Bắc Kạn Trồng Ớt Xuất Khẩu

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Bắc Kạn có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài các loại cây trồng truyền thống, tỉnh ta có nhiều chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều loại cây trồng mới có tính hàng hoá, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác.
Vụ Đông Xuân 2013 – 2014, được sự hỗ trợ của Dự án 3PAD, Công ty cổ phần Stevia Ventures triển khai mô hình Trồng ớt Mỹ Nhân Vương xuất khẩu trên địa bàn 2 huyện Ba Bể và Na Rì theo mô hình liên kết bốn nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông với tổng diện tích trên 50ha.
Giống ớt Mỹ Nhân Vương là giống ớt mới của Đài Loan có năng suất và chất lượng cao đang được thị trường thế giới ưa chuộng. Thời gian trồng kéo dài khoảng 6 tháng/vụ, năng suất dự kiến đạt từ 25- 30 tấn/ha. Ký hợp đồng liên kết sản xuất ớt Mỹ Nhân Vương người dân được Công ty cổ phần Stevia Venture hỗ trợ toàn bộ cây giống, phân bón, nilon che phủ, thuốc bảo vệ thực vật, ngoài ra Công ty còn trực tiếp tập huấn kỹ thuật trồng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trong suốt vụ. Sản phẩm được Công ty thu mua toàn bộ với giá 5.000 đ/kg.
Anh Hoàng Văn Thuỷ, thôn Nà Ngộm, xã Chu Hương, Ba Bể cho biết: Trước đây gia đình anh chỉ canh tác các loại cây trồng truyền thống như lúa, ngô, đỗ, lạc quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Được sự hỗ trợ của dự án gia đình anh đã đăng ký trồng thử nghiệm 2000m2.
Theo anh Thuỷ kỹ thuật trồng, chăm sóc ớt có phức tạp và tốn nhiều công hơn so với những cây màu khác nhưng nhờ có cán bộ kỹ thuật của Công ty thường xuyên bám sát hiện trường hướng dẫn, chỉ đạo nên ớt của các hộ dân ở đây đều sinh trưởng tốt. Đến nay, ruộng ớt của gia đình anh đã cho thu những lứa quả đầu tiên.
Công ty trực tiếp ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm với chính quyền địa phương và người nông dân, đồng thời dự án 3PAD hỗ trợ thành lập các nhóm sở thích nhằm gắn kết được các hộ nông dân với nhau, kết nối hiệu quả giữa người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, khi đến thời điểm ớt chín Công ty thông báo ngày thu mua sản phẩm cho người dân, tổ chức thu mua theo kế hoạch, trong đó địa điểm thu mua được bố trí gần vùng sản xuất, thuận tiện cho xe ô tô vào thu mua và cho việc vận chuyển tập kết hàng hoá. Sau 15 ngày thu mua người dân được thanh toán đầy đủ. Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật với tình hình sinh trưởng của cây ớt Mỹ Nhân Vương trên địa bàn huyện Ba Bể năng suất toàn vụ đạt khoảng 20 – 25 tấn /ha.
Những kết quả bước đầu của dự án sản xuất ớt Mỹ Nhân Vương không chỉ góp phần đưa một loại cây trồng hàng hoá mới đến với tỉnh ta mà còn giúp nông dân làm quen với cách tổ chức sản xuất mới: “Sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng” đây là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá.
Với sự hỗ tích cực của dự án 3PAD và Công ty cổ phần Stevia Ventures hy vọng rằng việc phát triển mở rộng vùng trồng ớt sẽ được duy trì và nhân rộng, qua đó làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, nâng cao thu nhập trên một diện tích canh tác cho nông dân góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập.
Có thể bạn quan tâm

Vụ lạc năm nay, nông dân các địa phương ở Thừa Thiên Huế thu hoạch xong. Khác với mọi năm, lạc đã hái trái, phơi khô nhưng chỉ đóng vào bao cất chứ không bán.

Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt vừa cấp miễn phí 1.500 cây cam canh giống cho nông dân xã Tà Nung. Đây là hỗ trợ của ngành nông nghiệp cho nông dân nhằm chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi kém năng suất sang canh tác loại cây trồng mới.

Chọn giống cá rô phi đơn tính đực, nuôi thả theo hướng GAP, mô hình thí điểm nằm trong khuôn khổ dự án phát triển nuôi cá theo quy trình bán thâm canh được thực hiện tại xã Trung Minh và Dân Chủ (thành phố Hòa Bình) không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế hộ mà còn mở rộng khuyến cáo ở địa bàn 11 huyện, thành phố trong tỉnh.

Chúng tôi về thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (Khánh Hòa), một trong những nơi hiện nay đang nuôi nhiều cá bớp, bởi hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Theo ông Nguyễn Phước, phó chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Lương thì hiện nay toàn xã có hàng chục hộ dân nuôi cá bớp trên đầm Nha Phu. Người nuôi ít nhất cũng khoảng 500 con, nuôi nhiều khoảng 3.000 con.

Với tổng diện tích 2.450 ha (trồng mới 165 ha), sản lượng bình quân hàng năm trên 8.000 tấn, Chư Pưh được xem là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên những năm trở lại đây cùng với việc người dân ào ạt trồng tiêu thì bệnh chết nhanh, chết chậm, tiêu điên trên cây tiêu diễn biến tương đối phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng.