Mua đặc sản Đà Lạt, rước về cục tức
Rất nhiều khách du lịch đến Đà Lạt (Lâm Đồng) muốn mua được đặc sản thứ thiệt của TP này nhưng lại rước phải “cục tức” vì mua phải đặc sản dỏm.
Lý do là không ít người bán vì hám lợi nên đã biến các sản phẩm bình thường thành đặc sản Đà Lạt hoặc nhập các mặt hàng giá rẻ từ Trung Quốc rồi dán mác “đặc sản Đà Lạt” bán với giá cao ngất ngưởng.
Rước “cục tức”
Chị Minh Hà, nhà ở TP.HCM, đi du lịch bốn ngày tại Đà Lạt.
Trước ngày về, chị mua 3 kg mứt, dâu tây để làm quà tặng cho người thân, bạn bè.
Thế nhưng khi nhìn những sản phẩm này, giám đốc một công ty chuyên kinh doanh nông sản tại Đà Lạt khẳng định: “Chị mua phải đặc sản dỏm rồi.
Đó là mứt, dâu Trung Quốc chứ không phải của Đà Lạt”.
“Không chỉ tôi mà nhiều người bạn của tôi cũng bị lừa.
Đúng là mua đặc sản, không ngờ lại rước “cục tức” vào người.
Tôi mong các cơ quan chức năng dẹp bỏ tình trạng kinh doanh gian dối này để người tiêu dùng (NTD) không bị lừa, đồng thời cũng là để bảo vệ đặc sản Đà Lạt chính hiệu” - chị Hà bức xúc nói.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay không chỉ mứt, dâu tây mà rất nhiều đặc sản khác của Đà Lạt cũng bị làm giả.
Điển hình như khoai tây, dưa lưới, bơ sáp, đào giòn, hồng dẻo, khoai lang dẻo… Trong đó một số sản phẩm sau khi “mặc áo” đặc sản Đà Lạt đã được bán cho du khách với giá cao gấp 4-7 lần sản phẩm chính hiệu.
Chúng tôi theo chân hai khách du lịch đến từ TP.HCM vào mua đặc sản tại chợ Đà Lạt.
Tại đây, hồng sấy nguyên trái có hạt và loại xẻ thành hai miếng giá 150.000-170.000 đồng/kg.
Trái hồng không hạt có bụi phấn trên mặt giá 200.000 đồng/kg.
Khi một du khách hỏi nhân viên bán hàng: “Sao không thấy ghi tên cơ sở sản xuất trên bao bì? Liệu có đúng là đặc sản Đà Lạt?” thì người bán chỉ trả lời đây là hàng do gia đình tự làm nên không có tên cơ sở sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, nói: Thời gian gần đây xuất hiện dưa lưới bày bán khắp nơi ở các tỉnh, thành dưới mác dưa lưới Đà Lạt với giá 15.000-20.000 đồng/kg.
“Dưa lưới mới được nhà nông ở Đà Lạt canh tác từ năm 2014.
Sản phẩm này được thu hoạch và hết từ giữa tháng 8, lấy đâu ra nguồn hàng dồi dào để bán đại trà khắp nơi với giá rẻ như vậy.
Hơn nữa dưa lưới bán tại vườn đã có giá 35.000-45.000 đồng/kg chứ làm gì có chuyện có mười mấy ngàn đồng/kg” - ông Sơn phân tích.
Ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng bắt giữ một lượng lớn mứt Trung Quốc chuẩn bị “khoác áo” mứt Đà Lạt để đánh lừa NTD.
“10 món thì hết 7 món giả”
Một số nhà vườn và giới kinh doanh nông sản tại Đà Lạt ước tính hiện trên 70% mứt bày bán tại các cửa hàng đặc sản ở TP này đến từ Trung Quốc.
Hành vi trên chính là gian lận thương mại.
Nó không chỉ gây thiệt hại cho người sản xuất, NTD mà còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu nông sản Đà Lạt.
Nó cũng làm cho đặc sản Đà Lạt thứ thiệt mai một dần.
Chị Nguyễn Thị L., chủ một cơ sở kinh doanh đặc sản lâu năm ở Đà Lạt, cho rằng du khách rất dễ bị lừa bởi “10 món đặc sản Đà Lạt thì có khi hết 7 món là của Trung Quốc, hàng giả rồi”.
“Hàng đặc sản Đà Lạt hiện chỉ có một số loại như mứt, dâu tây, chanh dây, khoai lang, hồng, kẹo me, kẹo dâu tằm… chứ không nhiều đến mức tràn ngập thị trường với đủ loại như hiện nay” - chị L.
khẳng định.
Đại diện Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Đà Lạt cho hay một số công ty nông sản tại TP này gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, nhất là hàng Trung Quốc gắn mác sản phẩm Đà Lạt.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên theo các doanh nghiệp là do cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo .
“Nhiều sản phẩm đóng gói rất sơ sài, chỉ ghi tên cửa hàng, không có tên cơ sở sản xuất...
cũng được bày bán công khai.
Điều này làm ảnh hưởng đến cơ sở uy tín” - một doanh nghiệp bức xúc nói.
Cấm không phải là thượng sách
Bức xúc trước tình trạng đặc sản Đà Lạt bị giả mạo, mới đây UBND TP Đà Lạt đã cấm cửa khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt từ ngày 1-11.
Ngay sau lệnh cấm, nhiều tiểu thương phản đối, đòi trả lại sạp nên lệnh cấm đã bị hủy bỏ.
Tuy vậy, các tiểu thương khi xuất bán ra khỏi chợ nông sản Đà Lạt đều phải gắn nhãn hiệu trên bao bì “Khoai tây xuất xứ Trung Quốc” hoặc “Khoai tây xuất xứ Đà Lạt” để tránh nhầm lẫn cho NTD.
Giải pháp trên thể hiện sự nỗ lực của chính quyền trong việc bảo vệ uy tín thương hiệu nông sản.
Song nhiều người cho rằng giải pháp này là chưa đủ và chưa phải là giải pháp bền vững, hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng giả mạo đặc sản Đà lạt.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng ban Quản lý chợ Đà Lạt, thừa nhận: “Trong trường hợp tiểu thương nhập sản phẩm về rồi lưu trữ ở các kho bên ngoài chợ thì không thể quản lý được”.
Từ thực tế trên, một số chuyên gia cho rằng không thể cấm nông sản Trung Quốc vào chợ.
Bởi chính người dân Việt làm giả đặc sản, hoặc nhập hàng Trung Quốc về rồi làm giả chứ không chỉ có người Trung Quốc.
“Trong sân chơi hội nhập, để công bằng và khách quan, chúng ta không thể cấm nhập sản phẩm của một nước nào đó vào chợ.
Để bảo vệ quyền lợi NTD, bảo vệ hàng trong nước một cách hợp lý thì điều quan trọng là phải có hàng rào kỹ thuật chặt chẽ để kiểm soát chất lượng sản phẩm” - một chuyên gia nhấn mạnh.
Song song đó nên siết chặt lại quy trình kiểm soát, quản lý thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hành vi gian lận thương mại.
Làm mất uy tín nông sản Việt
Không chỉ đặc sản Đà Lạt mà nhiều nông sản Việt đã có thương hiệu như nho Ninh Thuận, đào Sa Pa, cam Vinh, xoài cát Hòa Lộc... cũng bị làm giả.
Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người sản xuất, NTD mà còn ảnh hưởng tới uy tín của nông sản Việt.
Nghị định số 71/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh nêu rõ hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh bị phạt tiền từ 50 triệu đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa...
Ngành chức năng TP Đà Lạt từng kiểm tra 95 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đặc sản tại Đà Lạt và phát hiện đến 91 cơ sở vi phạm các quy định về nhãn mác, không công bố chất lượng hàng hóa, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng nhái.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 22-10, ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, cho biết thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá ngừ đại dương đi Mỹ gặp khó khăn, bị trả hàng liên tục vì cá nhiễm vi sinh như khuẩn E.Coli, Salmonella…
Đáng chú ý là tình hình sản xuất cá tra tại các tỉnh ĐBSCL đang có dấu hiệu khả quan, giá cá tra tăng nên người nuôi đã bắt đầu có lãi. Cụ thể, diện tích nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL trong 10 tháng đầu năm ước đạt hơn 7.000 ha với sản lượng 890 ngàn tấn.
Tuần qua, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng các loại đồng loạt tăng giá khoảng 5.000 đồng/kg và có xu hướng tiếp tục tăng sau khi giảm giá hơn 10.000 đồng/kg vào cuối tháng 9 vừa qua. Trước tình hình này, nông dân có ao tôm nuôi chuẩn bị thu hoạch vô cùng phấn khởi bởi hứa hẹn một vụ tôm được mùa trúng giá.
Theo Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, tính đến ngày 15/10/2014, đã có 08/41 nhà máy đường đi vào sản xuất. Các nhà máy đã ép được 416 nghìn tấn mía, sản xuất được 36,8 nghìn tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng múa ép tăng 64 nghìn tấn, lượng đường tăng 7,1 nghìn tấn.
Những ngày cuối tháng 10, chị Vũ Thị Nga (đường Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội) vô cùng vui mừng khi lô cam Vinh đầu tiên ông ngoại gửi cho hai đứa trẻ nhà chị ra đến nơi. Ông nhắn, cam giờ vào mùa, hai tuần ông gửi cam ra một lần.