Anh Nguyễn Quốc Kiệt với mô hình chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị
Mô hình “Chăn nuôi gà an toàn theo chuỗi giá trị” của tác giả Nguyễn Quốc Kiệt vừa được Ban Tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh Tiền Giang lần thứ XI (năm 2014 - 2015) đề xuất UBND tỉnh xem xét trao giải Nhất.
Anh Kiệt và mô hình “Chăn nuôi gà an toàn theo chuỗi giá trị”.
Mục tiêu của giải pháp là xây dựng mô hình chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, có thị trường tiêu thụ ổn định; tạo ra sản phẩm thịt gà Gò Công theo hướng hàng hóa gắn với thương hiệu độc quyền, chất lượng đồng đều, đảm bảo phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Giải pháp được triển khai gắn với HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công (HTX được thành lập tháng 4-2007) do ông Nguyễn Quốc Kiệt làm chủ nhiệm. Trong đó, HTX bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ đầu vào từ con giống (cho 50 hộ chăn nuôi với tổng đàn 50 ngàn con), thức ăn gia súc, thuốc thú y, dịch vụ thú y đến hỗ trợ đầu ra (bao tiêu sản phẩm).
HTX được đầu tư 1 cửa hàng cung cấp thức ăn gia súc, 1 cửa hàng cung cấp thuốc thú y, 4 máy ấp trứng với tổng công suất 19.200 trứng, 1 lò giết mổ công suất 200 con/ngày (do dự án Stop AI thuộc tổ chức FAO tại Việt Nam tài trợ) với đội ngũ nhân sự gồm 1 bác sĩ thú y, 1 kỹ sư và 3 trung cấp chăn nuôi.
Về con giống, HTX chịu trách nhiệm cung ứng con giống “Gà ta Gò Công” đạt chuẩn (được lai ghép từ giống gà chọi với gà mái lai, trong đó gà mái lai được lai tạo từ giống gà Anh quốc, có thể sinh sản khoảng 180 trứng/năm) cho hộ chăn nuôi (xã viên). Gà trống nuôi 100 ngày tuổi đạt trọng lượng 1,5 - 1,8kg/con; gà mái nuôi 120 ngày cân nặng 1,4 - 1,8kg.
Sản phẩm “Gà ta Gò Công” do anh Kiệt lai tạo đạt “Giải C” Hội thi STKT tỉnh Tiền Giang lần thứ VII (năm 2007 - 2008) và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền vào năm 2014.
Để thực hiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, HTX cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn hộ dân xây dựng chuồng trại theo đúng quy định (quy mô nuôi tối ưu: 3.000 - 4.000 con/hộ;
Mật độ nuôi 7 con/m2); hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn gà (không cho gà ăn đêm để gà tăng trọng vừa phải thì thịt mới ngon, dai, không mỡ dưới da), kỹ thuật tiêm phòng, trị bệnh cho gà (hộ chăn nuôi được tập huấn để có thể khám, mổ, xác định bệnh của gà); hướng dẫn ghi chép vào sổ nhật ký chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Về cung ứng dịch vụ phục vụ chăn nuôi: Cửa hàng thức ăn gia súc cung cấp thức ăn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt HTX ký hợp đồng với Công ty Cargill sản xuất thức ăn không kháng sinh để cung cấp cho hộ chăn nuôi sử dụng cho gà thịt ăn trước khi xuất chuồng 2 tuần nhằm khắc phục tình trạng tồn dư kháng sinh trong thịt gà thương phẩm (phân công 1 kỹ sư chăn nuôi phụ trách).
Cửa hàng thuốc thú y chỉ bán những loại thuốc có nguồn gốc rõ ràng, nằm trong danh mục cho phép; đồng thời phân công 1 bác sĩ thú y hướng dẫn hộ chăn nuôi về kỹ thuật tiêm phòng, sử dụng kháng sinh…
Lò giết mổ thực hiện quy trình giết mổ an toàn theo công nghệ châu Âu (qua các công đoạn: Gây mê, cắt tiết, nhúng lông, đánh lông, lấy nội tạng, làm sạch lông tơ, kiểm tra sau giết mổ, đóng dấu kiểm dịch, đóng gói…).
Về đầu ra, HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hộ chăn nuôi trong đó gà sống được bán cho Công ty San Hà (TP. Hồ Chí Minh) giết mổ để cung ứng cho hệ thống siêu thị; thịt gà thương phẩm được tạo ra từ lò giết mổ, HTX cung cấp cho các nhà hàng, cửa hàng tiện ích thuộc các tỉnh, thành trong cả nước.
Theo tính toán của anh Kiệt, một hộ nuôi 1.000 con “Gà ta Gò Công” theo mô hình trên (từ 3 - 4 tháng) có thể thu được lợi nhuận trên 8,5 triệu đồng (đã hạch toán tiền lãi vay vốn ngân hàng).
Được biết, mô hình “Chăn nuôi gà an toàn theo chuỗi giá trị” của tác giả Nguyễn Quốc Kiệt là một trong 13 mô hình.
Giải pháp đạt giải được Ban Tổ chức Hội thi STKT cấp tỉnh xét chọn tham dự Hội thi STKT toàn quốc lần thứ XIII (năm 2014 - 2015) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Related news
Từ năm 2011 Cần Thơ xây dựng CĐL đầu tiên chỉ với 400 ha, đến vụ HT 2014 có 14 DN ký hợp đồng liên kết trên 63 CĐL trên 5.700 ha với 12.000 nông hộ tham gia. Nhiều nông dân cho biết sản xuất trong CĐL an tâm không phải lo khâu tiêu thụ nhờ có sự tham gia bao tiêu của DN và đạt lợi nhuận cao so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây.
Nghề làm muối nơi đây đã có từ lâu đời, tập trung chủ yếu tại hai xã Lý Nhơn và Thạnh An. Hiện tại, toàn huyện có 730 hộ sản xuất muối, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 2.800 lao động. Trong năm 2014, toàn huyện đưa vào sản xuất gần 1.700 ha ruộng muối, trong đó có hơn 900 ha ứng dụng phương pháp trải bạt, tăng 519 ha so với năm 2013.
Ông Trịnh Thanh Hồng, Chủ nhiệm HTX Đại Phúc ở xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) than thở, năm nay, sau vụ thu hoạch tôm, nhiều hộ còn nợ tiền thức ăn của ông. Tính đến nay, số hộ và xã viên HTX còn nợ tiền thức ăn nuôi tôm do ông Hồng làm đại lý gần 2 tỷ đồng, gấp 2 lần so cùng kỳ 2013.
Những năm trước đây, cứ khoảng tháng 8 âm lịch, khi nước lũ tràn về, cánh đồng Gò Kén, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh lại nhộn nhịp người đi đánh bắt cá. Mùa nước nổi năm nay, tuy lũ về sớm nhưng lại lên xuống thất thường khiến cho bà con nông dân vốn quen làm nghề này cũng phải vất vả lắm mới kiếm được con cá.
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm thiểu nguy cơ về dịch bệnh đối với nghề nuôi tôm chân trắng, vừa qua Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã thực hiện mô hình nuôi tôm chân trắng thương phẩm theo hướng VietGAP tại Móng Cái. Bước đầu, mô hình đã cho năng suất khá cao, không xảy ra dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mở ra triển vọng mới đối với nghề nuôi tôm chân trắng.