Bác sĩ mê làm... rau sạch

Muốn ăn phải lăn... ra vườn
Bắt đầu đơn giản từ mong muốn gia đình có được nguồn rau ăn hàng ngày an toàn và tươi ngon, nhưng không dễ tìm mua, anh Hồ Thanh Bình đã xắn tay đầu tư vào 2.000m2 đất để trồng các loại rau. Vì cách trồng đảm bảo tiêu chuẩn sạch rất mới mẻ, anh Bình phải nhiều đêm nghiên cứu, dịch các tài liệu của nước ngoài hướng dẫn trồng rau thủy canh và đến tận những nhà vườn trong nước đang áp dụng cách trồng rau sạch để học hỏi. Dù chuẩn bị kỹ càng về kiến thức, thế nhưng khi bắt tay vào thực hiện anh vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
“Hồi mới làm tôi cũng nhức đầu lắm, bởi hàng trăm thứ phải lo. Nguồn giống, bao bì trồng, nhà vườn, kỹ thuật, nguồn nước… thấy đơn giản nhưng tất cả mình phải đảm bảo đúng quy trình, sử dụng đúng chất liệu mới có được nguồn rau ưng ý”. Anh Bình cho biết thêm, nhiều đợt gieo hạt nhưng rau không lên; có đợt rau nảy mầm nhưng không lớn mà ngày càng già cỗi. Mỗi loại rau lại đòi hỏi một tỷ lệ phân, nước khác nhau, nếu pha như vậy sẽ rất mất thời gian và vốn đầu tư rất nhiều... khiến việc trồng rau để giải trí, thư dãn và có cái ăn cũng lắm gian nan với anh.
Tiếp tục tìm hiểu tài liệu, lại được một số bạn bè giúp sức về kinh nghiệm, nên sau nhiều thất bại, giờ đây anh Bình đã nắm vững được phương thức canh tác vườn rau thủy canh. Dần dần, những luống rau muống, cải, xà lách… phủ xanh khu vườn. Người dân trong khu vực này thường tìm tới mua rau của anh về dùng. Có người cuối tuần mang ô tô từ thành phố xuống mua rau mang về cho gia đình ăn cả tuần.
Ước mơ xây vùng rau sạch
Không dừng lại ở việc trồng rau sạch thủy canh, anh Hồ Thanh Bình còn đầu tư hàng tỷ đồng cho 1.000m2 trồng 2 loại dưa lưới và dưa vàng tại cồn Đá Lửa, xã Thạnh Phước, thị xã Tân Uyên.
Tại đây, cách canh tác hoàn toàn khép kín. Vườn dưa được trồng trong nhà kính, hệ thống tưới nước kiểu nhỏ giọt đến từng dây dưa.
Nhiễm thói quen kỹ tính của nghề y, từ khâu chọn giống, xây nhà kính, chăm bón… và ngay đến cả loại phân cũng được anh Bình chọn lựa kỹ càng từ nước ngoài nhập về để đảm bảo sạch và nguồn gốc rõ ràng. Tất cả đều theo phương thức canh tác sạch- không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, kích thích… Dù đầu tư vốn nhiều nhưng bù lại số lượng nhân công chăm sóc vườn dưa rất ít, chỉ một người vận hành hệ thống tưới, phân bón và chăm nom là đủ.
Để có vườn dưa nhiều quả như hôm nay, anh Bình phải mất gần cả năm để chuẩn bị. Từ khâu đất, nước đến tỷ lệ phối trộn phân bón, dinh dưỡng cho cây đều phải có công thức chính xác. Ngay đến thời gian tưới, lượng nước tưới bao nhiêu cũng phải căn chỉnh sao cho phù hợp nhất.
Ước mơ về vùng rau sạch tại cồn Đá Lửa hẳn sẽ thành hiện thực khi mà lứa dưa đầu tiên của anh Bình đã đến với tay người tiêu dùng. Nhiều bạn bè, người thân ở TP.HCM sau khi biết đến rau sạch, dưa sạch của bác sĩ Hồ Thanh Bình đã thường xuyên đặt hàng anh cung cấp mỗi ngày. “Tôi mong muốn sẽ có nhiều người cũng canh tác rau sạch giống như mình. Bây giờ tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm đáng báo động nên tôi tin rằng ai cũng mong muốn được dùng rau sạch với giá cả hợp lý”- anh Bình nói.
Có thể bạn quan tâm

Theo các chủ hộ tham gia mô hình, cá phát triển rất tốt. Sau 6 tháng nuôi cá trắm đen đạt 1,1 kg/con, cá chép V1 đạt 1,3 kg/con, cá mè đạt 1,5 kg/con. Sau trừ chi phí đầu tư, mô hình thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/mô hình. Đây là mô hình nuôi có hiệu quả cao kinh tế cao và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý. Chú trọng phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả và đa dạng hóa các hoạt động sản xuất nông nghiệp đã giúp không ít nông dân ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu... Trong đó, mô hình sản xuất đa canh của nông dân Trần Minh Phúc (ấp Nhơn Lợi, xã Nhơn Mỹ, Chợ Mới) là một điển hình.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, nuôi thuỷ sản vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Do đó, việc phát triển diện tích tôm công nghiệp trên địa bàn huyện hiện nay là một tín hiệu đáng mừng. Ðiều đó thể hiện sự chuyển biến tích cực trong cách thức tổ chức sản xuất của người dân. Tuy nhiên, điều đáng lo là hạ tầng phục vụ nghề nuôi không phát triển theo kịp sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ.

Hiện nay, nghề sản xuất, ương nuôi cá rô phi giống trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Trước xu thế đẩy mạnh nghề nuôi cá rô phi thương phẩm theo hướng không chỉ phục vụ cho người tiêu dùng nội địa, mà còn hướng tới thị trường xuất khẩu, chắc chắn nghề sản xuất cá rô phi giống sẽ tiếp tục được mở rộng.

Xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã được quy hoạch là vùng ngọt hóa. Do các công trình thủy lợi chưa khép kín hoàn toàn nên còn ảnh hưởng xâm nhập mặn (khoảng tháng 4 - 6 hàng năm), độ mặn tối đa 8%o, nên một số người dân đào ao nuôi tôm nước lợ.