Xuất Khẩu Thủy Sản Đối Mặt Với Nhiều Rào Cản Mới
Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam và Hiệp hội Cá tra Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị Phổ biến quy định của các thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2014.
Tại đây, nhiều vấn đề về những rào cản phi thuế quan mới trong năm 2014 được các ngành hữu quan cảnh báo đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và nông hộ ngành thủy sản vùng ĐBSCL...
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, 20 năm qua, ngành thủy sản liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Riêng năm 2013, ngành này đạt gần 6 triệu tấn sản phẩm và xuất khẩu được 6,7 tỉ USD. Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã có mặt trên 150 quốc gia và lãnh thổ thuộc 5 châu lục trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khi sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng thì những rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại sẽ ngày càng nhiều.
Các thị trường nhập khẩu ngày càng yêu cầu khắt khe hơn, đặt ra nhiều vấn đề để các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hội, hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu và bà con nông, ngư dân phải quan tâm giải quyết.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Việt Thắng, cần xác định đầy đủ và chính xác các loại rào cản ở các thị trường nhập khẩu thủy sản chủ yếu của Việt Nam trên thế giới, trọng tâm là cá tra và con tôm để có biện pháp giải quyết có hiệu quả...
Ông Võ Thành Đô, Phó Cục Trưởng Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, cho rằng: Xuất khẩu thủy sản của nước ta đứng thứ 5 trong số các quốc gia hàng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.
Để đạt được thành quả trên có sự đóng góp to lớn của bà con nông, ngư dân trong khai thác và nuôi trồng thủy sản, sự năng động của các doanh nghiệp chế biến và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đặc biệt là cùng với doanh nghiệp đề ra các giải pháp kỹ thuật và quản lý để vượt qua rào cản thuế quan và phi thuế quan ở các thị trường trên thế giới.
Năm 2014, cùng với những bất lợi của thời tiết khiến dịch bệnh trên tôm xuất hiện tại một số nơi, thủy sản Việt Nam tiếp tục gặp phải rào cản phi thuế quan mới ở các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ... Những vấn đề này đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn và thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và ngành thủy sản nói chung...
Các loại rào cản phi thuế quan đối với hàng thủy sản Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu là rào cản về an toàn thực phẩm và an toàn bệnh dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT) và rào cản chống bán phá giá...
Đến nay có 49 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu thủy sản Việt Nam (chiếm 97-98% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam) đã dựng lên rào cản TBT, SPS... Do đó, việc phát triển thị trường các doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ những rào cản thuế quan và đặc biệt là rào cản phi thuế quan ở những thị trường đó.
Những rào cản phi thuế quan mới xuất hiện trong năm 2014 như: thị trường EU: chấn chỉnh hệ thống kiểm tra chứng nhận thủy sản khai thác tự nhiên có khai báo, có kiểm soát (loại rào cản TBT); Hoa Kỳ: Luật hiện đại hóa thực phẩm (loại rào cản SPS, TBT), Luật trang trại (loại rào cản SPS), điều tra chống bán phá giá cá tra và điều tra chống bán phá giá có nguy cơ lập lại...
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã tổng hợp một số rào cản về chất lượng, an toàn thực phẩm trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tại một số thị trường trong năm 2014; đồng thời đề xuất các biện pháp giải quyết.
Điển hình: đối với thị trường Hoa Kỳ, ngày 7-2-2014, Tổng thống Hoa Kỳ đã ký ban hành Luật Nông nghiệp 2014, bổ sung trách nhiệm thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với tất cả các loài thủy sản thuộc bộ Siluriformes cho Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).
Cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm thuộc USDA sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát toàn bộ chuỗi sản xuất cá da trơn. Quy định cụ thể chương trình kiểm tra, giám sát cá da trơn vẫn trong giai đoạn dự thảo, theo USDA, dự kiến tháng 12-2014 ban hành quy định và áp dụng chậm nhất vào tháng 4-2015.
Bộ NN&PTNT đã cử đoàn công tác sang làm việc với các cơ quan liên quan đến chương trình kiểm soát cá da trơn của Hoa Kỳ, đề nghị các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ và đặc biệt là USDA dừng triển khai chương trình giám sát cá da trơn. Trong trường hợp phải thực hiện đề nghị USDA phải đảm bảo chương trình phù hợp với các cam kết quốc tế và không gây cản trở cho thương mại...
Thời gian tới, các cơ quan có liên quan của Việt Nam cần nghiên cứu kỹ Luật Nông nghiệp 2014 để phổ biến đến các cơ sở nuôi, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra về các qui định có liên quan phải đáp ứng; xây dựng và triển khai kế hoạch chuẩn bị đáp ứng các qui định mới của kỹ Luật Nông nghiệp 2014, nhất là quản lý nuôi, vận chuyển, chế biến... kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, sử dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi cá, đảm bảo nguồn lực, năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm...
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cũng đưa ra cảnh báo Oxytetracycline trong tôm xuất khẩu tại thị trường EU và Nhật Bản. Trong 4 tháng đầu năm 2014, cơ quan chức năng Nhật Bản và EU liên tiếp cảnh báo về việc phát hiện dư lượng Oxytetracycline vượt mức giới hạn tối đa cho phép trong các lô hàng tôm nuôi của Việt Nam.
Do phát hiện dư lượng Oxytetracycline vượt mức giới hạn tối đa cho phép trong 2 lô hàng tôm nuôi, từ ngày 14-3-2014 Nhật Bản áp dụng chế độ kiểm tra Oxytetracycline đối với 100% lô hàng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 7 lô hàng tôm nuôi bị cảnh báo Oxytetracycline, phía Nhật Bản đã cảnh báo sẽ cân nhắc ban hành lệnh cấm/tạm ngừng nhập khẩu nếu các vi phạm tiếp tục tăng. Từ đầu năm 2014 đến nay, EU đã cảnh báo 7 lô hàng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam do phát hiện dư lượng Oxytetracycline vượt mức giới hạn tối đa cho phép.
Mặc dù Oxytetracycline là kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, nhưng việc tôm nuôi của Việt Nam bị cảnh báo Oxytetracycline ở cả 2 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cho thấy có tình trạng lạm dụng Oxytetracycline trong quá trình nuôi và không tuân thủ việc ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch theo quy định cần được cảnh báo.
Trước tình trạng này, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã có văn bản gửi các cơ quan, tổ chức có liên quan đề nghị triển khai các giải pháp đồng bộ như: thông báo với các cơ sở chế biến tôm xuất khẩu và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam về việc Nhật Bản áp dụng chế độ kiểm tra 100% các lô hàng đối với chỉ tiêu Oxytetracycline. Yêu cầu các cơ sở chế biến kiểm soát chặt chẽ dư lượng Oxytetracycline trong các lô hàng tôm xuất khẩu.
Đối với các cơ sở bị cảnh báo, yêu cầu kiểm tra nguyên nhân, thiết lập và thực hiện các hành động khắc phục phù hợp, áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường chỉ tiêu Oxytetracycline đối với từng lô hàng tôm nuôi xuất khẩu. Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phổ biến, hướng dẫn cơ sở nuôi thủy sản sử dụng đúng cách các hoạt chất, kháng sinh trong nuôi thủy sản và tuân thủ nghiêm ngặt thời gian ngừng sử dụng thuốc, tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm...
Có thể bạn quan tâm
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, tại 3 xã Ba Xa, Ba Vì, Ba Nam hiện có gần 23.168ha đất lâm nghiệp, trong đó có 15.736ha rừng tự nhiên, bao gồm chủ yếu là rừng nhiệt đới, nằm trong một vùng sinh thái rừng tự nhiên rộng lớn còn tính chất nguyên sinh và động, thực vật khá phong phú.
Từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã (HTX) chè Tân Hương (xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên) đã bán ra thị trường gần 20 tấn chè búp khô các loại, đạt tổng doanh thu hơn 6,4 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 600 triệu đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đảm bảo tiêu thụ chè cho 70 xã viên với giá trung bình 200 nghìn đồng/kg và việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/tháng.
Chiều 20-11, tin từ một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trà ô-long xuất khẩu tại Lâm Đồng cho biết, khoảng 70 container chè thành phẩm của Việt Nam bị “tắc” tại cửa khẩu Đài Loan (Trung Quốc), đã được cơ quan chức năng sở tại cho thông quan bình thường.
Căn cứ vào quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp, kế hoạch trồng rừng năm 2014, ngay từ đầu năm, huyện Thạch Thành đã giao kế hoạch trồng rừng cụ thể đến từng xã; chỉ đạo các phòng, ban có liên quan phối hợp với các xã hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng cho bà con nông dân; huy động nhân dân đào hố trồng cây theo quy hoạch, bảo đảm hoàn thành diện tích theo kế hoạch được giao.
Riêng 10 tháng đầu năm 2014, Hạt Kiểm lâm Quan Hóa đã cung ứng vật tư, cây giống “đầu vào”, chỉ đạo, tổ chức cho các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp các xã như Thành Sơn, Trung Thành, Phú Xuân, Nam Động trồng mới được 200 ha (hoàn thành kế hoạch trồng rừng sản xuất năm 2014 do UBND tỉnh giao).