Xuất Khẩu Cá Tra Sang Mỹ Tăng Giá Bán Để... Tránh Bị Kiện

Sau khi Mỹ công bố mức thuế trong đợt xem xét thứ 9 vụ kiện chống bán phá giá cá tra Việt Nam (POR9) hôm 1.4, giá các sản phẩm này xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã tăng nhẹ.
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ bằng cách tăng giá bán, sản phẩm cá tra Việt Nam mới có thể mức thoát thuế chống bán phá giá cao tại Mỹ.
Có thể tăng 30 - 40%
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ đầu tháng 4 đến nay, giá cá tra bán lẻ tại Mỹ đã tăng thêm 15 cent. Trung bình, giá cá tra Việt Nam tại Mỹ 2 tháng đầu năm đạt mức 2,93USD/kg. Còn theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ từ đầu năm đến giữa tháng 3.2014 đạt giá trị hơn 73,1 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trao đổi với NTNN, luật sư Ngô Quang Thụy – người từng đại diện các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ cũng cho rằng, sau khi Mỹ công bố kết quả cuối cùng POR 9, giá cá tra Việt Nam tại thị trường này đã tăng thêm 10%, lên mức 3,42 - 3,53 USD/kg.
Tuy nhiên, mức giá này hiện vẫn còn thấp so với tiềm năng vốn có của cá tra. “Theo tôi, để tránh mức thuế chống bán phá giá cao, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nước ta có thể tăng thêm 30% - 40%, tức lên mức khoảng 1,85 - 2,25 USD/pound, tương đương 3,7 – 4,5USD/kg” - luật sư Thụy nhận xét.
Ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX Thới An (Cần Thơ) cũng cho biết, cùng với mức giá xuất khẩu, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… cũng đã tăng lên trên mức giá thành, hiện đạt 25.500 – 26.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân đã có thể thu lợi 2.000 – 2.500 đồng/kg.
Nhiều điều kiện để tăng giá
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cá tra Việt Nam có nhiều điều kiện để có mức giá cao tại thị trường Mỹ.
Bà Tô Thị Tường Lan- phụ trách ngành hàng cá tra của VASEP cho biết, trong 1,2 triệu tấn cá nguyên liệu năm nay, có khoảng 900.000 tấn đã có hợp đồng bao tiêu với các nhà máy chế biến, chỉ còn lại khoảng 300.000 tấn cá do các hộ nuôi nhỏ, lẻ, chưa có đối tác tiêu thụ.
Luật sư Ngô Quang Thụy cho rằng, so với các loại cá da trơn khác tại thị trường Mỹ hiện nay, cá tra Việt Nam có nhiều điều kiện để tăng giá bán. Cụ thể, Việt Nam độc quyền về chất lượng sản phẩm cá tra thịt trắng tại Mỹ so các nước khác xuất khẩu vào đây.
“Phẩm chất cá tra Việt Nam ngon hơn, được thị trường ưa chuộng hơn là những điều kiện tốt để tăng giá bán” - luật sư Thụy phân tích. Còn theo một số doanh nghiệp vừa tham gia Hội chợ thủy sản Bắc Mỹ 2014 tại thành phố Boston (bang Massachusetts, Mỹ), có khả năng đến cuối năm dự trữ cá tra tại thị trường này sẽ giảm, đồng thời nhu cầu đối với cá tra tại thị trường này sẽ tăng hơn.
Tuy nhiên, theo luật sư Thụy, dù có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng việc tăng giá sản phẩm tại thị trường Mỹ có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào sự hợp tác giữa các doanh nghiệp.
“Tính ra, nếu tăng thêm 30%, giá bán cá tra vẫn thấp hơn nhiều so với mức 5,99 USD/pound cá da trơn filê do Mỹ sản xuất bán cho người tiêu dùng nước này. Tuy nhiên, để thực hiện được doanh nghiệp Việt Nam phải hợp tác, đồng lòng với nhau” - ông Thụy nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm

Đến với đồng bào vùng cao Ba Tơ, sẽ được nghe kể nhiều về những người phụ nữ rất đỗi bình dị nhưng lại có tấm lòng nhân hậu, trong sáng nguyên sơ như suối ngàn. Những việc làm không tư lợi của họ đã giúp ích cho mình, cho đời. Họ xứng đáng là tấm gương sáng nơi đại ngàn Ba Tơ.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) mục đích chính là đổi mới diện mạo nông thôn và nâng cao thu nhập, mức sống cho nông dân và chính họ là chủ thể của chương trình này. Tuy nhiên, không ít vùng quê gặp nhiều khó khăn trong đóng góp xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là góp công sức làm các công trình dân sinh, do nhiều thanh niên đã rời làng đi làm ăn xa…

Phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng đang được đẩy mạnh ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị đất sản xuất.

Còn vài ngày nữa thì nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ bước vào thu hoạch mía chính vụ của niên vụ 2015-2016 (theo lịch của UBND tỉnh). Tuy nhiên, dựa vào tình hình thực tế trong vụ mía năm nay, các nhà máy đường khu vực ĐBSCL dự đoán, nhiều khả năng sẽ “đói” mía nguyên liệu trong quá trình sản xuất.

Các nhà máy đường ở ĐBSCL đang bước vào niên vụ mía 2015-2016. Tuy nhiên, trước giờ “nổ máy” đã xuất hiện những bất nhất ngay trong nội bộ các nhà máy. Những dấu hiệu tranh luận về chữ đường, thời gian vào vụ cho thấy sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt trong vụ sản xuất này khi diện tích mía trong vùng sụt giảm ở mức độ báo động!