Nông dân xuất sắc ĐBSCL đã tới Hà Nội, chuẩn bị cho lễ tôn vinh

Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các nông dân đều vui mừng vì những công lao, cống hiến của bản thân được các cấp Hội Nông dân quan tâm.
Các nông dân cho rằng rất vinh dự được đại diện những nông dân của địa phương ra Hà Nội nói lên những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng đến với các cấp lãnh đạo.
Nông dân Nguyễn Quốc Hùng đưa quà ra Hà Nội gửi tặng ban tổ chức lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015”.
Ông Cao Văn Tám, ngụ tại ấp Đông Hiển, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ cho biết, bản thân đã nhiều năm nghiên cứu, sáng tạo ra dàn máy vét bùn.
Dàn máy này đã được ông giới thiệu với các cơ quan chức năng, nhiều cuộc thi và được rất nhiều nông dân ở các địa phương vùng ĐBSCL đón nhận. Đến nay, thành quả này đã được tôn vinh.
Ông Tám nói: “Sự kiện này đã khuyến khích tôi và rất nhiều nông dân khác tích cực học tập, sản xuất giỏi hơn, tốt hơn, giúp ích nhiều hơn cho xã hội.
Dù vốn sản xuất ban đầu còn ít, sản phẩm bán ra chưa nhiều nhưng tôi sẽ cố gắng mở rộng quy mô trong thời gian tới”.
Ông Nguyễn Thanh Hải (ngụ ở ấp 2B, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) cho hay, thời gian qua, bản thân đã lớn tuổi, học vấn còn hạn chế nên không giúp ích được gì cho xã hội.
Khi thấy học sinh địa phương không có trường học, ông đã hiến ngay 1ha đất cho chính quyền địa phương xây trường trung học cơ sở và trụ sở nhà văn hoá.
“Tôi hy vọng, với sự hỗ trợ của tôi, những thế hệ trẻ sau được học hành thành tài, giúp ích nhiều cho xã hội” – ông Hải tâm sự.
Cũng như ông Tám và ông Hải, ông Đặng Văn Nám (ấp kinh giữa 2, xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) nói:
“Tôi vô cùng phấn khởi khi được chọn là nông dân xuất sắc của tỉnh Sóc Trăng năm 2015, chuyến đi này sẽ giúp tôi mở rộng tầm nhìn, giúp tôi được gặp nhiều bạn bè là nông dân xuất sắc trên cả nước để học hỏi thêm kinh nghiệm, biết thêm nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao để về giới thiệu lại cho bà con tỉnh Sóc Trăng”.
Về chuyến bay ra Hà Nội tham dự lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015”, ông Nguyễn Quốc Hùng – nông dân sản xuất lúa giống chất lượng cao ở huyện Thoại Sơn (An Giang) chia sẻ:
“Tôi rất cám ơn T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức chương trình này.
Qua đây, tôi xin hứa sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để nghiên cứu, lai tạo ra nhiều giống lúa có chất lượng hơn phục vụ cho bà con vùng ĐBSCL…”.
Có thể bạn quan tâm

Do suy giảm nguồn cung nên cá hồi tại thị trấn Sa Pa tăng giá khoảng 40-50 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân là do hai cơ sở nuôi và cung ứng cá hồi, cá tầm lớn nhất ở Sa Pa bị thiệt hại nặng trong trận lũ quét vừa qua.

Kinh nghiệm các nước trong khu vực, địa phương có cơ sở nuôi chim yến và các doanh nghiệp cho thấy cần thiết có quy hoạch để phát triển bền vững đồng thời đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh.

Đối với vết hại cục bộ ở phần thân gốc thì cần cạo sạch vết bệnh, dùng thuốc ALIETTE với nồng độ 0,5% quét vào vết bệnh. Đối với những cây có bệnh nhẹ thì cần phun ALIETTE với nồng độ 0,3% lên toàn bộ thân cây. Cần chú ý đào rãnh thoát nước tốt cho vườn cây, tránh tình trạng ngập úng cục bộ.

Nhằm nâng cao ý thức cho người nuôi tôm trong việc sử dụng tôm giống qua xét nghiệm, góp phần hạn chế dịch bệnh, đề án xét nghiệm bệnh tôm miễn phí cho hộ nghèo và cận nghèo được triển khai hơn 1 năm qua.

Trung tâm khuyến nông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với Công ty Bunge (Hoa Kỳ) thí điểm trồng cây đậu nành thay thế cây bắp tại xã Đá Bạc (H.Châu Đức). Đến thời điểm này, mô hình này đã mang lại hiệu quả bước đầu cho bà con nông dân trong xã.