Xuất Khẩu Khoai Mì Mơ Về Mốc 2 Tỉ Đô La
Hiện sản phẩm từ sắn (khoai mì) và tinh bột khoai mì của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn thế giới và đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường khó tính. Vì thế, nếu có chiến lược đúng đắn, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp này có thể đạt 2 tỉ đô la Mỹ.
Hiệp hội Sắn Việt Nam đã đưa ra thông tin và dự báo trên vào ngày 19-6 khi hiệp hội được thành lập và tiến hành thông qua điều lệ hoạt động.
Theo ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, hiện thị trường xuất khẩu khoai mì và sản phẩm từ khoai mì của Việt Nam chủ yếu là các thị trường châu Á, trong đó, các thị trường chính bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc….
Tuy nhiên, với hơn 100/300 nhà máy chế biến tinh bột khoai mì đạt tiêu chuẩn quốc tế và nếu Việt Nam mở rộng thị trường sang các nước châu Âu, Mỹ thì kim ngạch xuất khẩu có thể đạt được 2 tỉ đô la Mỹ/năm.
Hiện Việt Nam có 560.000 héc ta trồng khoai mì các loại, tổng sản lượng đạt gần 9,4 triệu tấn/năm. Theo đó, ngoài việc dùng để đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, phần còn lại làm nguyên liệu dùng cung cấp cho 6 nhà máy sản xuất ethanol để sản xuất xăng sinh học đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Theo đề án phát triển nguyên liệu ethanol sinh học, đến năm 2015, Việt Nam cần 750 triệu lít ethanol, (E10- tỷ lệ 10% ethanol có trong xăng) tương đương 4,2 triệu tấn khoai mì tươi, để đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất và vận tải của cả nước.
Tuy nhiên, do khó khăn kinh tế nên một số nhà máy sản xuất ethanol vẫn chưa đi vào hoạt động, một số khác càng sản xuất càng lỗ nên sản phẩm khoai mì lát, tinh bột hiện chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Á.
Ông Lạng cho biết, do một số nhà máy sản xuất ethanol chưa đi vào hoạt động hoặc mới hoạt động, nhu cầu sử dụng khoai mì để sản xuất ethanol không nhiều nên doanh nghiệp buộc phải tìm đơn hàng xuất khẩu và nhiều cơ hội vẫn đang mở ra cho họ.
"Hiện nhu cầu tiêu thụ khoai mì và sản phẩm từ khoai mì còn rất lớn nên các doanh nghiệp không sợ thiếu đơn hàng để xuất khẩu", ông Lạng nói.
Hiện Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu khoai mì và sản phẩm từ khoai mì chỉ sau Thái Lan.
Năm 2012, Việt Nam xuất hơn 4,2 triệu tấn khoai mì và sản phẩm từ khoai mì với giá trị thu về là 1,35 tỉ đô la mỹ, tăng hơn 57% về lượng và gần 41% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Thị trường chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan…
Trong 5 tháng đầu năm 2013 Việt Nam đã xuất khẩu 1,88 triệu tấn khoai mì và sản phẩn từ khoai mì với giá trị 587 triệu đô la Mỹ, giảm 21% về lượng và hơn 16% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.
Theo Tổng cục Hải qua hiện có ba mặt hàng nông lâm thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ đô la tính đến hết ngày 15-5 là thủy sản với gần 2 tỉ đô la Mỹ, cà phê gần 1,4 tỉ đô la Mỹ và gạo là hơn 1,12 tỉ đô la Mỹ
Có thể bạn quan tâm
Là một nước nhiệt đới, đặc biệt là ở khu vực miền Tây Nam bộ, vùng đất trù phú với những vườn cây ăn trái quanh năm, Việt Nam sở hữu nhiều loại hoa quả mà ít nước có được.
Điệp khúc giá mía thấp nên người dân chưa muốn bán, thương lái đang có dấu hiệu mua cầm chừng cứ lập lại, trong khi nhiều diện tích mía đã bị ngập nước và theo dự báo thì đỉnh lũ năm nay sẽ xuất hiện vào khoảng giữa tháng 11 tới. Do đó, nguy cơ vùng mía ngập lũ ở huyện Phụng Hiệp sẽ tiếp tục chịu thiệt hại nếu như không có giải pháp hiệu quả trong lúc này.
Trong khi đầu tư nước ngoài của cả nước có xu hướng tăng, thì dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp lại quá nhỏ về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng đầu tư nước ngoài của cả nước. Điều này đang đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng dài hạn để thu hút vốn FDI.
Là một trong những địa bàn trọng điểm nuôi thuỷ sản của tỉnh, thời gian qua, UBND huyện Giao Thủy đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển thuỷ sản của tỉnh giai đoạn 2010-2020 và đạt kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế biển nói riêng và kinh tế - xã hội huyện nói chung.
Khi nói về kết quả nghề nuôi cá ở địa phương, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê cho biết: Hiện nay Tuy Lộc có gần 100ha chuyên nuôi thủy sản, chủ yếu chuyển đổi từ đất ruộng sang làm ao nuôi, bà con áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến nên cho năng suất bình quân gần 3 tấn/ha.