Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cựu Chiến Binh Giúp Nhau Làm Kinh Tế Giỏi

Cựu Chiến Binh Giúp Nhau Làm Kinh Tế Giỏi
Ngày đăng: 30/06/2013

Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế giỏi” đem lại hiệu quả thiết thực. Từ phong trào này, những người lính năm xưa lại tiếp tục phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận phát triển kinh tế.

CCB Đàm Văn Thào, tổ 31, phường Sông Hiến (Thị xã) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.

Chúng tôi đến thăm trang trại vườn, rừng của CCB Đàm Văn Thào, Bí thư Chi bộ Tổ 31, phường Sông Hiến (Thị xã). Đứng giữa rừng cây keo, thông, sa mộc được trồng thành những hàng thẳng tắp của gia đình, ông Thào tâm sự, năm 1976, sau khi hòa bình lập lại, ông rời chiến trường trở về địa phương xây dựng gia đình trong điều kiện cuộc sống còn bộn bề khó khăn. Năm 1977, ông vào làm việc tại Lâm trường Đề Thám. Năm 1989, về nghỉ mất sức, ông đã đầu tư trồng vườn cây ăn quả, trồng rừng và chăn nuôi lợn, gà.

Do phương thức sản xuất còn lạc hậu, đất đai canh tác lâu năm đã bạc màu, suy đi tính lại ông quyết định cải tạo lại đất đai, hoa màu, đưa các loại cây, con mới vào sản xuất nhưng không có vốn để mua dụng cụ sản xuất và sức kéo. “Thời gian đó vất vả lắm. Muốn thoát khỏi cái nghèo vì có sức, có đất đai, tôi quyết định phát triển kinh tế vườn, rừng với phương châm lấy ngắn nuôi dài”.

Tuy công việc rất bận rộn nhưng hằng ngày ông vẫn theo dõi các tin tức trên đài, báo, nhất là các vấn đề liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, vườn cây với các loại quả: mận tam hoa, dứa, chuối...  và chuồng trại chăn nuôi cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Hiện nay, 20 ha rừng cây sa mộc, keo, thông đã cho khai thác.

Rời quân ngũ sau ông Đàm Văn Thào, CCB Bế Ngọc Thế, Chi hội trưởng CCB xóm Háng Páo, thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh) trước đây cũng có hoàn cảnh khó khăn tương tự. Năm 1981 xuất ngũ, trở về quê hương, cuộc sống của gia đình ông chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, đất nông nghiệp ít nên cuộc sống rất chật vật.

Sau khi trải qua nhiều nghề, ông Thế quyết tâm xây dựng mô hình sản xuất vật liệu xây dựng. Năm 2000, ông vay vốn ngân hàng 10 triệu đồng, cộng với vốn tự có của gia đình đầu tư 30 triệu đồng khai thác bãi cát Hoằng Hoảng để cung cấp cát cho các công trình xây dựng trên địa bàn huyện. Công việc thuận lợi, năm 2007, ông mở rộng mô hình kinh tế.

Qua tham quan học hỏi kinh nghiệm về phát triển kinh tế hộ gia đình, ông vay vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 100 triệu đồng mua máy ép gạch bê tông, máy nghiền đá và một số máy móc khác để sản xuất gạch tiêu thụ tại địa phương và các xã lân cận. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm nên chất lượng gạch chưa cao, tiêu thụ chậm. Ông khắc phục bằng cách tăng tỷ  lệ xi măng, bột đá và pha phụ gia màu hợp lý. Từ đó  gạch do cơ sở của gia đình ông sản xuất luôn được thị trường tín nhiệm, nhiều công trình xây dựng quy mô đăng ký mua với số lượng lớn.

Thời gian sau, ông lại tiếp tục đầu tư mua xe công nông để chuyên chở cát, gạch đi tiêu thụ. Sau mấy năm sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ông mua thêm nhiều thiết bị, máy móc phục vụ cho việc sản xuất gạch, cát. Hiện nay gia đình ông đã trả  nợ xong và làm ăn có lãi, xưởng gạch và bãi cát tạo việc làm cho hơn 10 lao động là con em CCB với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Xưởng gạch bê tông với công suất 400 - 500 viên gạch/ngày, doanh thu từ bãi cát và xưởng gạch trên 100 triệu đồng...

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, những người lính năm xưa bắt tay vào “cuộc chiến chống đói nghèo”. Ông Nông Thế Phòng, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh nhận định: Thực hiện phong trào “CCB giúp nhau làm kinh tế giỏi”, các CCB phát huy phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, quyết tâm vượt lên mọi khó khăn, không cam chịu đói nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình. Với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập cao đã góp phần từng bước xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, số hội viên CCB có thu nhập thấp chỉ còn 16,92%, số hội viên có thu nhập khá trở lên đạt khoảng 37%.

Những nỗ lực của CCB đã góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo theo tinh thần nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra.


Có thể bạn quan tâm

Bài Học Từ Thiếu Quy Hoạch Bài Học Từ Thiếu Quy Hoạch

Được xem là địa phương năng động, thường xuyên thay đổi cung cách làm ăn, từ lâu Tứ Xã (Lâm Thao - Phú Thọ) đã thành trung tâm sản xuất, kinh doanh nổi tiếng với nhiều mô hình nuôi, trồng cây, con đặc sản, làm dịch vụ. Sau lợn gà, cá tôm gần đây là nghề nuôi rắn.

16/11/2013
Làm Giàu Nhờ Dám Nghĩ, Dám Làm Làm Giàu Nhờ Dám Nghĩ, Dám Làm

Năm 2007, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, là một đảng viên trẻ được kết nạp Đảng trong môi trường quân đội, anh Trương Hữu Minh ở phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) ý thức được rằng phát triển kinh tế gia đình, tự vươn lên trong cuộc sống là một trong những nhiệm vụ mà người lính cần phải tiên phong. Là con cả trong gia đình làm nông đông anh em, với mức lương ít ỏi cộng phụ cấp không đủ trang trải cho cuộc sống, anh luôn nung nấu quyết tâm tìm cho mình một hướng đi mới giảm bớt khó khăn về kinh tế cho gia đình.

16/11/2013
Hiệp Hội Chăn Nuôi Gia Cầm Việt Nam Đón Nhận Huân Chương Lao Động Hạng Ba Hiệp Hội Chăn Nuôi Gia Cầm Việt Nam Đón Nhận Huân Chương Lao Động Hạng Ba

Trong mười năm qua, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam luôn đồng hành với người chăn nuôi vượt qua khó khăn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, phản biện, kiến nghị các giải pháp phòng, chống dịch cúm, các chính sách khuyến khích chăn nuôi, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất, kinh doanh gia cầm, góp phần khôi phục và phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững.

16/11/2013
Phát Triển Vùng Chuyên Canh Rau An Toàn Ở Huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) Phát Triển Vùng Chuyên Canh Rau An Toàn Ở Huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp)

Sản xuất rau là nghề truyền thống ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Những năm qua, việc canh tác rau của huyện giải quyết được phần lớn nhu cầu tiêu thụ rau xanh trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi địa phương.

16/11/2013
Bao Tiêu Sản Phẩm Đậu Bắp Và Dưa Lê Bao Tiêu Sản Phẩm Đậu Bắp Và Dưa Lê

Năm 2013, các đơn vị gồm Công ty Hồng Huế, Công ty Hoàng Vinh cùng tọa lạc ở TP.HCM và Công ty Cổ phần thủy sản Bạc Liêu thực hiện bao tiêu sản lượng 74ha đậu bắp với giá 7.000 đồng/kg (loại 1) và 25ha dưa lê với giá 9.500 đồng/kg của nông dân xã Tân Hòa (gần 14ha dưa lê của nông dân ở thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, Đồng Tháp).

16/11/2013