Cần Phục Hồi Nghề Nuôi Cá Lồng Bè Trên Sông Vàm Cỏ Đông Ở Tây Ninh
Từ một dòng sông xanh trong, tàu bè tấp nập qua lại, trên sông còn có nhiều hộ nuôi cá bè quy mô lớn. Đến nay, sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chảy qua ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành (Tây Ninh) chỉ còn những đám lục bình trôi lấp mặt sông, với lác đác vài chiếc lồng nuôi cá vắng người chăm sóc.
Nuôi cá lồng bè – “quá khứ huy hoàng”
Đến khu vực bè cá của Hợp tác xã Hải Ninh, một hợp tác xã nuôi cá lồng bè còn sót lại trên sông Vàm Cỏ Đông tại ấp Phước Trung, theo sự chỉ dẫn của chị Nơi, cán bộ Hội Nông dân xã Phước Vinh, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Minh Dũng, người trực tiếp quản lý bè cá của hợp tác xã, và được biết: trước đây vào những năm 2008, đầu năm 2009 chỉ 1 đoạn ngắn gần 200m trên khúc sông Vàm Cỏ Đông, ấp Phước Trung nhưng đã có gần khoảng gần 80 lồng cá của gần 20 hộ dân nuôi cá bè trên sông, tạo thành một “làng bè” nhỏ trên sông, còn thuyền bè chở cá qua sông thì tấp nập.
Do nguồn lợi từ việc nuôi cá lồng bè ở đây khá cao nên người dân từ nhiều nơi như Dầu Tiếng, Đồng Tháp, Vũng Tàu đến đây làm ăn. Đa số cá được nuôi ở đây là cá lăng nha, một loại cá cho hiệu quả kinh tế khá cao, lại phù hợp với dòng sông Vàm Cỏ Đông... Thế nhưng, hiện nay trên mặt sông lác đác vài chiếc lồng nuôi cá của Hợp tác xã Hải Ninh thấp thoáng trong những đám lục bình. Nguyên nhân của tình trạng này, ai cũng có thể đoán biết là do nguồn nước sông đã bị ô nhiễm.
Trước đây, chất lượng nước tại khúc sông Vàm Cỏ Đông này rất tốt, tuy nhiên đến khi có những nhà máy sản xuất mì trên lưu vực sông Vàm Cỏ Đông thì chất lượng nước tại đây bắt đầu thay đổi. Đặc biệt phải nói đến sự cố năm 2009. Theo báo cáo của Hội Nông dân xã Phước Vinh thì vào ngày 6.5.2009 do nước sông đầu nguồn bị ô nhiễm quá nặng bất ngờ đổ xuống, người dân không kịp xử lý di dời khiến toàn bộ cá nuôi trong trong bè của 18 hộ dân tại khu vực này chết hết, tổng thiệt hại lúc bấy giờ lên tới hơn 12 tỷ đồng. Ngoài ra một phần do việc khai thác cát trên sông khiến nước sông bị nhiễm phèn nặng cũng khiến cho cá trong bè của người dân bị chết.
Hiện tại khó khăn
Ông Dũng cho biết, từ sự cố năm 2009 người nuôi cá lồng bè trên sông Vàm Cỏ Đông lâm vào cảnh trắng tay, những tài sản có giá trị đều đã thế chấp để vay vốn nuôi cá, đến nay nhiều người vẫn chưa trả được nợ cũ, không còn khả năng vay mượn để đầu tư lại nữa. Theo tính toán của ông Dũng thì vốn đầu tư cho 1 lồng cá trong suốt 1 năm rưỡi chăm sóc là 240 triệu đồng, một số tiền không nhỏ, trong khi người dân không còn khả năng vay mượn. Hiện tại Hợp tác xã Hải Ninh chỉ còn 7 hộ nuôi 14 lồng cá, quá ít so với trước đây.
Ngoài chuyện thiếu vốn, nghề nuôi cá lồng ở đây còn bị khó khăn bởi vấn đề nguồn nước. Tuy sau khi xảy ra sự cố năm 2009, các cơ quan chức năng đã có biện pháp ngăn chặn ô nhiễm, nhưng thực tế cho thấy hiện chất lượng nước tại con sông Vàm Cỏ Đồng không còn bảo đảm an toàn cho các loài cá nuôi. Theo ông Dũng, cá nuôi sống phụ thuộc vào nguồn nước sông tự nhiên nên nghề nuôi cá bè trên sông Vàm Cỏ mang đầy tính chất “may - rủi”, chỉ những người nuôi cá “gan lỳ, mạo hiểm” mới dám duy trì bè cá.
Mặc dù khó khăn là thế, nhưng theo ông Dũng, hiện nay vẫn có nhiều người dân muốn quay lại với nghề. Thế nhưng trước mắt, người nuôi cá bè rất cần được vay vốn để đầu tư nuôi cá và nhất là cần được ngăn chặn nạn ô nhiễm môi trường nước trên sông. Rất mong các ngành chức năng nghiên cứu để phục hồi nghề nuôi cá lồng bè, nhất là cá lăng nha - loại đặc sản cao cấp ở sông Vàm Cỏ Đông.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay nông dân ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ lúa hè thu. Mặc dù các doanh nghiệp tăng cường thu mua nhưng chỉ tập trung vào mặt hàng gạo nguyên liệu, khâu tiêu thụ lúa cho nông dân vẫn lệ thuộc vào thương lái. Chính vì vậy, nhiều nơi ở vùng sâu xuất hiện tình trạng “cò” thu mua lúa.
Nghị quyết giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu đề ra, không để dồn vào thời điểm cuối năm; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; kiên quyết thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tăng cường kiểm soát hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Ngày 30-7, UBND tỉnh tổ chức họp với các sở, ngành và địa phương để chỉ đạo một số giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang; định hướng, mục tiêu phát triển đến năm 2020 và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Nằm trong chương trình xóa đói giảm nghèo, dong riềng từ nhiều năm qua đã được chính quyền tỉnh Bắc Kạn coi là cây trồng chủ lực. Nhưng chính sự phát triển ồ ạt đã biến cây này thành gánh nặng nợ nần cho nông dân.
Ông Hoàng cho biết thêm, kể từ ngày 25-8-2014 các doanh nghiệp và cá nhân được vay vốn tới 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với thời hạn vay vốn 11 năm và lãi suất phải trả chỉ từ 1% đến 3%/năm, phần còn lại do ngân sách nhà nước cấp bù. Nghị định này được coi là “ cú hích” tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giúp ngư dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế biển theo chủ trương của Chính phủ.