Ba Đại Gia Bắt Tay Làm Nông Nghiệp

Với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng và cái “bắt tay” của ba công ty lớn là Hoàng Anh Gia Lai, NutiFood và Vissan, liên doanh này tuyên bố sẽ hạ giá sữa và thịt bò trên thị trường Việt Nam.
Chiều ngày 9-6 , tại TP. Hồ Chí Minh, Hoàng Anh Gia Lai, NutiFood và Vissan đã chính thức ký hợp tác sản xuất bò thịt và bò sữa.
Tổng vốn đầu tư dự án lên tới 12.000 tỷ đồng.Trong đó, khoảng 6.000 tỷ đồng đầu tư cho nhà máy chế biến bò sữa và nhà máy chế biến bò thịt; khoảng 6.000 tỷ đồng đầu tư cho phát triển đàn bò.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood cho biết, Nutifood hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai trong dự án phát triển bò sữa với mong muốn tạo ra sản phẩm sữa tươi 100% từ chính nguồn nguyên liệu trong nước. Công ty sẽ đầu tư nhà máy chế biến sữa tươi 100% sử dụng nguyên liệu là sữa bò tươi của trang trại bò sữa Hoàng Anh Gia Lai.
Nhà máy nằm tại Khu công nghiệp Trà Đa, trên diện tích 7 ha cách trang trại sữa Hoàng Anh Gia Lai khoảng 40 km. Tổng số vốn đầu tư của dự án là 5.000 tỷ đồng chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng, quy mô sản xuất khoảng 290 triệu lít sữa tươi/năm.
Giai đoạn 2 có vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, công suất nhà 500 triệu lít sữa tươi/năm. Nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 9-2014 và dự kiến lễ khánh thành sẽ vào giữa quý III-2015. Dự kiến khoảng tháng 8-2015 máy sẽ có sản phẩm sữa tươi đầu tiên.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết, Hoàng Anh Gia Lai hiện đang có trong tay quỹ đất lên tới 100.000 ha tại ba nước Việt Nam, Lào và Myanmar với điều kiện thuận lợi để áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Với quỹ đất sẵn có để trồng cỏ, bắp và cọ dầu, ông Đức cho rằng sẽ tiết kiệm ít nhất 70% chi phí thức ăn, cho bò.
Từ nguồn nguyên liệu sẵn có và cách sản xuất, kinh doanh khép kín bằng sự hợp tác giữa 3 công ty, ông Đoàn Nguyên Đức tự tin cho biết “liên minh” này có đủ điều kiện để hạ được giá thịt bò và sữa tươi trên thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Tính đến nay, diện tích nuôi thủy sản được thu hoạch khoảng 1.003 ha, tăng 6,0% so cùng kỳ, trong đó diện tích nuôi cá tra là 567 ha, tăng 7,0% so cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch là 132 ngàn tấn, tăng 6,5%, trong đó sản lượng cá tra 110 ngàn tấn, tăng 3,1% so cùng kỳ.

Gần 1 tháng nay, những người nuôi tôm tại Bến Tre đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tôm thương phẩm rớt giá, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, diện tích thiệt hại ngày càng tăng.

Trình độ khoa học công nghệ thủy sản chưa thật sự làm chủ công nghệ. Thách thức càng tăng cao khi yêu cầu kháng bệnh, khả năng tăng trưởng và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu ngày một mạnh mẽ.

Theo Trung tâm khuyến nông Quốc gia, năm 2014 xuất khẩu thủy sản đạt 7,92 tỉ USD, riêng giá trị xuất khẩu tôm chạm ngưỡng 4 tỉ USD. Bên cạnh những dấu ấn tự hào này, thì ngành nuôi tôm còn gặp nhiều khó khăn, trong đó rào cản về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của các nước nhập khẩu không giảm mà còn có nguy cơ tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo Chi cục Thú y thuộc Sở NN&PTNT, thời tiết nắng nóng kéo dài cộng với nguồn tôm giống trước khi thả nuôi không được kiểm dịch chặt chẽ đã làm cho nhiều diện tích tôm nuôi trong tỉnh Bình Định bị dịch bệnh. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 16,04 ha tôm nuôi bị dịch bệnh, trong đó bệnh do vi-rút đốm trắng 1,51 ha, bệnh do môi trường 14,53 ha.