Kiên Giang tăng thu nhập từ trồng nấm theo mô hình sản xuất công nghiệp khép kín
Dự án hoàn thiện quy trình sản xuất một số loại nấm tại Kiên Giang được thực hiện từ tháng 11-2012, tại hai địa điểm: Trại thực nghiệm khoa học - công nghệ ấp Phước Ninh, xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành và xã Định Hòa, huyện Gò Quao.
Những năm trước đây, khi chưa được chuyển giao quy trình phân lập giống gốc, Trại thực nghiệm phải mua giống tại Trung tâm Công nghệ thực vật (Viện Di truyền). Do đó, để chủ động trong sản xuất và hạ giá thành sản phẩm, ngoài việc tự phân lập nấm giống gốc và tự nhân giống từ cấp một đến cấp ba, nguồn giống được nghiên cứu thực hiện có những điểm phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương và được đầu tư các trang thiết bị, như nồi hơi, lò ấp khử trùng, tủ cấy vô trùng, tủ ấm…
Hiện tại, Trại thực nghiệm khoa học – công nghệ đã làm chủ được các quy trình công nghệ, đồng thời tự sản xuất bịch phôi và nuôi trồng 5 loại nấm phổ biến trong nước, như linh chi, bào ngư Nhật, bào ngư trắng, nấm mèo, nấm rơm. Đến cuối tháng 2-2015, dự án đã sản xuất được 18.000 bịch phôi nấm các loại, trong đó có 6.000 bịch phôi nấm bào ngư Nhật, 6.000 bịch bào phôi nấm linh chi, 4.000 bịch phôi nấm bào ngư trắng, 2.000 bịch phôi nấm mèo và 2 ha nấm rơm, thu hoạch trên 2.600 kg nấm tươi các loại.
Kỹ sư Phù Khí Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Kiên Giang cho biết, đây là dự án tương đối hoàn thiện. Qua đó, làm cơ sở duy trì ổn định nguồn nấm gốc, không như trước đây phải mua nấm gốc từ nơi khác về. Dự án được triển khai sản xuất tại địa phương nên quản lý được nấm gốc và tự làm phôi ổn định hơn. Từ đây, sẽ thành lập từng vùng sản xuất tập trung, tạo được đầu ra ổn định; sơ chế được tại chỗ để tăng giá trị của loại nấm sản xuất ra.
Tại trại thực nghiệm xã Định Hòa, huyện Gò Quao, đến cuối tháng 2-2015, đã cung cấp được 9.050 bịch phôi nấm các loại, trong đó 4.800 phôi nấm bào ngư Nhật, 2.400 bịch phôi nấm bào ngư trắng và 1.850 bịch phôi nấm linh chi, cho 7 hộ dân thuộc 4 ấp Hòa Tạo, Hòa Hớn, Hòa Mỹ và Hòa Thanh. Theo anh Lý Sơn Tấn, ngụ ấp Hòa Thanh, xã Định Hòa, nhờ tham gia vào dự án, gia đình được hỗ trợ 1.600 bịch phôi nấm bào ngư trắng, thực hiện nuôi cấy hơn hai tháng, thu hoạch hơn 230 kg nấm tươi, thu nhập gần 6 triệu đồng.
Theo anh Tấn, trồng nấm không khó, nhưng phải cần cù và tuân thủ cách hướng dẫn của kỹ sư, khoảng hơn 20 ngày là cho thu hoạch. Còn anh Danh Thanh, ngụ ấp Hòa Hớn, được hỗ trợ 1.600 bịch phôi giống bào ngư Nhật, sau hơn hai tháng, gia đình thu hoạch gần 300 kg nấm tươi, với tổng thu nhập gần 9 triệu đồng. Theo anh Thanh, đây là mô hình mới, giúp cho nông dân, nhất là trong lúc nông nhàn có thêm thu nhập để vươn lên khá giả. Hơn nữa, diện tích nhỏ cũng có thể trồng nấm được, giải quyết công ăn việc làm tại gia đình.
Từ những kết quả bước đầu, hy vọng việc chuyển giao kỹ thuật trồng và nuôi nấm sẽ được nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh Kiên Giang, góp phần để bà con nông dân nâng cao thu nhập.
Có thể bạn quan tâm
Đầu năm 2012, có 20 hộ nuôi tôm ở thôn Sơn Hải 1 (xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận) liên kết nhau thành lập Tổ nuôi tôm an toàn bền vững (NTATBV) và đã mang lại nhiều lợi ích cho các hộ tham gia, đồng thời có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường sinh thái ở địa phương.
Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn ra ở hầu hết các vùng trọng điểm nuôi tôm, trong đó các tỉnh khu vực ĐBSCL thiệt hại nặng nề nhất. Dịch bệnh hoại tử gan tuỵ cấp xuất hiện trên cả 2 đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Theo báo cáo của Tổng Cục thuỷ sản, diện tích tôm bệnh chiếm gần 30% diện tích tôm nuôi, chủ yếu là bệnh đốm trắng, đầu vàng và gan tuỵ cấp.
Trong 5 tháng đầu năm 2014, vượt qua khó khăn, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang dần hồi phục. Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2013. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn thể của VASEP tổ chức ngày 12/6 tại TP Hồ Chí Minh.
Vài năm trước, diện tích nuôi cá mú, cá chẻm trên địa bàn TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) phát triển rất lớn, nhưng do gặp dịch bệnh, năng suất thấp, rớt giá, lãi không cao nên nhiều hộ đã chuyển sang nuôi ốc hương hay trồng rong. Tuy nhiên năm nay việc nuôi cá mú, cá chẻm lại rất thuận lợi, giá bán cao nên người nuôi rất phấn khởi.
Để nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu thủy sản xuất khẩu, phòng ngừa trường hợp các thị trường nhập khẩu sẽ tẩy chay các mặt hàng tôm Việt Nam, gây hậu quả lớn cho nền kinh tế, ngày 11 tháng 6 năm 2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa đã có ý kiến chỉ đạo thực hiện công tác ngăn chặn tình trạng bơm chích tạp chất, thu mua, vận chuyển nguyên liệu thủy sản chứa tạp chất.