Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hợp đồng tiêu thụ nông sản sự cần thiết của nhà nông

Hợp đồng tiêu thụ nông sản sự cần thiết của nhà nông
Ngày đăng: 19/10/2015

Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho biết: “Vai trò của mối liên kết "4 nhà" được đặt ra từ năm 2002 với Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng (Quyết định 80).

Tiếp theo đó là các chính sách bổ trợ, thúc đẩy việc thực hiện như: Chỉ thị 25/2008/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; Chỉ thị 1965/CT-BNN-TT năm 2013 về việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình cánh đồng mẫu lớn...

Tuy nhiên, mối liên kết "4 nhà" cho đến nay vẫn chưa thắt chặt như mong muốn, các mối liên kết dọc và ngang hình thành và phát triển khó khăn.

 

Luật sư Trần Hữu Huỳnh.

Đúng như ông nói, việc liên kết theo Quyết định 80 còn khá lỏng lẻo.

Phải chăng, giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn điều gì đó chưa “gặp” được nhau và nguyên nhân bắt nguồn từ đâu, thưa ông?

- Hiện nay, mối liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân, nông dân và nông dân trong các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau… Hợp đồng bao tiêu nông sản thể hiện tính pháp lý thấp, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua.

Trong khi đó, vai trò liên đới giữa "4 nhà" lại thiếu chặt chẽ và chưa mang tính đồng bộ.

Nhà nước chưa có chế tài cụ thể nên khó xử lý khi xảy ra vi phạm hợp đồng giữa các bên.

Vì thế, thời gian qua còn xảy ra tình trạng DN và nông dân phá vỡ hợp đồng khi có sự biến động về giá, thị trường tiêu thụ…

Ngoài ra, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thiếu vốn; tập quán canh tác lạc hậu; trình độ học vấn thấp; thiếu kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể của nông dân, các tổ, nhóm, HTX cũng ảnh hưởng rất lớn đến các mô hình liên kết.

Trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nhà nông và DN đều rất cần nhau.

Đây là mối quan hệ xương sống, đóng vai trò quyết định thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá phát triển.

Để đảm bảo xây dựng một mối quan hệ hợp tác bền vững, điều mấu chốt chính là việc xử lý hài hoà lợi ích của cả hai phía (nông dân, DN) trong quan hệ làm ăn.

Có thể thấy, việc phá vỡ hợp đồng giữa nông dân và DN là khá phổ biến.

Vậy theo ông, chúng ta cần có những quy định gì để hợp đồng mang tính pháp lý cao hơn, có sự ràng buộc hơn?

- Việc khuyến khích nông dân và DN ký hợp đồng (thay vì thoả thuận miệng) là một hình thức đảm bảo các bên thực hiện đúng cam kết, hạn chế tối đa các trường hợp đáng tiếc xảy ra; đồng thời hợp đồng dưới hình thức văn bản cũng là một căn cứ rất quan trọng để giải quyết những tranh chấp phát sinh giữa đôi bên.

Thời gian qua, hợp đồng (HĐ) mua bán nông sản giữa nông dân hay những tổ hợp tác cung ứng với các DN thường xảy ra tranh chấp hoặc bị “vỡ”.

Nguyên nhân sâu xa là các bên, đặc biệt là nông dân còn kém hiểu biết về pháp luật, dẫn đến không tôn trọng HĐ đã ký cũng như không biết tự bảo vệ khi có thiệt hại xảy ra. 

 

Thương lái địa phương thu mua lúa (hè thu) tại ruộng của nông dân khóm Trà Khứa, Bạc Liêu.

Các tranh chấp giữa DN và nông dân đã và đang xảy ra nhiều hơn, một phần cũng bởi tình hình kinh tế khó khăn.

Lý do sâu xa do thiếu cẩn thận trong soạn thảo HĐ, không tôn trọng HĐ đã ký kết.

Người nông dân không lường hết khó khăn sẽ gặp phải khi thực hiện HĐ cũng như chưa có đầy đủ kiến thức về pháp luật để tự bảo vệ mình, dẫn đến nội dung HĐ khá sơ sài.

Khi ký kết cả hai bên chỉ tập trung vào các điều khoản về số lượng, thanh toán, giao hàng mà quên đi những điều khoản khác, trong đó có điều khoản về giải quyết tranh chấp nếu xảy ra.

Thực trạng này không chỉ có trong HĐ mua bán nông sản mà cả đối với nhiều loại HĐ khác, thậm chí các HĐ giữa các DN lớn.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện HĐ, các bên không nắm rõ về HĐ và pháp luật về HĐ nên việc thực hiện tùy tiện.

Khi có tranh chấp xảy ra, người nông dân do thiếu hiểu biết pháp luật nên thường chịu phần thiệt thòi về mình, thường có tâm lý ngại, không muốn kiện tụng sợ tốn kém, mất thời gian, phiền hà.

Vậy theo ông, cần giải quyết các tranh chấp trên ra sao và ai là người có thể giải quyết được các tranh chấp đó?

- Đến nay có thể khẳng định, việc dùng cơ chế giải quyết tranh chấp theo trọng tài trong HĐ mua bán nông sản là hoàn toàn có thể.

Tuy nhiên, hiện các hộ nông dân và kể cả DN khi tham gia ký kết thường ít khi đề cập đến cơ chế này. 

Cơ chế giải quyết tranh chấp theo trọng tài là một trong những phương thức giải quyết được xem là nhanh chóng, hiệu quả, theo Luật Trọng tài Thương mại, trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại hoặc ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

Trọng tài có rất nhiều ưu điểm và đang ngày càng trở thành xu thế phổ biến để giải quyết tranh chấp trên thế giới.

Một trong số đó là các bên tranh chấp có thể lựa chọn trọng tài viên là những chuyên gia hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực tranh chấp, ví dụ như chuyên gia về hợp đồng mua bán nông sản.

Ngoài ra, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đảm bảo tính bí mật cho các bên tranh chấp, sau tranh chấp các bên không bị ảnh hưởng đến uy tín trên thương trường.

Phán quyết trọng tài có hiệu lực thi hành giống như bản án của Tòa án, hoàn toàn có khả năng thi hành chứ không chỉ nằm trên giấy tờ và không có khả năng thi hành như nhiều người vẫn nghĩ.

VCCI và VIAC (Trung tâm Trọng tài Quốc tế) đã có rất nhiều các hoạt động hỗ trợ thực hiện HĐ, giải quyết tranh chấp… Cụ thể, VCCI tổ chức các hội thảo về pháp luật chung cũng như pháp luật về trọng tài, còn VIAC cung cấp những bài học kinh nghiệm để người nông dân và DN rút kinh nghiệm, giúp giải quyết tranh chấp.

Xin cảm ơn ông!

“Lời khuyên với nông dân, DN trong ký kết HĐ mua bán nông sản chính là phải có kiến thức về pháp luật, đặc biệt liên quan vấn đề ký kết HĐ.

Các bên cần chú ý nếu muốn lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, thì HĐ phải có điều khoản trọng tài.

Tốt nhất là theo điều khoản mẫu của các Trung tâm trọng tài, trong đó có VIAC”.

(Luật sư Trần Hữu Huỳnh)


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Nuôi Gà Ri Lai Đabacô Phát Huy Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Gà Ri Lai Đabacô Phát Huy Hiệu Quả

Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ trung tuần tháng 4, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Định triển khai thực hiện mô hình nuôi gà ri lai Đabacô theo hướng nông hộ có kiểm soát tại xã Yên Lâm.

26/07/2014
Nuôi Trâu, Bò Thương Phẩm Ở Mai Tùng (Phú Thọ) Nuôi Trâu, Bò Thương Phẩm Ở Mai Tùng (Phú Thọ)

Nói đến con trâu, bò người ta thường nghĩ ngay đến mục đích sử dụng sức kéo để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, trâu, bò ở xã Mai Tùng, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) còn có một tên gọi khác đó là “con xoá đói giảm nghèo bền vững”.

26/07/2014
Chính Phủ Hỗ Trợ Phát Triển Thủy Sản Chính Phủ Hỗ Trợ Phát Triển Thủy Sản

Theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7/7/2014 và có hiệu lực từ 25/8/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

05/08/2014
Panasonic Trồng Rau Sạch Panasonic Trồng Rau Sạch

Cơ sở của Panasonic có khả năng sản xuất 3,6 tấn lương thực hàng năm với 10 loại rau quả. Trang trại trong nhà cũng là mảng kinh doanh ưa thích của nhiều đại gia công nghệ Nhật Bản. Fujitsu đang trồng rau diếp tại các nhà máy ở Fukushima, trong khi Sharp trồng dâu tại Dubai.

05/08/2014
An Giang Nuôi Bò Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao An Giang Nuôi Bò Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Đúc kết kinh nghiệm mô hình cho thấy, ngoài việc trồng rau màu các loại, anh Giáo còn tận dụng đất theo bờ kênh trồng cỏ VA06 và kết hợp với phụ phẩm trồng trọt để nuôi thêm 3 con bò vỗ béo; sau 12 tháng bán được 60 triệu đồng, lợi nhuận được 50%.

26/07/2014