Xuất khẩu điều sẽ vượt mốc 2 tỷ USD
Năm nay, xuất khẩu nhân điều đang đứng trước cơ hội không chỉ vượt qua mà có thể còn vượt xa cái mốc 2 tỷ USD.
Sở dĩ có thể khẳng định như trên là vì cho đến thời điểm này, nhân điều vẫn đang là một trong rất ít mặt hàng nông sản có được sự tăng trưởng cao về giá trị xuất khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 7, nước ta đã xuất khẩu được 184.934 tấn nhân điều, trị giá 1,345 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, về lượng tăng 12,5%, còn giá trị tăng tới 27,1%. Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, mức tăng trưởng về giá trị xuất khẩu của nhân điều chỉ thua sắn và các sản phẩm từ sắn.
Các mặt hàng nông sản chủ lực còn lại, đều thua xa nhân điều về tăng trưởng giá trị xuất khẩu, kể cả mặt hàng hiện đang dẫn đầu về giá trị xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm là gỗ (đến hết tháng 7, giá trị xuất khẩu gỗ đạt 3,754 tỷ USD, tăng 9,8% so cùng kỳ 2014). Thậm chí nhiều mặt hàng đang tiếp tục tăng trưởng âm về giá trị xuất khẩu. Điều này càng cho thấy sự thành công của xuất khẩu nhân điều trong năm nay.
Nhắc tới sự thành công của xuất khẩu nhân điều trong năm nay, không thể không nói tới thị trường Mỹ, bởi đây vẫn là thị trường lớn nhất của điều Việt Nam và quan trọng hơn là vẫn đang có khả năng tăng trưởng tốt. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nhân điều sang Mỹ đạt 66.503 tấn, trị giá trên 491 triệu USD.
Như vậy, về lượng, thị trường Mỹ chiếm 35,9% và khoảng 36% về giá trị. Còn so với cùng kỳ năm ngoái, đến hết tháng 7 năm nay, xuất khẩu điều sang Mỹ tăng hơn 14 ngàn tấn và trên 150 triệu USD. Từ năm 2008, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ trở thành nhà cung cấp nhân điều số 1 cho thị trường Mỹ và luôn giữ vững vị thế này.
Năm ngoái, Việt Nam chiếm tới gần 1 nửa lượng trong số khoảng 170 ngàn tấn nhân điều được nhập khẩu vào Mỹ. Điều đáng chú ý là so với 2 đối thủ chính là Ấn Độ và Brazil, nhân điều Việt Nam khi nhập khẩu vào Mỹ đang phải chịu một bất lợi không nhỏ về thuế nhập khẩu.
Cụ thể, trong khi nhân điều Ấn Độ và Brazil khi nhập khẩu vào Mỹ không phải chịu thuế, thì nhân điều từ Việt Nam vẫn đang bị áp thuế 5%.
Thế nhưng bất chấp bất lợi nói trên, xuất khẩu nhân điều của Việt Nam sang Mỹ vẫn liên tục tăng trưởng mạnh nhờ người tiêu dùng nước này ngày càng ăn hạt điều nhiều hơn và quan trọng hơn là chất lượng nhân điều Việt Nam được các nhà nhập khẩu Mỹ đánh giá cao.
Chính nhờ yếu tố này mà trong thời gian tới, khi TPP được ký kết, thuế nhập khẩu nhân điều từ Việt Nam vào Mỹ được bãi bỏ, thì nhân điều Việt Nam sẽ càng có cơ hội lớn hơn trên thị trường quan trọng nhất này.
Bên cạnh thị trường Mỹ, xuất khẩu nhân điều Việt Nam cũng tiếp tục tăng trưởng mạnh ở nhiều thị trường khác. 7 tháng đầu năm nay: Xuất khẩu hạt điều sang Anh đạt giá trị 56,6 triệu USD, tăng khoảng 15 triệu USD so với cùng kỳ 2014; sang Canada đạt 51,1 triệu USD, tăng 8 triệu USD; sang Hà Lan đạt 167,2 triệu USD, tăng 46 triệu USD; sang Úc đạt 65,9 triệu USD, tăng gần 3 triệu USD; sang Thái Lan đạt 39,8 triệu USD, tăng hơn 12 triệu USD...
Đặc biệt có những thị trường tăng trưởng gần như gấp đôi: chẳng hạn xuất khẩu hạt điều sang Đức trong 7 tháng qua đạt 5.496 tấn, trị giá 40,527 triệu USD, tăng gần gấp đôi về lượng và giá trị so với cùng kỳ (2.945 tấn; 20,451 triệu USD). Trong những thị trường lớn nhất, chỉ có thị trường Trung Quốc giảm nhẹ về lượng và giá trị: 23.459 tấn và 160,8 triệu USD so với 27.482 tấn và 161,2 triệu USD.
Trong những tháng còn lại của năm, xuất khẩu nhân điều có thể không tăng trưởng mạnh như từ đầu năm đến nay. Bởi ở thị trường Trung Quốc, ngoài việc phá giá NDT, một số địa phương ở nước này có cửa khẩu với Việt Nam đã tăng thuế nội địa với hạt điều lên 13%. Những yếu tố này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu nhân điều sang Trung Quốc, thị trường lớn thứ 3 hiện nay của ngành điều Việt Nam.
Tuy vậy, với việc trong 7 tháng đầu năm đã đạt giá trị xuất khẩu hơn 1,345 tỷ USD, và nhu cầu mua nhân điều vẫn khá đều đặn từ các khách hàng Mỹ, Canada, EU, Úc..., giá nhân điều xuất khẩu vẫn đứng ở mức khá cao, dự báo xuất khẩu nhân điều của nước ta cho đến hết năm nay hoàn toàn có thể vượt xa mốc 2 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm
Phú Yên có các vùng nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích hơn 3.000ha và hàng chục ngàn lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú, cá hồng… mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân địa phương.
Với nguồn tài nguyên biển đa dạng, phong phú, từ nhiều năm nay, chế biến và xuất khẩu thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp một phần quan trọng vào hoạt động xuất khẩu của tỉnh Khánh Hòa.
Từ đầu Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đến nay, ngư dân trên địa bàn hai xã Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn - Bình Định) trúng đậm tôm hùm giống (ngư dân quen gọi là tôm nhí).
Nhiều năm qua, Nhật Bản luôn dẫn đầu về NK tôm Việt Nam với giá trị đạt trên 600 triệu USD/năm. Quy định kiểm tra ETQ đã khiến nước này xuống vị trí thứ 2 về NK tôm Việt Nam sau Mỹ trong năm 2013.
Theo thông tin từ phía nhà nhập khẩu Nhật Bản, ngày 21/1/2014, Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã ra thông báo chính thức về việc nâng mức dư lượng Ethoxyquin (ETQ) cho tôm nhập khẩu từ Việt Nam lên 0,2 ppm. Đây là tín hiệụ sáng bởi ETQ vẫn đang là rào cản chính đối với tôm xuất khẩu Việt Nam.