Australia Giúp Nông Dân Việt Cải Thiện Thu Nhập

Ngày 16.9, Hội thảo khởi động dự án cải thiện thu nhập cho nông dân vùng Tây Bắc Việt Nam do Chính phủ Australia tài trợ đã khai mạc tại Hà Nội.
Dự án “Cải thiện thu nhập cho các hộ nông dân nhỏ tại vùng cao Tây Bắc thông qua tăng cường tính cạnh tranh và tiếp cận thị trường khu vực của các sản phẩm trái cây ôn đới và bán ôn đới” kéo dài từ 2014-2018, với kinh phí gần 1,4 triệu USD được tài trợ thông qua Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia.
Ông Hugh Borrowman- Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh sự gắn kết, cùng nhau hợp tác là động lực để đưa kết quả nghiên cứu trở thành hiện thực phát triển cải thiện cuộc sống cho người dân. Ông Borrowman khẳng định: “Dự án hướng tới cải thiện thu nhập cho nông dân, đặc biệt là phụ nữ và nông dân thuộc các dân tộc thiểu số thông qua sự tham gia tích cực và bài bản hơn của khối tư nhân”.
Dự án sẽ đánh giá động thái thị trường và người tiêu dùng cũng như cơ hội tại địa phương, tại tỉnh, quốc gia và trong khu vực; Giúp hoàn thiện các kế hoạch chính phủ đề ra, điều phối hoạt động phát triển cây ăn quả ôn đới và bán ôn đới tại các tỉnh khu vực Tây Bắc;
Khắc phục các trở ngại hiện đang kìm hãm sự phát triển của ngành sản xuất quả ôn đới ở Tây Bắc Việt Nam để áp dụng giống và kỹ thuật cải tiến; Phát triển các mô hình thị trường dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng nhằm gắn kết với các thị trường có khả năng tạo ra lợi nhuận tốt hơn.
Dự án sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận mới liên ngành để thúc đẩy quá trình đối thoại và trao đổi thông tin nhằm cải thiện và phát triển ngành hàng trái cây ôn đới theo định hướng thị trường. Quá trình đối thoại này sẽ có sự tham gia tích cực của các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực nghiên cứu về trồng trọt, nhân chủng học, thị trường, người tiêu dùng và nghiên cứu chuỗi giá trị, với các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp và nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Không đầu tư thêm nhà máy chế biến cá tra phi lê ở ĐBSCL - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tại buổi lấy ý kiến dự thảo “Quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020” tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 10/7.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk có 5 loại hình cà phê bền vững gồm: 4C, UTZ Certified, RFA và Fairtrade. Tuy nhiên với cà phê canh tác theo tiêu chuẩn 4C (canh tác dựa trên những tiêu chuẩn về kinh tế, môi trường, xã hội) được xem là loại hình phổ biến nhất do yêu cầu kỹ thuật ở mức cơ bản dễ tiếp cận đối với người dân.

Năm 2014, Vĩnh Châu có 6.205 ha trồng hành tím, sản lượng đạt 110.126 tấn. Mặc dù cán bộ nông nghiệp địa phương hướng dẫn nông dân nâng cao kỹ thuật canh tác và chất lượng sản phẩm hành tím, nhất là bón phân cân đối, khuyến cáo sử dụng phân hữu cơ để nâng cao chất lượng và thời gian bảo quản, nhưng vẫn còn một số nông dân canh tác theo tập quán cũ muốn tăng trọng lượng, bón thừa phân urê.

Ông Trần Thanh Phương, ở ấp Tường Thắng B, xã Vĩnh Thanh là một trong số những người đầu tiên nuôi cá bống tượng ở huyện Phước Long. Với diện tích 1,1 ha đất nông nghiệp, trước đây chỉ độc canh cây lúa, ông nhận thấy nếu chỉ độc canh cây lúa thì kinh tế gia đình khó được cải thiện.

Theo ông George Chamberlain, Chủ tịch Liên minh Nuôi trồng thủy sản Toàn cầu (GAA), các trại nuôi tôm ở châu Á mặc dù đã được trang bị kỹ thuật và nhận được các tư vấn về kiểm soát Hội chứng chết sớm (EMS) song vẫn còn rất nhiều việc cần phải thực hiện.