Ứng dụng quản trị chuỗi cung ứng thủy sản mang lại lợi nhuận và nâng cao chất lượng sản phẩm
Lợi nhuận đang nghiêng về chủ vựa
Chuỗi cung ứng thủy sản là mối liên kết giữa ngư dân khai thác thủy sản với người thu mua hải sản (chủ vựa) và cuối cùng là các DN chế biến thủy sản. Theo quy trình hiện nay, các sản phẩm thủy sản của ngư dân đánh bắt được đều được các chủ vựa bao tiêu ngay từ khi vào bờ.
Việc bán các sản phẩm khai thác thường theo phương thức thỏa thuận miệng và bán xô. Sau đó, các chủ vựa bán lại cho các DN chế biến hải sản. Mặc dù có mối quan hệ tương hỗ với nhau, nhưng lợi nhuận phân phối cho các đối tượng tham gia có sự chênh lệch lớn trong chuỗi. Chủ vựa là đối tượng trung gian có sức thâu tóm lớn trong chuỗi, chiếm phần lớn lợi nhuận toàn chuỗi, trong khi quy mô đầu tư thấp hơn các đối tượng còn lại.
Bà Phan Kim Luyến, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty xuất nhập khẩu thủy sản (Coimex) cho biết, hiện nay các mặt hàng thủy sản của đơn vị đều thu mua qua các chủ nậu vựa. Các sản phẩm của Coimex thu vào là các loại cá thịt trắng như: cá đổng, cá phèn… Công ty không thu mua trực tiếp từ ngư dân (vì không thể bao tiêu hết tất cả các sản phẩm ngư dân đánh bắt được) mà chỉ thu mua từ chủ vựa vì chọn được mặt hàng cần mua và bảo đảm tính ổn định.
Qua số liệu khảo sát chuỗi cung ứng chả cá (surimi) tại Công ty xuất nhập khẩu thủy sản (Coimex), sau khi trừ các khoản chi phí với thời gian khai thác bình quân ngoài biển 32 ngày/chuyến, mỗi kg sản phẩm thủy sản bán cho chủ vựa ngư dân kiếm lãi 55,67 đồng.
Trong khi đó, chỉ với việc thu mua và bán lại nguyên liệu cho các DN chế biến thủy sản, chỉ trong 1 ngày, các chủ vựa thu lợi nhuận 4.766 đồng/kg thủy sản. Cùng tham gia chuỗi cung ứng này, nhưng đơn vị chế biến như Coimex phải mất 11,84 ngày mới ra thành phẩm và lỗ 23,06 đồng/kg.
Tương tự, khảo sát lợi nhuận chuỗi cung ứng cá đông lạnh xuất khẩu của Công CP Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafood) cho thấy, để có được lợi nhuận 8,49 đồng/kg sản phẩm hải sản, ngư dân phải mất thời gian đánh bắt 32 ngày. Trong khi đó, chủ vựa chỉ mất 1 ngày đã thu lợi 232,49 đồng/kg khi bán lại cho Baseafood. Riêng đối với Baseafood, thời gian đến tay khách hàng tiêu thụ thành phẩm mất 54,4 ngày cho mỗi kg thành phẩm và lợi nhuận thu về chỉ đạt 27,66 đồng.
Từ 2 khảo sát trên cho thấy, lợi nhuận của ngư dân và DN chế biến thủy sản bị ảnh hưởng do thời gian đánh bắt và lưu kho kéo dài dẫn đến tăng chi phí, làm giảm đi lợi nhuận. Vì vậy, để tăng lợi nhuận cần rút ngắn thời gian khai thác và tồn kho trong chuỗi cung ứng, đồng thời sẽ hạn chế các sản phẩm kém chất lượng.
Những giải pháp cần điều chỉnh chuỗi cung ứng
Thạc sĩ Đỗ Thanh Phong, Trường đại học BR-VT cho biết, qua phân tích quản trị chuỗi cung ứng chả cá surimi tại Công ty CP thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) và thực trạng quản trị chuỗi cung ứng bạch tuộc đông lạnh, cá đông lạnh, cá chỉ vàng khô nội địa của Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu Thủy sản tỉnh BR-VT (Baseafood) cho thấy, các đối tượng trong chuỗi: ngư dân, chủ vựa, DN chế biến thiếu tính liên kết.
Bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế như: thời gian tồn kho nhiều; lợi nhuận ngư dân thu được thấp trong khi phải tốn nhiều thời gian khai thác; khả năng truy xuất nguồn gốc nguyên liệu chỉ đến được chủ vựa. Trong bức tranh tổng thể chuỗi cung ứng, chủ vựa là thành phần chi phối hoạt động của chuỗi, còn ngư dân và DN đều phụ thuộc vào chủ vựa. “Từ tình hình thực trạng trên, việc ứng dụng giải pháp ứng dụng quản trị vào chuỗi cung ứng là cần thiết”, Thạc sĩ Đỗ Thanh Phong nhấn mạnh.
Theo chuỗi cung ứng về thủy sản, giải pháp giảm thời gian thực hiện của chuỗi là yêu cầu đầu tiên để giảm chi phí. “Để thực hiện điều đó, DN chế biến cần phải liên kết với lực lượng thu mua trên biển để rút ngắn thời gian vận chuyển nguyên liệu trong quá trình khai thác. Bản thân các DN cần rút ngắn thời gian và số lượng lưu kho nguyên liệu, thành phẩm”, Tiến sĩ Trần Trọng Khuê, Viện phát triển bền vững vùng Nam bộ cho rằng đây là giải pháp hiệu quả nhất trong chuỗi.
Tiến sĩ Lê Tấn Bửu, Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, mục đích cuối cùng của kinh doanh là lợi nhuận, nên khi áp dụng quản lý chuỗi cung ứng sẽ hạn chế được rủi ro. Tự chủ được và dự báo được giá mua nguyên liệu và giá bán sản phẩm sẽ bảo đảm lợi nhuận để an tâm sản xuất.
Vì vậy, việc đề xuất Công ty chế biến bán cổ phần ưu đãi cho các chủ vựa, ngư dân tiềm năng và đưa ra những lợi ích và chính sách hấp dẫn để cuốn hút họ mua cổ phiếu là một ý tưởng hay. Việc các chủ vựa, ngư dân mua cổ phiếu sẽ giúp cho các thành phần trong chuỗi trở thành một chuỗi thống nhất, hoạt động vì lợi ích của nhau. Đồng thời sẽ giúp cho DN chủ động trong nguồn nguyên liệu, loại bỏ được thời gian tồn kho; giúp cho ngư dân có được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng.
PGS, TS Nguyễn Minh Đức, Trưởng bộ môn quản lý và phát triển nghề cá Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh:
Bảo đảm được việc truy xuất nguồn gốc thủy sản
Việc áp dụng quản lý chuỗi cung ứng thủy sản rất cần thiết đối với các DN xuất khẩu thủy sản nói chung và các DN xuất khẩu nói riêng. Hiện nay, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của tỉnh BR-VT có mặt ở các thị trường khó tính như Nhật, châu Âu. Áp dụng chuỗi quản lý cung ứng thủy sản sẽ tăng sức cạnh tranh cho nguồn hàng xuất khẩu vì bảo đảm được việc truy xuất nguồn gốc.
Để thực hiện điều này, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn GS1 để truy nguyên xuyên suốt chuỗi cung ứng sản phẩm. Bên cạnh đó, cần đào tạo việc gắn mã vạch và nhật ký khai thác dưới dạng nhập cơ sở dữ liệu đơn giản cho ngư dân thực hiện. Hướng dẫn ngư dân cách bảo quản các sản phẩm khai thác trong các kết có gắn mã vạch về thông tin sản phẩm khai thác được.
Xây dựng trung tâm thu mua và phân loại các sản phẩm thủy sản của ngư dân, trong đó áp dụng máy móc và áp dụng mã vạch về thông tin phân loại sản phẩm. Cùng với đó là xây dựng kho lạnh cho toàn tỉnh ứng dụng công nghệ mã vạch quản lý để nâng cao chất lượng trong quá trình bảo quản thành phẩm hoặc nguyên liệu.
Nếu giải pháp này được áp dụng trong thực tiễn, các DN chế biến thủy sản sẽ kiểm soát truy nguyên nguồn gốc toàn bộ quá trình từ khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu về chất lượng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm thủy sản chế biến và phát hiện, xử lý tận gốc tình hình nhiễm kháng sinh và hóa chất cấm sử dụng trong sản phẩm thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
Khởi nguồn từ sáng kiến của những nông dân HTX Hợp Thịnh (Vĩnh Phúc) trồng ngô đông bằng bầu trên nền đất ướt, vụ ngô đông ở miền Bắc mở ra có thời điểm lên tới trên 150.000 ha.
Ngày 21/11, Trạm thú y huyện Diễn Châu đã tiến hành tiêu hủy 2.600 con gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong lộ trình thực hiện cải cách hành chính, lâm nghiệp là lĩnh vực đầu tiên trong ngành NN-PTNT hoàn thành việc xây dựng và thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC).
Sau hơn 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bình Phước giảm hẳn.
Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã tổ chức tuyên dương các nông dân xuất sắc, trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông” lần thứ nhất và giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ hai.