Xuất khẩu nông, thủy sản tiếp tục gặp khó
Theo báo cáo của Sở Công thương, 6 tháng đầu năm 2015 chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2014 (sau đây gọi là cùng kỳ). Trong đó, so với cùng kỳ, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,2%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 14,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 16,7%.
Về giá trị sản xuất công nghiệp, toàn tỉnh đạt 32.149,2 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ, đạt 51,1% so với kế hoạch năm. Các sản phẩm có giá trị tăng cao phải kể đến như: Bia các loại, may mặc, ống đồng...
Đối với hoạt động xuất khẩu, 6 tháng đầu năm 2015 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 792 triệu USD, đạt 49,5% kế hoạch năm, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Nhìn tổng thể về tình hình xuất khẩu của tỉnh 6 tháng đầu năm 2015 có thể chia làm 2 nhóm đối lập, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp tăng nhanh; còn nhóm hàng nông, thủy sản giảm mạnh so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp tiếp tục khởi sắc, kim ngạch và sản lượng xuất khẩu các mặt hàng này đang tăng mạnh so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ các mặt hàng tăng khá cao như: May mặc tăng 26,4% về giá trị và tăng 48,7% về sản lượng.
Trị giá xuất khẩu hàng may mặc chiếm 18,7% trị giá xuất khẩu của tỉnh; giày tăng 29% về giá trị và tăng 36,9% về sản lượng; túi xách tăng 62,2% về giá trị và tăng 53,2% về sản lượng; ống đồng các loại tăng 31,3% về giá trị và tăng 50,6% về sản lượng... Riêng xuất khẩu các sản phẩm nhựa giảm đến 48%.
Theo nhận định của Sở Công thương, đây là thời điểm thuận lợi của xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp. Đặc biệt là giày, túi xách bình quân hàng tháng kim ngạch xuất khẩu của mỗi mặt hàng này đạt hơn 20 triệu USD, tăng hơn 5 triệu USD so với bình quân hàng tháng của năm 2014.
Xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm mạnh. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2015, có 3/4 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh có kim ngạch xuất khẩu giảm là: Hàng thủy sản, xuất được 58.704 tấn, giảm 3,8% về sản lượng và về trị giá đạt 131,2 triệu USD, giảm 6% so cùng kỳ. Gạo xuất được 82.009 tấn, giảm 45,2% về sản lượng và về trị giá đạt 36 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ. Hàng rau quả xuất khẩu giảm 41% về sản lượng và giảm 34,4% về giá trị.
Theo Sở Công thương, nguyên nhân chủ yếu do gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, trong lúc hàng hóa sản xuất trong nước đang dồi dào nhưng nhu cầu thị trường lại giảm. Việc mất cân đối cung - cầu trong thời gian qua đã khiến cho giá xuất khẩu hàng nông, thủy sản giảm so với cùng kỳ năm trước.
Riêng mặt hàng gạo, Việt Nam lại tiếp tục cạnh tranh gay gắt với Thái Lan tại thị trường châu Phi vì Thái Lan đang xả kho nên giá gạo của Thái Lan tại thị trường này thấp hơn so với giá gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã thắt chặt nhập khẩu gạo qua biên giới với Việt Nam, trong khi Trung Quốc lại ký hợp đồng với Thái Lan trong việc nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trên tổng số nhu cầu dự kiến của nước này là 4 triệu tấn gạo.
Mặt hàng thủy sản thì đang đối mặt với khó khăn về tỷ giá. Hiện nay, đồng Euro mất giá ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu nhập khẩu của các thị trường, do đó giá cá tra cũng giảm theo. Ngoài ra, đồng USD tăng giá cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ra thị trường thế giới, bởi các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng chủ yếu chọn USD là đồng tiền thanh toán thương mại cho các đơn hàng.
Trong 6 tháng qua, thị trường xuất khẩu của tỉnh tăng 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ trọng cơ cấu kim ngạch xuất khẩu phân theo thị trường đã có chuyển dịch mạnh: Thị trường châu Mỹ tăng từ 34,7% lên 41,9%, trong khi thị trường EU giảm mạnh chỉ còn 22%, do xuất khẩu hàng nông, thủy sản giảm (từ 42% năm 2012, giảm còn 32% năm 2013 và giảm xuống 27,3% năm 2015). Thị trường châu Á chiếm 32,2% (giảm nhẹ do nhập khẩu gạo giảm)...
Theo Sở Công thương, để duy trì tốc độ phát triển, trong những tháng cuối năm 2015, sở sẽ tích cực hơn trong công tác quản lý, dự báo thị trường và xúc tiến thương mại.
Cụ thể là việc rà soát, nắm bắt tình hình doanh nghiệp đầu tư trong các ngành Công nghiệp trọng điểm; thực hiện các giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông, thủy sản; đồng thời vận động, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm. Đặc biệt là tổ chức đoàn tham gia các chương trình khảo sát, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước.
Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình điều tra, khảo sát thị trường tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh... nhằm thúc đẩy xuất khẩu, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm tỉnh nhà.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình trồng nấm bào ngư xuất hiện ở TX. Gò Công (Tiền Giang) khoảng 2 - 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do người mua phôi nấm không rõ nguồn gốc, người bán không chịu trách nhiệm về chất lượng; đầu ra sản phẩm nấm bấp bênh, dễ bị thương lái ép giá… nên không ít người trồng lâm vào cảnh lỗ vốn, bỏ nghề.
Vụ hè thu năm 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành triển khai thực hiện mô hình sản xuất đậu nành kết hợp bao tiêu sản phẩm tại xã Tân Nhuận Đông, mô hình bước đầu cho hiệu quả cao hơn so với trồng lúa.
Mùa mưa, trong khi nhiều nơi khác trong tỉnh Quảng Ngãi việc trồng cây rau màu gặp khó khăn do thời tiết bất lợi, thì với nhiều bà con nông dân ở các xã Đức Thạnh, Đức Minh, Đức Chánh (Mộ Đức) lại là mùa "ăn nên làm ra", nhờ trồng cà tím trên những vùng đất cát.
Giá khoai lang tím Nhật tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long) tăng liên tục những ngày qua. Ngày 8/11, thương lái mua khoai tại ruộng giá từ 850.000- 900.000 đ/tạ (60kg). Các loại khoai trắng giấy, trắng sữa cũng tăng thêm từ 20- 30% so đầu vụ.
Vụ nuôi thủy sản năm 2013, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có 21 hộ đã chuyển 27,8ha đất nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân lợi nhuận 400 triệu đồng/ha; 03 hộ nuôi tôm sú bán thâm canh chuyển sang nuôi sò huyết trong ao đất, bước đầu đem lại hiệu quả, bình quân lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha, năng suất bình quân khoảng 05 tấn/ha.