Anh Nguyễn Quốc Kiệt với mô hình chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị

Mô hình “Chăn nuôi gà an toàn theo chuỗi giá trị” của tác giả Nguyễn Quốc Kiệt vừa được Ban Tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh Tiền Giang lần thứ XI (năm 2014 - 2015) đề xuất UBND tỉnh xem xét trao giải Nhất.
Anh Kiệt và mô hình “Chăn nuôi gà an toàn theo chuỗi giá trị”.
Mục tiêu của giải pháp là xây dựng mô hình chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, có thị trường tiêu thụ ổn định; tạo ra sản phẩm thịt gà Gò Công theo hướng hàng hóa gắn với thương hiệu độc quyền, chất lượng đồng đều, đảm bảo phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Giải pháp được triển khai gắn với HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công (HTX được thành lập tháng 4-2007) do ông Nguyễn Quốc Kiệt làm chủ nhiệm. Trong đó, HTX bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ đầu vào từ con giống (cho 50 hộ chăn nuôi với tổng đàn 50 ngàn con), thức ăn gia súc, thuốc thú y, dịch vụ thú y đến hỗ trợ đầu ra (bao tiêu sản phẩm).
HTX được đầu tư 1 cửa hàng cung cấp thức ăn gia súc, 1 cửa hàng cung cấp thuốc thú y, 4 máy ấp trứng với tổng công suất 19.200 trứng, 1 lò giết mổ công suất 200 con/ngày (do dự án Stop AI thuộc tổ chức FAO tại Việt Nam tài trợ) với đội ngũ nhân sự gồm 1 bác sĩ thú y, 1 kỹ sư và 3 trung cấp chăn nuôi.
Về con giống, HTX chịu trách nhiệm cung ứng con giống “Gà ta Gò Công” đạt chuẩn (được lai ghép từ giống gà chọi với gà mái lai, trong đó gà mái lai được lai tạo từ giống gà Anh quốc, có thể sinh sản khoảng 180 trứng/năm) cho hộ chăn nuôi (xã viên). Gà trống nuôi 100 ngày tuổi đạt trọng lượng 1,5 - 1,8kg/con; gà mái nuôi 120 ngày cân nặng 1,4 - 1,8kg.
Sản phẩm “Gà ta Gò Công” do anh Kiệt lai tạo đạt “Giải C” Hội thi STKT tỉnh Tiền Giang lần thứ VII (năm 2007 - 2008) và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền vào năm 2014.
Để thực hiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, HTX cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn hộ dân xây dựng chuồng trại theo đúng quy định (quy mô nuôi tối ưu: 3.000 - 4.000 con/hộ;
Mật độ nuôi 7 con/m2); hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn gà (không cho gà ăn đêm để gà tăng trọng vừa phải thì thịt mới ngon, dai, không mỡ dưới da), kỹ thuật tiêm phòng, trị bệnh cho gà (hộ chăn nuôi được tập huấn để có thể khám, mổ, xác định bệnh của gà); hướng dẫn ghi chép vào sổ nhật ký chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Về cung ứng dịch vụ phục vụ chăn nuôi: Cửa hàng thức ăn gia súc cung cấp thức ăn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt HTX ký hợp đồng với Công ty Cargill sản xuất thức ăn không kháng sinh để cung cấp cho hộ chăn nuôi sử dụng cho gà thịt ăn trước khi xuất chuồng 2 tuần nhằm khắc phục tình trạng tồn dư kháng sinh trong thịt gà thương phẩm (phân công 1 kỹ sư chăn nuôi phụ trách).
Cửa hàng thuốc thú y chỉ bán những loại thuốc có nguồn gốc rõ ràng, nằm trong danh mục cho phép; đồng thời phân công 1 bác sĩ thú y hướng dẫn hộ chăn nuôi về kỹ thuật tiêm phòng, sử dụng kháng sinh…
Lò giết mổ thực hiện quy trình giết mổ an toàn theo công nghệ châu Âu (qua các công đoạn: Gây mê, cắt tiết, nhúng lông, đánh lông, lấy nội tạng, làm sạch lông tơ, kiểm tra sau giết mổ, đóng dấu kiểm dịch, đóng gói…).
Về đầu ra, HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hộ chăn nuôi trong đó gà sống được bán cho Công ty San Hà (TP. Hồ Chí Minh) giết mổ để cung ứng cho hệ thống siêu thị; thịt gà thương phẩm được tạo ra từ lò giết mổ, HTX cung cấp cho các nhà hàng, cửa hàng tiện ích thuộc các tỉnh, thành trong cả nước.
Theo tính toán của anh Kiệt, một hộ nuôi 1.000 con “Gà ta Gò Công” theo mô hình trên (từ 3 - 4 tháng) có thể thu được lợi nhuận trên 8,5 triệu đồng (đã hạch toán tiền lãi vay vốn ngân hàng).
Được biết, mô hình “Chăn nuôi gà an toàn theo chuỗi giá trị” của tác giả Nguyễn Quốc Kiệt là một trong 13 mô hình.
Giải pháp đạt giải được Ban Tổ chức Hội thi STKT cấp tỉnh xét chọn tham dự Hội thi STKT toàn quốc lần thứ XIII (năm 2014 - 2015) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Có thể bạn quan tâm

Nằm trong khu vực miền núi phía Bắc, Hòa Bình có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển thủy sản như hệ thống sông ngòi, ao, hồ nhiều được phân bố khá đều. Tận dụng lợi thế này, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi cá lồng trên vùng hồ sông Đà đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nơi đây.

Nắng đang nhạt dần. Đám mây đen báo bão trôi dạt về phía biển. Các nhà bè xung quanh vẫn nhộn nhịp việc. Dường như với họ, đối mặt với giông bão, nắng mưa đã trở thành chuyện đương nhiên trên sông nước. Nuôi được con cá mau lớn, khỏe mạnh, bán được giá đã là chuyện cũ. Giờ đây, đích đến của những người làm nghề nuôi cá lồng bè còn là việc chủ động nguồn cá giống đạt chất lượng và phát triển mạnh.

Hiếm có khi nào mà các cơn bão lại hình thành liên tiếp trên biển Đông, gây ảnh hưởng trên vùng biển của nước ta nhiều như trong thời gian vừa qua. Sau những cơn "bão" giá xăng dầu khiến cho chi phí mỗi chuyến ra khơi đẩy lên cao, thì những cơn bão do thiên tai gây ra đã khiến không ít tàu, thuyền của ngư dân phải lao đao.

Trước tình trạng hàng trăm hộ dân ở Cà Mau triển khai kế hoạch nuôi cá sấu với hy vọng đây sẽ là vật nuôi phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt nuôi cá sấu, vì đây là vật nuôi không an toàn và đang trong tình trạng không có thị trường tiêu thụ.

Năm 2013, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình đã xây dựng đề án mô hình thâm canh cá rô phi NOGIP IV tại các vùng chuyển đổi của xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy), xã Phú Xuân (thành Phố Thái Bình), xã Quỳnh Trang (huyện Quỳnh Phụ) và xã Tây Tiến (huyện Tiền Hải).