Xuất Khẩu Mật Ong Long Đong Giấy Phép
Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 thế giới về XK mật ong. Có tiềm năng XK lớn, dư địa thị trường rộng mở, song theo các DN, sản phẩm này lại đang bị không ít quy định bất hợp lý làm khó.
Theo Hội Nuôi ong Việt Nam, 9 tháng đầu năm, Việt Nam XK khoảng 40.000 tấn mật ong với giá trị đạt trên 100 triệu USD. Dự kiến cả năm, sản lượng XK sẽ chạm mức 45.000 tấn. Trong khi nhiều sản phẩm của Việt Nam chật vật để “lọt” được vào các thị trường “khó tính” thì mật ong đi tiên phong, là sản phẩm từ động vật duy nhất của Việt Nam “thoải mái” XK vào Mỹ và EU.
Hiện nay, Việt Nam là nước XK mật ong lớn thứ 5 trên thế giới và đứng vị trí thứ 2 về XK mật ong vào Mỹ, sau Argentina.
Bà Nguyễn Thị Hằng-Phó chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam cho biết: Mỗi năm nghề nuôi ong tạo việc làm cho trên 35.000 lao động, trong đó có 4.000 người nuôi ong chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nghề nuôi ong còn góp phần tăng năng suất cây trồng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng Chế biến, Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), sản phẩm mật ong của Việt Nam rất có tiềm năng. Sữa ong chúa ở Việt Nam bán giá chỉ khoảng mấy trăm nghìn đồng/kg nhưng tại thị trường EU, mặt hàng này có giá bán hàng trăm USD/kg. Đây là lợi thế lớn về giá của hàng hóa Việt Nam.
Nhu cầu tiêu thụ mật ong ở thị trường EU khá lớn, trong khi lượng mật ong Việt Nam XK sang đây còn ít. Vấn đề là ngành nuôi ong Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng cũng như công tác xúc tiến thương mại để XK ngày càng hiệu quả hơn.
“Ngộp thở” vì giấy tờ
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, ngành ong đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó “ải” khó qua nhất chính là “rừng” văn bản giấy tờ của các cơ quan quản lý trong nước, nhất là ở khâu kiểm dịch. Cụ thể, Quyết định số 47/2005/QĐ-BNN ngày 22-7-2005 của Bộ NN&PTNT quy định số lượng động vật, khối lượng sản phẩm động vật phải kiểm dịch trước khi vận chuyển ra khỏi địa phương thì vận chuyển từ 200 kg mật ong và 1 đàn ong đã phải có giấy kiểm dịch.
Ngoài ra, những bất cập về bộ máy, phương tiện kiểm dịch và trình độ chuyên môn, hiểu biết của cán bộ tại các địa phương khiến việc cấp giấy kiểm dịch cho ngành ong vô cùng chậm trễ. “Đáng nói nhất là, giấy kiểm dịch ở mỗi tỉnh chỉ có giá trị trong tỉnh đó, nên khi vận chuyển sang nơi khác DN sẽ lại phải trải qua các trạm kiểm dịch mới.
Trong khi đó, thời tiết thất thường, mưa nắng liên miên khiến nhiều khi kiểm dịch xong thì ong đã bị chết vì phơi nắng, dầm mưa. Bao nhiêu thiệt hại, người nuôi ong chỉ đành “cắn răng” chịu mà chẳng biết kêu ai”, bà Hằng nói.
Ngoài vấn đề kiểm dịch, theo bà Hằng, một vướng mắc khác là triển khai Thông tư 23/2009/TT-BNNPTNT ngày 29-4-2009. Thông tư nêu rõ, Hội Nuôi ong chịu trách nhiệm xác minh nguồn gốc mật ong, phân biệt rõ mật ong Việt Nam và các nước khác.
Đây là một trong những văn bản quan trọng thuyết phục Cơ quan bảo vệ Hải quan Mỹ (CBP), Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Ủy ban châu Âu trong việc cho phép mật ong Việt Nam XK sang các thị trường này.
Đồng thời, văn bản cũng góp phần chống chuyển tải mật ong Trung Quốc qua các nước thứ ba như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan... để NK vào Mỹ hòng trốn thuế chống bán phá giá, do mật ong Trung Quốc XK vào Mỹ đang phải chịu mức thuế 2,65 USD/kg.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, theo nội dung Thông tư 23, chỉ có 29 hội viên của Hội Nuôi ong Việt Nam đăng ký kiểm tra sản xuất để XK mật ong, trong khi trên thực tế, hiện nay con số hội viên của Hiệp hội đăng ký đã lên tới 45. Điều này khiến Hội rất khó khăn trong việc giải trình với các cơ quan quản lý của Mỹ và EU khi có sự sai khác lớn.
Sẽ dừng những quy định cản trở DN
Liên quan tới những quy định còn bất hợp lý nêu trên, tại buổi Diễn đàn đối thoại DN ngành nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, ông Phạm Văn Đông-Cục trưởng Cục Thú y cho biết, riêng với sản phẩm mật ong, năm 2007 phía EU đã dừng NK mật ong của Việt Nam do liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm.
Sau nhiều năm nỗ lực từ phía Việt Nam, năm 2012, EU đã đồng ý mở cửa trở lại cho mặt hàng này, song cũng đã đưa ra rất nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến việc kiểm dịch thực vật, kiểm tra, giám sát các chất tồn dư có trong mật ong định kỳ 2 lần/năm.
Tới đây, Cục Thú y cũng sẽ cho rà soát lại toàn bộ công tác kiểm dịch thực vật đồng thời sẽ có kiểm tra cụ thể xem địa phương nào đã không thực hiện đúng quy định để đưa ra biện pháp xử lý thích hợp.
Khá bức xúc trước khó khăn của DN ngành ong, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, với việc kiểm dịch đàn ong, cán bộ kiểm dịch chỉ thông qua mắt thường thì không thể nhận biết được con nào có nhiễm vi khuẩn, virus, vì vậy yêu cầu phải dừng ngay thủ tục này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị Cục Thú y nghiêm túc cầu thị và tiếp thu các thông tin mà DN phản ánh để rà soát lại toàn bộ các văn bản đã ban hành, qua đó xóa bỏ những thủ tục không cần thiết, hình thức gây khó cho DN, tạo thêm rào cản XK cho mặt hàng mật ong giàu tiềm năng.
Có thể bạn quan tâm
Hiện tại, giá cá tại các chợ trên địa bàn xã Vĩnh Xương như: cá chốt giấy, cá rô đồng có giá từ 60.000 – 80.000đ, cá Mè Vinh có giá từ 50.000đ – 60.000đ. Nhờ vậy, mà các hộ làm nghề đánh bắt thủy sản cũng có thêm thu nhập cao ở lúc cuối lũ, bình quân mỗi ngày các hộ này, có thu nhập từ 150.000đ trở lên, qua đó góp phần năng cao đời sống của người dân vùng lũ đầu nguồn Tân Châu hiện nay.
Tại Hội nghị Xúc tiến thương mại, đầu tư nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL trong khuôn khổ MDEC - Sóc Trăng 2014, tỉnh Tiền Giang kêu gọi đầu tư vào 5 dự án nông nghiệp, nông thôn với số tiền 1.000 tỷ đồng.
Tiền Giang nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có nhiều lợi thế phát triển vùng cây ăn trái. Để tạo bước chuyển biến, tỉnh ta đã xác định 7 loại trái cây đặc sản cần khuyến khích đầu tư phát triển và đã hình thành các vùng chuyên canh như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công, khóm Tân Phước.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): 9 tháng năm 2014, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt gần 2,94 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ. Đến cuối năm, dự báo xuất khẩu tôm sẽ đạt mức 3,8 tỷ USD.
Những ngày này, trên các cánh đồng lúa, đồng bào dân tộc thiểu số của xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đang khẩn trương bước vào mùa thu hoạch lúa lai. Vụ này, bà con ở đây đã chú trọng đưa vào gieo cấy các loại giống lúa lai nên đã đem lại năng suất cao và chất lượng gạo thơm, ngon.