Xuất khẩu nông, thủy sản vẫn khó khăn
Ngày 12/10 tại TPHCM, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị giao ban xuất khẩu tháng 9 năm 2015 và triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 năm 2015 ước đạt 14,2 tỉ USD, giảm 1,2% so với tháng 8/2015 nhưng lại tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Tính chung 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 120,7 tỉ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Điểm sáng trong xuất khẩu 9 tháng qua là nhóm hàng công nghiệp chế biến với giá trị xuất khẩu đạt 94,96 tỉ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ 2014.
Trong đó, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và tăng trưởng cao so với cùng kỳ là điện thoại các loại và linh kiện đạt 23,2 tỉ USD, tăng 34,3%; dệt may đạt 17,1 tỉ USD, tăng 10,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,44 tỉ USD, tăng 52,8%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 5,85 tỉ USD, tăng 9,8%.
Tuy nhiên, nhóm hàng nông sản, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 15,4 tỉ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm là do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường và việc phá giá đồng tiền của nhiều nước.
Cạnh tranh ngày càng gay gắt
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, việc nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nước là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Brazil, Ấn Độ, Indonesia hạ giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu đã tạo khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao (Vicofa), đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết khó khăn lớn nhất đối với ngành hàng cà phê là tỉ giá đồng tiền của chúng ta giảm không đáng kể, trong khi đó, nước cạnh tranh thị trường xuất khẩu cà phê với Việt Nam là Brazil thì giảm rất nhiều (tới 70%).
Do đó, cả phê của Brazil được bán ra ồ ạt, còn chúng ta thì không.
Ông Nam cho biết, chúng ta có thể quyết định được giá thị trường thế giới đối với mặt hàng hồ tiêu nhưng đối với cà phê, mặc dù cà phê robusta của chúng ta chiếm 60% thị phần nhưng giá cả vẫn không ổn định.
Từ bài học của ngành hồ tiêu, ông Nam cho rằng cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ với vai trò trung gian để Hiệp hội Cà phê Việt Nam và Brazil liên kết với nhau nhằm giữ giá, điều tiết giá cả thị trường.
Bên cạnh sự sụt giảm xuất khẩu của ngành cà phê thì thủy sản cũng là ngành chịu nhiều ảnh hưởng do các nước phá giá đồng tiền, hỗ trợ xuất khẩu.
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, một DN lớn trong ngành thủy sản cho biết, tỉ giá của đồng tiền Việt Nam điều chỉnh không nhiều, trong khi các nước như Indonesia phá giá 42,4%, Ấn độ 22%, Thái Lan 18%. Điều này dẫn đến giá tôm của Việt Nam đang cao hơn các nước cùng xuất khẩu tôm tới 20%...
Bên cạnh đó, theo phản ánh từ nhiều DN, hiện nay, nhiều nước đang sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất trong nước (như thời gian gần đây Ấn Độ áp thuế tự vệ 20% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu; 3 thị trường Đông Nam Á là Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với thép, tôn lạnh của Việt Nam).
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc NHNN Việt Nam kịp thời điều chỉnh tỉ giá trong thời gian qua đã góp phần tạo thuận lợi cho xuất khẩu, làm giảm khó khăn cho DN trước bối cảnh đồng tiền tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là EU, Nhật Bản đều giảm so với đồng USD.
Để hỗ trợ các DN xuất khẩu, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của DN
. Tư vấn cho các DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn để phát triển sản xuất.
Bộ Công Thương sẽ rà soát, đánh giá tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ thương mại các nước hiện đang áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, từ đó, chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của nước sở tại để giải quyết, khắc phục, tháo gỡ các rào cản này.
Cùng với đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với cơ quan quản lý các nước sở tại, các thương vụ, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam để thúc đẩy đàm phán, ký kết thỏa thuận về thương mại, cũng như các hiệp định hoặc thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về chất lượng sản phẩm nhằm giúp mở cửa cho các chủng loại trái cây, rau quả có thế mạnh của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Tại xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ vừa tổ chức trao giấy chứng nhận VietGAP cho 12 hộ với 12,5ha bưởi da xanh của Hợp tác xã Bưởi da xanh Sông Xoài.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius), tính đến cuối tháng 9.2015, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã ký được hợp đồng xuất khẩu đạt 721.200 tấn sản phẩm các loại.
Bộ NNPTNT vừa ban hành Thông tư 31/2015 quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật, thủy sản nuôi.
Gắn bó với đồng ruộng suốt mấy chục năm, ông Vũ Văn Tỉ, thôn Linh Đông 3, đã tìm tòi rất nhiều thứ con, trồng rất nhiều thứ cây để cải thiện và tăng thu nhập cho gia đình. Nhưng có lẽ chỉ có con dế (xét từ mọi phương diện) là thứ con khiến ông đam mê và hài lòng nhất.
6 năm “cắm bản” ở vùng cao Quảng Nam, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KTQP) 207 không chỉ triển khai thực hiện tốt các hạng mục thuộc vùng Dự án KTQP được giao mà còn sáng tạo những mô hình phát triển phù hợp, góp phần xây dựng nông thôn mới.