Xuất Khẩu Gạo Thơm Sôi Động

Nhu cầu mua của khách hàng tăng, nguồn cung trong nước hạn chế, lợi thế cạnh tranh về giá so với Ấn Độ và Thái Lan được xác định là những yếu tố giúp xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam sôi động trở lại trong thời gian gần đây.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 3-7, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (tỉnh Bến Tre), cho biết gần đây tình hình xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam sôi động hẳn lên.
Theo ông Tuấn, sau khi sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2013 do chất lượng gạo thơm của Việt Nam thấp, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu đã đẩy mạnh kiểm soát chất lượng nên giúp họ bán ra được nhiều hơn và với giá cao hơn.
“Hồng Kông, Singapore và một số nước châu Phi là những thị trường đang có nhu cầu mạnh về gạo thơm của Việt Nam. So với Ấn Độ và Thái Lan, gạo thơm Việt Nam có giá cạnh tranh hơn nên thu hút được nhiều khách hàng”, ông Tuấn cho biết.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (thành phố Cần Thơ) - một doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm lớn của ĐBSCL, cho biết nếu như quí 1-2013 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp chỉ đạt 8 triệu đô la Mỹ, thì sang quí 2 tăng lên gấp đôi.
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), hiện gạo thơm được các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chào bán với giá dao động khoảng 525 - 535 đô la Mỹ/tấn, tăng 50 - 60 đô la Mỹ/tấn chỉ trong 20 ngày qua. Tuy nhiên, mức giá này của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều (khoảng 540 đến 995 đô la Mỹ/tấn) so giá chào xuất khẩu gạo thơm Hom Mali của Thái Lan (1.065 - 1.075 đô la Mỹ/tấn) và Basmati của Ấn Độ (1.515 - 1.525 đô la Mỹ/tấn).
Ông Bình của Trung An cho biết, riêng doanh nghiệp của ông hiện xuất bán gạo thơm Jasmine sang các thị trường như Singapore, Maylaysia, Hồng Kông…, với giá 580 - 600 đô la Mỹ/tấn.
Về diễn biến tình hình trong nước, bà Ngô Ngọc Yến, chủ đại lý gạo Yến Ngọc tại quận Tân Phú, TPHCM và là thương nhân chuyên mua gạo tại chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, cho biết so với cách đây nửa tháng, giá lúa, gạo thơm tăng khoảng 400 - 600 đồng/kí lô gam.
Cụ thể, lúa thơm Jasmine và OM 4900 hiện có giá 5.000 - 5.200 đồng/kí lô gam đối với lúa tươi. Gạo thơm nguyên liệu Jasmine và OM 4900 có giá 8.500 - 8.700 đồng/kí lô gam và 10.000 - 10.200 đồng/kí lô gam đối với gạo thành phẩm, tăng 400 - 600 đồng/kí lô gam so với mức giá cách nay nửa tháng.
Theo Ủy ban chính sách gạo quốc gia Thái Lan (NRPC), quốc gia này tiếp tục kéo dài chương trình mua lúa trợ giá cho nông dân đến ngày 15-9-2013 tới, thay vì kết thúc vào ngày 1-7-2013. Riêng tại khu vực miền Nam Thái Lan - khu vực trồng lúa lớn nhất tại quốc gia này sẽ kéo dài đến ngày 30-11-2013.
Theo đó, giá mua cho nông dân đối với lúa thường vẫn được duy trì ở mức 15.000 baht/tấn (tương đương 490 đô la Mỹ/tấn), thay vì 12.000 baht/tấn (tương đương 390 đô la Mỹ/tấn).
Có thể bạn quan tâm

4 năm trở lại đây, hơn 100 hộ dân thôn Na Pô, xã Na Khê (Yên Minh) đã bỏ ra số tiền lên đến gần 3 tỷ đồng để thuê máy xúc mở mới hơn 25 ha ruộng bậc thang; đây được coi là sự đầu tư dài hạn cho phát triển nông nghiệp của người dân Na Pô.

Trong đó sản lượng nuôi nước lợ đạt 693 tấn, gồm tôm các loại 631 tấn, các loại thủy sản khác 61 tấn. Sản lượng nuôi nước ngọt đạt 429 tấn, gồm cá các loại 426 tấn, thủy sản khác 3 tấn... Nhìn chung sản lượng các loại thủy sản đều đạt và vượt so với cùng kỳ.

Những ngày qua, hàng loạt ngư dân trong tỉnh An Giang lao đao vì thời tiết giao mùa, cá chết hàng loạt. Cơ quan chức năng của tỉnh đã đưa ra nhiều khuyến cáo hướng dẫn ngư dân cách phòng ngừa và làm hạn chế thiệt hại… Song, tình trạng cá chết do nguồn nước ô nhiễm vẫn chưa dừng lại.

Với diện tích 1.613 ha cà phê, trong đó diện tích cà phê kinh doanh là 1.410 ha, nhưng phần lớn đã già cỗi cho năng suất thấp, khiến cho thu nhập của người dân ngày càng giảm.

50 trang trại chăn nuôi bò sữa, sản xuất tối thiểu 7 triệu kg sữa mỗi năm và tạo ra 345 việc làm. Mỗi trang trại chăn nuôi sau năm năm tham gia dự án sẽ có đàn bò sữa đạt quy mô từ 50-80 con, có đất trồng cỏ và bắp để cung cấp đủ thức ăn cho đàn bò. FrieslandCampina bảo đảm tiêu thụ sản phẩm sữa tươi nguyên liệu với mức giá cạnh tranh trên thị trường.