Xuất khẩu cua ghẹ vẫn rất thuận lợi

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 7 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu (XK) cua ghẹ của Việt Nam đạt hơn 60,7 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Hiện thị trường XK cũng đã được mở rộng hơn, các sản phẩm cua ghẹ của Việt Nam đã xuất sang được 34 thị trường.
Trong top 10 thị trường nhập khẩu (NK) chính cua ghẹ của Việt Nam hiện đang chiếm 96%, trong đó đứng đầu là Mỹ, Nhật Bản và EU. Ngoại trừ EU và Canada, XK sang các thị trường khác của Việt Nam đều tăng.
Mỹ là thị trường NK lớn nhất cua ghẹ của Việt Nam, chiếm gần 47% tổng giá trị XK. Trong 7 tháng đầu năm nay, XK cua ghẹ của Việt Nam sang Mỹ đạt 30 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), trong 5 tháng đầu năm nay, NK cua ghẹ của Mỹ từ các nước trên thế giới đều giảm về cả khối lượng và giá trị. NK cua ghẹ từ các nước ASEAN chiếm 37,7% tổng giá trị NK mặt hàng này của Mỹ, và hiện tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2014. Việt Nam đang đứng thứ 6 về cung cấp cua ghẹ cho Mỹ. Tính trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam là nước XK cua ghẹ sang Mỹ lớn thứ 3 trong khối ASEAN, sau Indonesia và Philippines. Cua ghẹ Việt Nam chiếm khoảng 4,3% trong tổng NK cua ghẹ của Mỹ và chiếm khoảng 11,5% tổng XK cua ghẹ từ ASEAN sang Mỹ.
Trong 7 tháng đầu năm nay, XK cua ghẹ Việt Nam sang thị trường EU đạt gần 10,5 triệu USD, giảm hơn 12% so với cùng kỳ. Theo thống kê của ITC, NK cua ghẹ của EU đang giảm 16,7% so với cùng kỳ. Việt Nam tiếp tục là nguồn cung lớn thứ 2, sau Anh. Hiện nay, đồng EUR mất giá so với USD là một yếu tố cản trở NK. Trong khi đó, việc Hy Lạp trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố vỡ nợ với IMF, sức mua và nhu cầu hàng hóa từ thị trường này sẽ giảm.
Với Nhật Bản, thị trường này đã vươn lên là thị trường NK lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm, XK cua ghẹ của Việt Nam sang thị trường này đạt 10,7 triệu USD, tăng 28,7%. Theo thống kê của ITC, NK cua ghẹ của Nhật Bản từ 23 nước, cũng giảm 23% về khối lượng và giảm 29% về giá trị. Xét theo các nước thuộc khối ASEAN, Việt Nam và Indonesia đều nằm trong top 7 nguồn cung cấp cua ghẹ lớn nhất của Nhật Bản. Hiện tiêu thụ thủy sản tại Nhật Bản đang chậm lại, tuy nhiên XK cua ghẹ của Việt Nam sang đây vẫn rất ổn định.
Hiện tại tiêu thụ thủy sản tại các thị trường đang diễn biến tốt, do đó VASEP dự báo XK cua ghẹ trong thời gian tới sẽ vẫn thuận lợi.
Có thể bạn quan tâm

Đó là khẳng định của ông Ngô Minh Hùng - Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận khi trao đổi với phóng viên về việc có hay không tình trạng ùn tắc giao dịch thanh long tại cửa khẩu trong những ngày qua…

Nhiều năm liền, anh Nguyễn Văn Thạo ở ấp Mỹ Thạnh B, xã Long Tiên (Tiền Giang) chủ động xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ, khắc phục tình trạng "được mùa, rớt giá", góp phần nâng cao mức sống gia đình.

Số lượng nuôi ước tính khoảng 700 con nhím, 1.100 con lợn rừng, 50 con dúi, 15 con hươu sao, tập trung ở xã Đồng Tâm, An Bình, thị trấn Chi Nê (Hòa Bình). Trong đó nuôi lợn rừng, nhím mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được người dân quan tâm nhân đàn, phát triển ra diện rộng.

Năm nay là năm thứ 3, nông dân ở các xã vùng ngập mặn ven biển huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh như Trường Long Hòa, Hiệp Thạnh, Long Hữu, Long Vĩnh, Long Khánh thu được lợi nhuận cao từ mô hình kết hợp nuôi tôm sú với cua biển. Bình quân mỗi hécta kết hợp nuôi tôm sú với cua biển, nông dân có thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong những năm gần đây một số hộ nông dân trên địa bàn xã Ea Nam (huyện Ea H’leo - Đăk Lăk) đã mạnh dạn thực hiện đưa mô hình nuôi hươu sao và đã có nguồn thu nhập ổn định với hàng chục triệu đồng/năm. Tiêu biểu trong số đó có gia đình anh Đỗ Hữu Sang ở thôn 1.