Xúc tiến thương mại góp phần tiêu thụ hơn 173 ngàn tấn trái cây
Những năm gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tiêu thụ hơn 173 ngàn tấn trái cây các loại trong toàn tỉnh Bến Tre hàng năm.
Xúc tiến thương mại của Nhà nước
Theo ông Trương Minh Nhựt - Giám đốc Sở Công Thương, XTTM là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa; qua đó, cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, hội chợ và triển lãm thương mại.
Trong đó, có hoạt động thương mại điện tử về mua bán trái cây.
Đến nay, Bến Tre đã 15 lần tổ chức Hội thi Cây trái ngon an toàn.
Đây là cơ hội để quảng bá chất lượng, xây dựng thương hiệu cho trái cây các loại trong toàn tỉnh và cũng là cơ hội góp phần tiêu thụ hàng năm hơn 173 ngàn tấn trái cây: sầu riêng, măng cụt, bưởi, nhãn, chôm chôm, bòn bon, mãng cầu.
Ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong mỗi lần tổ chức Hội thi Cây trái ngon an toàn đều có kết hợp các ngành để thực hiện hoạt động XTTM, nhằm đưa trái cây ra thị trường ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài.
Tại các thành phố lớn trong cả nước, đối với sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, phần lớn tiểu thương đều nói có xuất xứ ở Cái Mơn (Chợ Lách - Bến Tre).
Chị Võ Thị Ánh Nguyệt ở quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh, đang công tác tại Sân bay Tân Sơn Nhất cho biết: “Mới đây, tôi đi chợ mua trái cây.
Chị bán trái cây nói sầu riêng này lấy ở Cái Mơn, Chợ Lách.
Tôi tin tưởng và mua ngay, thật sự ăn rất ngon.
Trái cây của Bến Tre có xuất đi nước ngoài qua đường hàng không”.
Hiện nay, Chợ Lách có diện tích cây ăn trái lớn nhất tỉnh: 8.462ha, sản lượng đạt gần 99 ngàn tấn/năm.
Trái cây ở Chợ Lách nhiều nhất là chôm chôm.
Ông Phạm Hoàng Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết: Nhiều năm qua, huyện đã tập trung thực hiện hoạt động XTTM để góp phần tiêu thụ trái cây ngày càng hiệu quả hơn.
Ở Bình Đại, diện tích cây ăn trái ngày càng được mở rộng, nhiều nhất là nhãn, bưởi.
Toàn huyện có hơn 1.750ha nhãn, hơn 150ha bưởi da xanh.
Ông Lê Văn La - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Những năm gần đây, phòng thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan để thực hiện XTTM, góp phần tiêu thụ trái cây của huyện; trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, quảng cáo, cung ứng dịch vụ mua bán trái cây”.
Xúc tiến thương mại của tư nhân
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân đều thực hiện tốt hoạt động XTTM; trong đó, doanh nghiệp tư nhân hoạt động khá tốt về XTTM.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết: Công ty chúng tôi luôn đề cao XTTM.
Trang website của chúng tôi được nhiều khách hàng vào xem.
Nhờ đó, sản phẩm của công ty được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến.
Ngày 4-6-2011, tại thị trấn Chợ Lách, công ty chúng tôi được chứng nhận GlobalGAP cho sản phẩm chôm chôm.
Theo đó, 36 hộ trồng chôm chôm của Tổ liên kết sản xuất chôm chôm Phụng Đức B, xã Phú Phụng và nhà đóng gói với diện tích 1.000m2 đạt GlobalGAP.
Ngoài ra, công ty còn thu mua nhãn ở huyện Bình Đại vụ thuận khoảng 50 tấn/ngày.
Tại xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, Cơ sở Hương Miền Tây của ông Đàm Văn Hưng từ năm 2007 bắt đầu xuất khẩu khoảng 100 tấn bưởi da xanh sang các nước: Trung Quốc, Singapore, Philippines, Đức.
Năm 2009, thị trường được mở rộng sang Canada. Ông Hưng nhấn mạnh: Năm 2011, cơ sở thu mua khoảng 3.500 tấn bưởi da xanh ở Bến Tre và trên 2 ngàn tấn bưởi da xanh ở các tỉnh cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Những năm gần đây, khi xây dựng website của cơ sở thì khách hàng ngày càng tăng dần, số lượng bưởi đóng gói xuất đi nước ngoài ngày càng nhiều.
Cũng theo ông Trương Minh Nhựt - Giám đốc Sở Công Thương, bên cạnh chất lượng trái cây, nhà vườn và các doanh nghiệp mua bán trái cây nên phát huy thế mạnh của XTTM.
Có thể bạn quan tâm
Cuối năm 2013, thị xã Ngã Bảy long trọng tổ chức lễ công bố xã Đại Thành hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) và cũng là xã đầu tiên về đích của tỉnh và vùng ĐBSCL. Không dừng lại ở đây, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây tiếp tục củng cố, nâng chất các tiêu chí, quyết tâm giữ vững danh hiệu NTM.
Diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng phát triển,... là những thành tựu quan trọng và dễ nhận thấy của thành phố Vị Thanh sau gần 5 năm (2011-2015) xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bộ Công Thương vừa đề xuất với các bộ, ngành miễn giảm chi phí xuất khẩu vải sang Malayssia cho Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC).
Quảng Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) để sản xuất, cung ứng đủ nhu cầu con giống “sạch” cho nghề nuôi thủy sản của tỉnh.
Trồng rừng khá chuyên nghiệp nên gia đình ông Huỳnh Thanh Nghĩa, ở thôn 6, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) đã vươn lên làm giàu.