Anh Nguyễn Văn Triết thành công với mô hình kinh tế vườn và chăn nuôi heo trên đệm lót sinh thái
Anh Triết lập gia đình năm 2006, nhờ cần cù, chí thú làm ăn, vợ chồng anh mua được 2,6 công đất. Từ khi có hệ thống đê bao khép kín, anh chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái. Hiện nay, vườn nhà anh trồng dừa xen chuối, hàng năm cho thu nhập hơn 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, vợ chồng anh còn phát triển chăn nuôi heo. Hiện anh nuôi 18 con heo nái và 80 con heo thịt. Anh Triết cho biết, trước đây gia đình chăn nuôi chuồng trại theo phương thức truyền thống, nên gây ô nhiễm môi trường.
Qua tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh phát hiện mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh đó, anh được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn sửa chữa chuồng trại và kỹ thuật sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi.
Có thể nói, mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh thái là mô hình phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, bền vững, nhất là trong điều kiện hiện nay khi diện tích đất dành cho phát triển chăn nuôi gia trại và trang trại đang gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các nơi tập trung dân cư đông.
Anh Nguyễn Văn Triết chia sẻ: "Để thực hiện mô hình, anh sử dụng chất liệu làm đệm lót gồm trấu và mùn cưa, men sinh học Balasa No1, với tỷ lệ 70% mùn cưa, 30% trấu, trộn với hỗn hợp chế phẩm sinh học (sau khi ủ với cám, nước), trải đều 4 lớp theo quy trình (kết hợp tưới nước dạng phun sương, tưới dịch men, rải men khô) để đạt chiều cao từ 40 - 50 cm, sau đó đậy kín bằng bạt nhựa hoặc nylon. Sau 2 đêm ủ, anh tiến hành tháo bạt ra, đảo đều, khi ẩm độ đạt từ 30 - 40% thì thả heo vào".
Từ khi thay đổi mô hình chăn nuôi, chuồng trại gia đình anh không còn mùi hôi, các chất thải, cặn bã tự phân hủy trong quá trình nuôi, hàng năm tiết kiệm trên 2 triệu đồng chi phí nước tắm heo; đồng thời, anh tận dụng phụ phẩm đệm lót để làm phân bón cho cây trồng rất tốt, tiết kiệm chi phí phân bón hơn 3 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, heo ít bị bệnh hô hấp và tiêu chảy so với cách nuôi truyền thống, anh xây dựng hầm biogas, để lấy chất đốt dùng trong sinh hoạt gia đình.
Nhờ tận dụng tốt những lợi ích mà mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh thái mang lại, giúp gia đình anh Nguyễn Văn Triết có nguồn thu ổn định, xây được căn nhà khang trang, có điều kiện chăm lo cho các con ăn học.
Nhiều năm liền, anh được công nhận danh hiệu "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi" và được biểu dương, khen thưởng trong Hội nghị điển hình tiên tiên 5 năm (2011 - 2015) do Hội Nông dân huyện tổ chức.
Có thể bạn quan tâm
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bến Tre vừa tổ chức hội nghị tổng kết dự án áp dụng “3 giảm, 3 tăng” và kỹ thuật SRI, nhằm nâng cao hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa tại xã An Bình Tây, huyện Ba Tri.
Ngày 11/9, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đi thực địa đánh giá bộ giống lúa chịu mặn trồng khảo nghiệm tại các xã An Hòa, An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Cư (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị thu nhập và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, ngày 10-9.
Những năm gần đây, công dụng của xạ đen được biết đến nhiều như hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư, viêm gan B, các bệnh về gan, dùng hàng ngày để tăng cường sức khỏe, phòng - chống bệnh tật và ngăn ngừa ung thư
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, từ cuối tháng 8 đến nay, toàn tỉnh không phát hiện thêm diện tích sắn bị bệnh rệp sáp bột hồng (RSBH) lây lan, gây hại.