Nhà Khoa Học Muốn Thu Tiền Bản Quyền Thanh Long
Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) muốn thu tiền bản quyền đối với giống thanh long ruột tím, một sản phẩm của quá trình nghiên cứu, lai tạo của viện này, khi đưa ra thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng SOFRI, cho biết thông tin trên bên lề sự kiện công bố dự án nông nghiệp trị giá 4 triệu đô la Mỹ do Chính phủ New Zealand hỗ trợ diễn ra ngày 7-8 ở TPHCM.
Ông Châu cho biết, một trong hai hoạt động hợp tác chính trong khuôn khổ dự án là SOFRI sẽ cùng với Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand phát triển và thương mại hóa giống thanh long ruột tím mà SOFRI đã mất 10 năm nghiên cứu nhưng chưa đưa được ra thị trường.
Theo ông, đối tác sẽ giúp thương mại hóa giống thanh long này, sau đó trả tiền sử dụng giống, giúp nâng cấp giống đã có và hợp tác tạo ra giống mới.
“Phí bản quyền” theo ông Châu sẽ chiếm khoảng 2% đến 5% tổng doanh thu xuất khẩu tùy theo nhu cầu sản phẩm.
“Sau giống thanh long ruột đỏ nghiên cứu thành công năm 2005, thanh long ruột tím là sản phẩm gần đây nhưng chúng tôi gặp nhiều khó khăn với việc đưa sản phẩm ra thị trường vì không có vốn, không có kinh nghiệm xuất khẩu. Chúng tôi muốn làm theo các mô hình quốc tế, tức là viện làm ra giống, giao giống cho một công ty tổ chức sản xuất, đóng gói, xuất khẩu rồi họ sẽ trả bản quyền, tiền nghiên cứu cho viện”, ông nói.
Ông Châu cho biết SOFRI đã liên hệ nhiều doanh nghiệp thanh long ở Việt Nam nhưng thất bại.
Ông cũng tiết lộ, theo thỏa thuận với đối tác New Zealand thì thanh long ruột tím do doanh nghiệp New Zealand xuất khẩu sang thị trường nào thì doanh nghiệp Việt Nam “đến sau” sẽ không được bán vào thị trường đó.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, một trong những doanh nghiệp thanh long lớn nhất nước, cho biết rất khó phân biệt thanh long ruột tím với thanh long ruột đỏ đã ra thị trường rất lâu trước đó. Bên cạnh màu sắc là pha trộn giữa thanh long ruột trắng và ruột đỏ, thanh long ruột tím chỉ có khác biệt là ráo nước hơn ở lát cắt, khi ăn có cảm giác dai hơn...
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Toàn quyền New Zealand, Trung tướng Jerry Mateparae từ ngày 3 đến 8-8, Chính phủ nước này đã công bố một dự án hỗ trợ nông nghiệp tại tỉnh Tiền Giang, Việt Nam.
Theo thông cáo báo chí của Đại sứ quán New Zealand, được tài trợ thông qua Chương trình viện trợ New Zealand, dự án trị giá 4 triệu đô la Mỹ này sẽ được thực hiện trong năm năm tới. Dự án sẽ do Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) và Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch phối hợp thực hiện. Mục tiêu chính của dự án là nhằm cung cấp một mô hình mẫu cho các hoạt động chọn tạo và thương mại hóa các giống trái cây tại Việt Nam.
Dự án sẽ sử dụng các công nghệ và kinh nghiệm của Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand trong việc phát triển và thương mại hóa các giống trái cây giá trị cao bao gồm trái kiwi Zespri, trái kiwi vàng, và táo Jazz.
Dự án sẽ tạo ra một giống thanh long mới và xây dựng mô hình sản xuất, sau thu hoạch và thương mại hóa hiệu quả nhất nhằm tăng thu nhập cho nông dân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào quá trình sau thu hoạch và thương mại hóa.
Có thể bạn quan tâm
Từ lâu, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ được biết đến với nhiều loại trái cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Thế nhưng việc lựa chọn giống cây trồng xen canh với cây ăn trái, luôn là bài toán khó cho các nhà vườn. Gần đây, khá nhiều nông dân trong xã đã mạnh dạn trồng xen canh cây hồ tiêu và mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở hướng đi mới cho nhà vườn...
Trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa ẩm thực Hàn Quốc đang diễn ra tại Hà Nội, ông Cho Weon Dae, giám đốc dự án Kopia (dự án nông nghiệp quốc tế của Hàn Quốc), cho biết Hàn Quốc đang đầu tư 2,6 triệu USD vào dự án trồng rau sạch tại Hòa Bình.
Nhìn cơ ngơi của ông chủ trại gà Thanh Đức (ấp Bình Tân, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) ai cũng trầm trồ thán phục.
Vì nhiều lý do mà hơn nửa thế kỷ qua, giống chuối Laba bị mai một dần. Mới đây chuối Laba đã báo hiệu sự trở lại khi Công ty Laba Đà Lạt xuất một đợt hơn 500 tấn chuối sang Úc.
Tin từ Sở NNPTNT Bạc Liêu ngày 16.5, trên 2.000 hộ nuôi tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau sẽ được Chính phủ hỗ trợ con giống tái sản xuất do bị thiệt hại.