Xuất Hiện Nhiều Dịch Bệnh, Sâu Hại Mới

Gần đây, tại một số tỉnh phía Nam xuất hiện nhiều dịch bệnh gây hại mới như bệnh đốm trắng trên thanh long, sâu đục trái bưởi, rệp sáp hồng hại sắn (khoai mì)..., làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.
Lây lan nhanh
TS Lê Văn Vàng – Trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, nhiều vườn bưởi tại Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ… đang phải đối mặt với tình trạng sâu đục trái ngày càng nghiêm trọng, có vườn bị gây hại nhẹ, khoảng 5%, có vườn bị ảnh hưởng tới 100% số trái. Cũng theo ông Vàng, khảo sát trên gần 27.500ha trồng bưởi thì có đến hơn 13.160ha nhiễm sâu đục trái, chiếm 48%.
TS Hồ Văn Chiến – Giám đốc Trung tâm BVTV Phía Nam cũng cho biết, sâu đục trái bưởi thường đẻ trứng trên trái non. Khi ấu trùng nở, chúng có thể đục vào trái bưởi, ăn phá vỏ trái, rồi đến phần thịt trái. Tại 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), bệnh đốm trắng đang bùng phát mạnh, tốc độ lây lan nhanh với khoảng 1.500ha thanh long bị nhiễm bệnh.
Ông Chiến cho biết thêm, bệnh đốm trắng lây lan nhanh hơn trong mùa mưa khi ẩm độ cao, vườn kém thông thoáng, đặc biệt là ở những vườn dùng nhiều phân đạm và chất kích thích sinh trưởng. Ngoài ra, bọ vòi voi hại dừa, chổi rồng trên nhãn, sâu đục củ khoai lang, rệp sáp hồng hại sắn (khoai mì)… cũng đang là những đối tượng gây hại mới khiến nhiều ruộng, vườn cây của nông dân ĐBSCL bị thiệt hại nặng.
Chưa tìm ra thuốc đặc trị
Dù đang gây hại trên nhiều vườn cây với tốc độ lây lan nhanh, nhưng đến nay ngành chức năng vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị những loài sâu, bệnh mới này. Tại nhiều vườn cây ăn trái vùng ĐBSCL, bà con đã tự động phun thuốc không theo hướng dẫn của ngành BVTV, làm ảnh hưởng đến những đối tượng khác trong vườn cây, gây ô nhiễm môi trường…
Ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) vừa yêu cầu Chi cục BVTV các tỉnh xây dựng mô hình trình diễn dựa trên những kết quả nghiên cứu ban đầu của các viện, trường để hạn chế thiệt hại do sâu, bệnh mới gây ra; yêu cầu Trung tâm Kiểm định thuốc BVTV xác định gốc thuốc phòng trừ hiệu quả từng loại sâu hại.
Để giảm thiểu sự lây lan của sâu đục trái, Trung tâm BVTV Phía Nam khuyến cáo bà con nông dân cắt bỏ cành, trái đã bị nhiễm bệnh rồi chôn hoặc bỏ vào túi nylon, buộc kín miệng rồi xử lý bằng nước vôi tỷ lệ 0,1%, đồng thời sử dụng tinh dầu sả để xua đuổi bọ trưởng thành, chiếu sáng và tưới nước vào ban đêm để hạn chế sự sinh sôi của sâu mẹ. Bà con cũng có thể phun một trong các loại thuốc trị bệnh phổ rộng có hoạt chất là Benomil, hoặc Cabrio Top 600WDG..., nếu áp lực bệnh cao có thể phun định kỳ 5-7 ngày/lần để giảm thiệt hại.
Ông Cao Văn Hóa – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho rằng, trong khi chờ đợi kết quả cuối cùng từ ngành BVTV, bà con nên khơi thông mương máng, cân đối việc bón các loại đạm, lân, kali cho vườn cây để phòng bệnh, tuyệt đối không bón phân chuồng tươi.v
Có thể bạn quan tâm

Năm 1985, từ đống hoang tàn của một HTX, cái tên xã Thọ Văn xuất hiện trong danh sách địa chính huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Ra đời muộn nhất huyện, nghèo nhất huyện nhưng với cây sơn, “đứa con út” nay đã vươn vai thành người khổng lồ.

Chiều 12-6, tại cuộc tổng kết 6 tháng của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm, ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết hiện dịch tai xanh đã lan ra thêm 2 tỉnh mới, Lạng Sơn và Bạc Liêu.

Biên Hòa vừa ban hành văn bản yêu cầu ngừng hoạt động nuôi chim yến và thu hút chim yến làm tổ trên địa bàn toàn thành phố.

Tôm sú nguyên liệu ĐBSCL khan hiếm nhưng nhiều ngày qua giá tôm nguyên liệu liên tục giảm. Làm ra sản phẩm nhưng giá cả hoàn toàn lệ thuộc vào thương lái và các nhà máy chế biến tôm. Vừa thu hoạch 2 ao tôm diện tích 10.000m², sản lượng đạt hơn 8 tấn, ông Nguyễn Minh Đức, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) mất khoản lãi hơn 140 triệu đồng do giá tôm đang giảm

Xuất phát từ một vài hộ dân nuôi nai đạt hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2011 Hội Nông dân xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đứng ra thành lập câu lạc bộ nuôi nai nhằm tạo việc làm thêm, cải thiện kinh tế cho các hộ nông dân của xã. Đến nay, mô hình này đã bắt đầu phát huy hiệu quả đáng khích lệ.