Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chương trình tín dụng ưu đãi quan tâm đến hộ nghèo ở khu vực II và III

Chương trình tín dụng ưu đãi quan tâm đến hộ nghèo ở khu vực II và III
Ngày đăng: 16/11/2015

Đại diện Tổ Tiết kiệm - Vay vốn NHCSXH huyện Vân Canh kiểm tra hiệu quả từ đồng vốn vay ưu đãi đối với một hộ ở địa phương.

Ghi nhận những kết quả

Bà Nguyễn Thị Mai, ở thôn An Ngoại, xã Vĩnh Thịnh, là một trong những hộ điển hình vượt khó thoát nghèo ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh.

Là hộ nghèo, được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Vĩnh Thạnh, bà Mai đã mua 2 con bò về nuôi.

Khi 2 con bò lớn lên, bà bán bò để trả nợ NHCSXH và mua tiếp 2 con bò giống lai.

Tiếp đó, bà mạnh dạn vay NHCSXH thêm 50 triệu đồng để phát triển đàn bò lai.

Thu nhập từ chăn nuôi bò đã giúp gia đình bà Mai cải thiện cuộc sống và thoát nghèo.

“Từ đầu năm 2015 đến nay, nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, 14.557 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh đã được vay vốn làm ăn, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống; giải quyết được việc làm cho 1.245 lao động; giúp cho 5.278 hộ gia đình có nước sạch sinh hoạt và cải thiện công trình vệ sinh; tạo điều kiện cho 1.193 học sinh, sinh viên con em gia đình nghèo an tâm học tập”

Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, cho biết: Theo thống kê của NHCSXH tỉnh, tính đến đầu quý III-2015, tổng nguồn vốn của toàn hệ thống NHCSXH tỉnh đạt trên 2.404 tỉ đồng, tăng hơn 5,8% so với cuối năm 2014.

Trong đó, vốn địa phương chiếm gần 26,3 tỉ đồng (tăng gần 12%).

Doanh số cho vay đạt gần 723 tỉ đồng (tăng gần 31%); doanh số thu nợ đạt trên 593 tỉ đồng (tăng 9,8%).

Các chương trình tín dụng có doanh số thu nợ lớn trong kỳ là tín dụng hộ nghèo (gần 262,4 tỉ đồng) và hộ cận nghèo (gần 40 tỉ đồng).

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng của toàn hệ thống đạt trên 2.399 tỉ đồng (tăng 5,7%).

Tăng trưởng dư nợ tập trung vào một số chương trình, như: Hộ cận nghèo (tăng gần 76% so với dư nợ đầu năm), hộ nghèo (tăng 0,3%), hộ mới thoát nghèo (đạt gần 13 tỉ đồng)...

Đáng lưu ý, từ đầu năm đến nay, chất lượng tín dụng ngày càng được cải thiện, nợ xấu chỉ còn 0,35% tổng dư nợ, tỉ lệ nợ xấu giảm 0,1% so đầu năm.

Đặc biệt, từ đầu năm 2015 đến nay, nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, 14.557 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh đã được vay vốn làm ăn, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống; giải quyết được việc làm cho 1.245 lao động; giúp cho 5.278 hộ gia đình có nước sạch sinh hoạt và cải thiện công trình vệ sinh; tạo điều kiện cho 1.193 học sinh, sinh viên con em gia đình nghèo an tâm học tập.

Chú trọng khu vực II và III

Có thể nói, hiệu quả của chương trình cho vay hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua là rất đáng ghi nhận.

Theo ông Nguyễn Đình Sơn, điều đáng mừng là kết quả “xóa đói, giảm nghèo” khá khả quan ở các địa bàn miền núi có điều kiện KT-XH khó khăn (Khu vực II và III).

Nhờ duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các điểm giao dịch lưu động tại UBND xã, nên các chương trình tín dụng ưu đãi tại 3 huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão đã đạt được những kết quả đáng kể.

Theo thống kê của NHCSXH tỉnh, 10 tháng đầu năm 2015, doanh số cho vay tại 3 huyện miền núi đạt gần 154 tỉ đồng, doanh số thu nợ đạt trên 123,3 tỉ đồng.

Cụ thể, 10 tháng năm 2015, huyện Vân Canh có 2.078 khách hàng được vay vốn với tổng dư nợ gần 150 tỉ đồng (trong đó hộ nghèo trên 58 tỉ đồng; hộ cận nghèo gần 22 tỉ đồng); huyện Vĩnh Thạnh có 1.907 khách hàng vay vốn với dư nợ gần 155 tỉ đồng (hộ nghèo gần 27,2 tỉ đồng, hộ cận nghèo gần 18 tỉ đồng); huyện An Lão có 1.539 khách hàng được vay vốn, dư nợ gần 138 tỉ đồng (hộ nghèo trên 73 tỉ đồng, hộ cận nghèo gần 16,5 tỉ đồng)...

Kết quả, 10 tháng qua, trên địa bàn tỉnh có trên 3.661 người là đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo khu vực II và III được vay vốn sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống và thoát nghèo...

Cũng theo ông Nguyễn Đình Sơn, từ những kết quả trên, Chi nhánh NHCSXH tỉnh xác định trong thời gian tới sẽ tiếp tục chú trọng đến các chương trình tín dụng ưu đãi và công tác cho vay hộ nghèo ở địa bàn miền núi có điều kiện KT-XH khó khăn.

Đặc biệt, kể từ ngày 2.11.2015, Nghị định 75/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng (BV-PTR) gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 chính thức có hiệu lực.

Nghị định 75 quy định rõ: Hộ gia đình là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực II, III, điều kiện KT-XH khó khăn, nếu có thực hiện một trong các hoạt động BV-PTR sẽ được vay vốn từ NHCSXH để trồng rừng, chăn nuôi, với lãi suất 1,2%/năm.

Cụ thể, đối với hộ gia đình vay trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, căn cứ thiết kế, dự toán trồng rừng, sẽ được vay không có tài sản đảm bảo đối với phần giá trị đầu tư còn lại tại NHCSXH với hạn mức tối đa là 15 triệu đồng/ha.

Thời hạn cho vay được tính từ khi trồng đến khi khai thác chính theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng, nhưng không quá 20 năm.

Riêng đối với hộ gia đình vay đầu tư chăn nuôi (trâu, bò và gia súc khác) sẽ được NHCSXH cho vay không có tài sản đảm bảo với hạn mức tối đa 50 triệu đồng, trong vòng 10 năm.

Mức vay và thời gian vay cụ thể đối với mỗi chính sách sẽ do NHCSXH và hộ gia đình tự thỏa thuận.


Có thể bạn quan tâm

Cánh Đồng Liên Kết Ở Đồng Tháp Phát Huy Hiệu Quả Cánh Đồng Liên Kết Ở Đồng Tháp Phát Huy Hiệu Quả

Trong sản xuất lúa gạo hiện nay, Đồng Tháp chọn hướng đi mới là áp dụng mô hình “cánh đồng liên kết”. Với lựa chọn này, địa phương mong muốn gắn kết chặt chẽ nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu hơn là quan tâm đến quy mô sản xuất lớn hay nhỏ.

21/02/2014
Cây Bưởi Hồng Trên Đất Sỏi Cơm Cây Bưởi Hồng Trên Đất Sỏi Cơm

Tuy chỉ cách quốc lộ 20 vài cây số, nhưng đường vào vườn bưởi của ông Phạm Trí Việt ở ấp 94, xã Túc Trưng (huyện Định Quán, Đồng Nai) lại khá vất vả vì chỉ có con đường mòn đầy sỏi đá, lên dốc xuống đèo.

18/03/2014
Trà Vinh Hơn 42 Tỷ Đồng Hỗ Trợ Nông Dân Trồng Ngô Giống Trà Vinh Hơn 42 Tỷ Đồng Hỗ Trợ Nông Dân Trồng Ngô Giống

Khoảng 2.200 hộ nông dân nghèo tại tỉnh Trà Vinh sẽ được hỗ trợ để thoát nghèo thông qua dự án “Kinh doanh cùng người thu nhập thấp”.

18/03/2014
Báo Động Tình Trạng Nông Dân Phá Bỏ Cây Cà Phê Báo Động Tình Trạng Nông Dân Phá Bỏ Cây Cà Phê

Thời gian gần đây, nông dân ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) phá bỏ cây cà phê, chuyển sang trồng sắn, tiêu, cao su. Điều đáng nói là khi giá nông sản xuống thấp, nông dân đã vội bỏ cây trồng này để chạy theo cây trồng khác chỉ vì lợi nhuận trước mắt chứ không quan tâm đến định hướng quy hoạch lâu dài của địa phương.

21/02/2014
“Trẻ Hóa” Vườn Điều Già Cỗi “Trẻ Hóa” Vườn Điều Già Cỗi

Bằng việc áp dụng kỹ thuật ghép chồi trên các thân cây điều già, người trồng điều ở Bình Phước đã rất thành công trong việc “trẻ hóa” vườn điều của mình, mà không cần phải chặt bỏ cây điều già cỗi để trồng lại.

18/03/2014