Bình Thuận dự kiến cung cấp 20 tỷ con tôm giống trong năm nay
Trong năm 2015, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cung ứng cho các cơ sở nuôi tôm tại Việt Nam khoảng 20 tỷ con tôm giống.
Để đảm bảo chất lượng tôm giống, Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã tiến hành giám sát chặt chẽ ở 3 khâu: quản lý đầu vào (tôm bố mẹ, thức ăn, thuốc thú y và các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường); quản lý quá trình sản xuất và đầu ra.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 151 cơ sở sản xuất tôm giống (chủ yếu sản xuất giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú), tập trung chủ yếu ở huyện Tuy Phong. Phần lớn các cơ sở kinh doanh tôm giống đều được xây dựng quy mô lớn và không ngừng mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận, hiện nay diện tích nuôi tôm giống ngày càng thu hẹp, không đủ phát triển số lượng, chất lượng, thể tích nuôi tôm giống trên địa bàn mới chỉ đạt hơn 50.000m3, không đủ để cung cấp cho thị trường vốn đang thiếu tôm giống như hiện nay.
Qua khảo sát ý kiến từ các doanh nghiệp sản xuất tôm giống, giải pháp để duy trì lợi thế, tăng nguồn thu từ tôm giống là tìm cách hình thành một vùng sản xuất tôm giống tập trung, vùng nuôi công nghiệp cho các doanh nghiệp lớn. Nhưng đến nay việc quy hoạch mới vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hoàn thành.
Hiện nay, nhu cầu con giống ngày một tăng, nguồn tôm bố mẹ phụ thuộc vào việc nhập từ Mỹ, Thái Lan, Australia… do đó giá thành nhập khẩu tôm giống rất cao. Chính vì vậy, việc chủ động sản xuất tôm giống bố mẹ luôn được các doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm.
Tuy nhiên để làm việc này cần kinh phí lớn, trong khi đó, điều kiện sản xuất tôm bố mẹ chưa an toàn do việc quy hoạch vùng nuôi tôm chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, việc phát triển tôm giống sẽ bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm môi trường biển và khói bụi của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân tại huyện Tuy Phong.
Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, để tháo gỡ khó khăn, tỉnh đang triển khai một khu quy hoạch nuôi tôm giống tại xã Chí Công với diện tích 157ha để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Quy hoạch này sẽ giải quyết dứt điểm việc chồng lấn giữa quy hoạch nuôi tôm giống và quy hoạch phát triển du lịch để tạo điều kiện khai thác tốt nhất hai ngành nhiều tiềm năng này. Dự kiến cuối năm 2015 tỉnh sẽ hoàn thành quy hoạch này, tuy nhiên việc triển khai này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang muốn mở rộng xây dựng trên diện tích lớn nên vùng quy hoạch này chưa đáp ứng đủ yêu cầu của tất cả doanh nghiệp.
Trong 5 năm gần đây (2011-2015), nghề nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là sản xuất tôm giống ở Bình Thuận có bước phát triển mạnh, chiếm tới gần 70% lượng tôm giống cung cấp cho thị trường trong cả nước.
Năm 2014, sản lượng tôm giống Bình Thuận đạt 28 tỷ con giống (tôm sú giống là 2 tỷ con, tôm thẻ chân trắng giống là 26 tỷ con).
Có thể bạn quan tâm
Cùng với cây hành, cây tỏi và các loại cây trồng vật nuôi khác, trong những năm qua nhiều người dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã phát triển mô hình chăn nuôi bò. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống cho người chăn nuôi mà còn có thể góp phần giúp người dân tự túc được một phần thực phẩm.
Trên địa bàn xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) có nhiều mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả cao và đang được tuyên truyền, nhân rộng.
Trong thời gian qua, hiệu quả kinh tế mà cây dược liệu mang lại cho người dân trên địa bàn các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, mở ra hướng giúp người dân vùng cao phát triển kinh tế và làm giàu. Phát triển cây dược liệu đang là lợi thế ở vùng cao trên địa bàn tỉnh.
Tại Tiền Giang, thời điểm hiện tại, thương lái đến tận vườn thu mua thanh long ruột trắng với giá 20.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg so với tháng trước; thanh long ruột đỏ có giá khoảng 70.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với tháng trước.
Nhiều năm qua, với tình trạng nuôi cá ồ ạt tự phát, dẫn đến hậu quả cung vượt cầu, người nuôi cá bị thương lái ép giá, khiến số phận con cá bống tượng đặc sản vẫn bấp bênh. Việc cần làm là chính quyền phải giúp các hộ nuôi nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.