Phát triển kinh tế từ giống táo Thái Lan
Vườn táo Thái Lan của gia đình anh Nguyễn Văn Toàn tại Tiểu khu 1, xã Hát Lót (Mai Sơn).
Qua lời giới thiệu của các hộ dân, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Toàn, Tiểu khu 1, xã Hát Lót.
Dẫn chúng tôi ra khu vườn của gia đình với những cây táo sai trĩu quả đang trong thời kỳ thu hoạch, anh Toàn giới thiệu, đây là giống táo Thái Lan siêu ngọt anh mới đưa vào trồng 2 năm nay.
Giống táo này cho chất lượng quả ngon, ăn giòn và ngọt ngay từ lúc nhỏ nên được nhiều người lựa chọn.
Tìm hiểu thêm được biết, cây táo được người dân trong xã đưa vào trồng từ 7 năm nay, nhưng chủ yếu là giống táo đại, có hơn chục giống táo đại nhưng hiện nay giống tốt nhất của táo đại lai lên tới giống F12.
Gia đình anh cũng trồng khoảng 20 gốc táo đại, sau một thời gian trồng anh nhận thấy táo đại tuy cho quả to, mã đẹp nhưng chất lượng không bằng các giống táo khác nên anh quyết định tìm giống táo mới cho chất lượng và năng suất cao hơn.
Qua tìm hiểu thấy giống táo Thái Lan rất thích hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương, lại tương đối dễ trồng, thị trường tiêu thụ rộng.
Vì vậy, đầu năm 2014 anh quyết định trồng thử nghiệm 80 cành giống táo Thái Lan.
Sau hơn 6 tháng trồng, cây đã cho quả, lượng quả bói đã đạt 30kg quả/cây, thu hoạch cả vụ trung bình trên 1 tấn quả với giá bán 40.000 đồng/kg, gia đình anh thu lãi hơn 30 triệu đồng.
Sang năm thứ hai, anh quyết định mở rộng diện tích trồng táo, chuyển toàn bộ 3.000m2 vườn cây ăn quả trước đây trồng táo đại, nhãn, bưởi sang trồng giống táo Thái Lan.
Về kỹ thuật trồng và chăm sóc táo Thái Lan, anh Toàn chia sẻ: Muốn trồng táo cho quả chất lượng, năng suất cao thì người trồng phải tuân thủ đúng kỹ thuật chăm bón.
Táo là loại cây dễ trồng, ưa nền đất ẩm, nên từ khi táo đậu quả đến lúc thu hoạch ngày nào cũng phải tưới nước, nếu đủ nước thì cây sẽ cho quả to, da căng, mỏng.
Ngược lại, nếu thiếu nước trong thời kỳ phát triển thì quả sẽ bị héo và rụng hết.
Táo là cây nhanh cho thu hoạch, chỉ trồng một lần nhưng duy trì khả năng cho quả khá dài đến gần 10 năm, hiện đây là một trong những cây ăn quả có tiềm năng phát triển kinh tế hơn các cây khác.
Nếu chăm sóc tốt, năng suất bình quân mỗi vụ của một gốc táo đạt từ 50 - 70kg, trung bình từ 7 - 10 quả/kg.
Không giống như những loài cây trồng khác, sau khi thu hoạch xong (khoảng từ tháng 2 đến tháng 3), cần tiến hành đốn bỏ cành và thu dọn vườn để chuẩn bị đón vụ mới.
Theo anh Toàn, khi đốn cành phải chú ý chỉ chừa 3 - 4 nhánh ở phần gốc để sau này dễ tạo tán và sai quả.
Năm đầu tiên đốn 20cm so với mặt đất thì năm thứ 2 đốn cách vết thứ nhất 10 - 15cm.
Sau mỗi lần đốn cành cần phải tưới nước, bón phân đầy đủ để kích thích cây phát triển nhanh.
Do táo là cây nhạy cảm, cần rất nhiều phân bón, cây hút chất dinh dưỡng chủ yếu thông qua bộ rễ nổi ở bề mặt đất, nếu như không biết cách bón dễ xảy ra hiện tượng cháy rễ.
Vì vậy, khoảng tháng 4 đến tháng 5, bắt đầu xới đất và đào hố quanh gốc, bón sẵn các loại phân lân, kali, vôi bột và phân chuồng hoai mục theo đúng tỉ lệ xuống trước (bón đón mưa) để khi có mưa cây đâm chồi nảy lộc, bén rễ nhanh, phát triển mạnh.
Đặc biệt, ưu điểm của cây táo là sử dụng rất ít thuốc sâu, chỉ phun thuốc sâu (phun đuổi) ở giai đoạn đầu cây táo đâm lộc non khi có bọ cánh cứng đến cắn lá, lúc này cây chưa hình thành hoa, quả.
Đến khi hình thành quả, để phòng trừ côn trùng hại quả (ong, ruồi chích quả), chỉ sử dụng dòng thuốc nấm hoặc bẫy mồi ngay trên thân cây để diệt, đây là những loại thuốc diệt côn trùng có hạn sử dụng ngắn nên đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Trao đổi thêm được biết, vườn táo của gia đình anh Toàn bắt đầu thu quả vào khoảng tháng 8 và kéo dài cho đến cuối tháng 3.
Hiện tại, việc tiêu thụ táo rất thuận lợi, vào mùa thu hoạch, thương lái thường đến tận vườn thu mua cho tới cuối vụ.
Với hơn 200 gốc táo, khoảng 2 - 3 ngày hái một lần, mỗi lần thu từ 150 - 200kg, vào thời điểm chín rộ có lúc lên đến 1 tấn.
Dự kiến năm nay, gia đình anh thu hoạch 7 tấn quả với giá bán ổn định từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, trừ chi phí, cho thu nhập bình quân hơn 200 triệu/năm.
Mô hình trồng táo không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân mà còn thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách có hiệu quả.
Hiện nay, cùng với một số cây trồng truyền thống ở địa phương như na, nhãn, mía...
cây táo đang trở thành cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Sáng mùng 2 Tết (1/2/2014), bà con ngư dân ven biển rộn ràng chuẩn bị ra khơi hái lộc đầu năm. Thời tiết thuận lợi, ngày đẹp bà con ngư dân hồ hởi ra khơi, mang theo niềm hy vọng một mùa đánh bắt mới bội thu.
Dễ nuôi, vốn đầu tư ít, hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt có thể tận dụng được diện tích ruộng thụt không thể trồng cây màu vụ đông..., mô hình nuôi cá chép trên ruộng ở xã Nhân Lý (Chiêm Hóa - Tuyên Quang) đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của bà con nông dân nơi đây.
Trông dáng người thấp đậm, lấm lem bùn đất chẳng ai ngờ anh Đinh Đăng Tuân ở xã Hưng Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình) đã là chủ một trang trại cá giống rộng gần 4ha, trị giá hàng tỷ đồng. Và ít người biết rằng, để có được cơ nghiệp ngày hôm nay Tuân bắt đầu khởi nghiệp từ nghề bán kem dạo...
Có những làng chài các thế hệ nối tiếp nhau đi biển, gắn chặt cuộc đời mình với những dập dềnh của sóng, mặn mòi của biển và cả những cơ cực, hiểm nguy khi vươn khơi giữa đại dương mênh mông.
Do phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, tiết giảm chi phí sản xuất, hiệu quả kinh tế cao nên những năm gần đây, mô hình kết hợp tôm - lúa phát triển khá mạnh tại các tỉnh, thành ven biển vùng ĐBSCL.