện nay từ khâu ươm giống, trồng, chăm sóc, bón phân, tỉa cành, thu hái chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chế biến còn manh mún.
Tỉnh cũng chưa có cơ sở sản xuất giống để cung ứng cho người trồng cà phê, dẫn đến tình trạng cà phê bị thoái hóa, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong quá trình chăm sóc cà phê, do lối canh tác truyền thống, bà con chưa tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, lớp thực vật dưới tán cà phê thường bị phá bỏ, gây xói mòn lớp đất mặt giàu dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, việc sơ chế do người dân tự làm, nên vỏ cà phê, nước thải không được xử lý gây ô nhiễm môi trường.
Nghiêm trọng hơn, ở những vùng trồng cà phê tập trung, đặc biệt là những vùng trũng nước thải đã gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Ngoài ra, do điều kiện địa hình, cà phê chủ yếu trồng ở những vùng đất dốc, việc tưới ẩm cho cây cà phê vẫn phải dựa vào nước mưa là chính.
Tình hình sâu bệnh cũng đang có những diễn biến phức tạp, mặc dù quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây cà phê đã được áp dụng rộng rãi, nhưng thời gian gần đây xuất hiện bệnh chùn ngọn cà phê, với tổng diện tích bị nhiễm lên tới 5.138 ha.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, bệnh chùn ngọn cà phê tuy không làm chết cây, nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng cà phê, đây là nguy cơ đe dọa đến các vùng sản xuất cà phê nếu không có giải pháp phòng trừ hiệu quả.
Việc thu hái cà phê cần rất nhiều lao động, dẫn đến chi phí sản xuất cao, thời gian thu hái kéo dài.
Đặc biệt, việc tiêu thụ sản phẩm hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương, tình trạng tranh mua, tranh bán, giá cà phê không ổn định, được mùa mất giá, được giá mất mùa thường xảy ra.
Phát triển cà phê bền vững
Cuối năm 2014, tỉnh ta đã triển khai thí điểm mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel tại xã Chiềng Ban (Mai Sơn), Chiềng Cọ (Thành phố) và Phổng Lái (Thuận Châu), bước đầu cho thấy cà phê sinh trưởng, phát triển tốt trong mùa khô hạn, khả năng kháng sâu bệnh tốt, tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao, đồng đều, năng suất tăng từ 15 - 20% so với vụ cà phê năm 2014.
Năm 2015, sản lượng cà phê toàn tỉnh khoảng 110.000 tấn quả, đầu mùa giá cà phê rất thấp, từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg quả, với giá này thì người trồng cà phê sẽ bị lỗ, hiện nay giá cà phê đã tăng lên gần 6.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm cà phê vẫn chưa thực sự bền vững, những doanh nghiệp tham gia thu mua, chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh hiện nay đều không phải đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.
Mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người trồng cà phê mới chỉ dừng ở việc bước đầu tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê, ứng trước vật tư, phân bón và trả bằng sản phẩm.
Mặc dù, trên 70% sản phẩm cà phê Sơn La được xuất khẩu, nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cà phê Sơn La.
Theo quy hoạch đến năm 2020, quy mô cà phê của tỉnh khoảng 13.000 ha, sản lượng cà phê nhân đạt 24.000 tấn/năm.
Nhằm từng bước khắc phục những bất cập trên và bảo đảm về chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tỉnh ta đang tập trung thực hiện các giải pháp phát triển cà phê theo hướng bền vững.
Triển khai cơ cấu lại tổ chức sản xuất, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thành lập các HTX trồng, chăm sóc cà phê, làm đại diện của các hộ nông dân ký hợp đồng thu mua sản phẩm với các doanh nghiệp; xây dựng các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết giúp nhau sản xuất.
Đẩy mạnh công tác tập huấn khuyến nông và các dịch vụ tư vấn, nâng cao trình độ canh tác.
Đồng thời, có chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến cà phê, gắn với bảo vệ môi trường.
Xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trên cơ sở hai bên cùng có lợi thông qua việc chia sẻ bình đẳng lợi nhuận trong quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu; khuyến khích nông dân thực hiện các quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.
Tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động chế biến cà phê và các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất cà phê.
Một tín hiệu đáng mừng trong vụ cà phê năm nay, nhiều người trồng cà phê đã áp dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp cận thị trường, theo dõi diễn biến giá cà phê trong nước và quốc tế để chủ động giá bán đối với sản phẩm của mình, từng bước hạn chế phụ thuộc vào tư thương.
Có thể bạn quan tâm
Khoảng vài tháng trở lại đây, trên địa bàn xã Nhơn Phú (Mang Thít - Vĩnh Long) xuất hiện mô hình trồng nấm linh chi. Bước đầu đạt hiệu quả khá và được xem là mô hình phát triển kinh tế hay từ một số hộ nông dân quyết đoán, quyết làm…
Bằng nguồn vốn Chương trình Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (TTKNKN) hỗ trợ trình diễn mô hình trồng ca cao xen dừa tại huyện Càng Long và Cầu Kè (Trà Vinh) với 11.000 cây giống trồng trên diện tích 22ha.
Thời điểm này nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang vào chính vụ thu hoạch tiêu, mặc dù giá đang giảm mạnh nhưng đây vẫn là mặt hàng có giá bán cao nhất trong các mặt hàng nông sản. Hiện người trồng tiêu đang có lợi nhuận khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha.
Ngày 24/2, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Bình Ngọc (TP Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết, tất cả 25 hộ thành viên của HTX đăng ký trồng rau theo mô hình VietGAP trên diện tích 13.380m2 vào cuối năm 2011 đến nay đã không còn trồng rau theo mô hình này.
Hiện nay, giá cà phê các đại lý ở Đồng Nai mua của nông dân hơn 38 ngàn đồng/kg, tăng trên 8 ngàn đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2013.