Xót xa đầu tư nhà nước, ăn vốn niềm tin của dân
Một hạng mục của dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai đang có dấu hiệu bị gỉ sét sau nhiều năm “đắp chiếu”
Đọc bài báo “Nhà máy 8.100 tỉ thành đống sắt gỉ” trên Tuổi Trẻ mà tôi thấy thật xót xa, bởi khoản đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng có nguy cơ dễ dàng trôi “theo dòng nước”.
Vẫn là những vấn đề cũ đằng sau con số khổng lồ này: đó là dễ dàng điều chỉnh hợp đồng tăng thêm vì tính toán ban đầu chưa chính xác, những điều khoản hợp đồng quá bất lợi cho chủ đầu tư hay việc thực hiện hợp đồng quá hào phóng cho nhà thầu mà người ta khó tìm thấy ở những dự án đầu tư tư nhân...
Nhưng tốn kém lãng phí không chỉ là con số 8.100 tỉ đồng này.
Đó còn là chi phí cơ hội nếu những đồng tiền đó được dùng đúng nơi, đúng chỗ; đó còn là chi phí nhân lực, thời gian tốn kém của bộ máy nhà nước để thanh tra, kiểm toán, để họp hành phê duyệt, rút kinh nghiệm đủ mọi cấp, từ cấp cao nhất đến cấp công ty.
Và quan trọng nhất, nó đang ăn “vốn niềm tin” của người dân vào hiệu quả hoạt động của những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và những con số về chi tiêu công hay gánh nặng nợ công.
Một chủ doanh nghiệp tư nhân đã nói với tôi rằng đa số DNNN hiện tại sẽ không bao giờ cạnh tranh được với doanh nghiệp tư nhân, bởi DNNN có xu hướng “luôn mua đắt hơn” và “luôn bán rẻ hơn” so với các doanh nghiệp tư nhân.
Và với cơ chế giám sát lỏng lẻo, trao quyền quá lớn, trách nhiệm phân tán, nên có nguy cơ những người ra quyết định mua hay bán trong DNNN đó sẽ dễ dàng gài cắm thêm lợi ích của cá nhân mình.
Vấn đề gốc rễ là chủ sở hữu của DNNN (là toàn dân về mặt lý thuyết hay là Nhà nước được ủy quyền) không có đủ động lực, năng lực, công cụ và phương tiện để giám sát chặt chẽ hoạt động của người đại diện vốn chủ sở hữu của mình.
Quy trình quyết định đầu tư, chấp thuận đầu tư... của DNNN hiện tại không xuất phát từ động cơ của một nhà đầu tư đích thực.
Những người ra quyết định đầu tư trong DNNN không phải trả những cái giá rất đắt như các nhà đầu tư tư nhân nếu đầu tư sai...
Việc giám sát đầu tư dù muốn cũng không thể thực hiện được khi thông tin hoạt động kinh doanh hay quyết định đầu tư của DNNN chưa được công khai.
Trong khi đó, lợi ích thu được từ những quyết định đầu tư có thể quá lớn, những tỉ lệ vài phần trăm, thậm chí hàng chục phần trăm giá trị hợp đồng mà người ra quyết định có thể được hưởng...
Cũng liên quan đến ngành thép, một bài báo của nhóm các tác giả thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đăng trên Tuổi Trẻ vào tháng 6-2015 đã phân tích về năm nguyên nhân thành công của Tập đoàn thép Posco và ngành thép của Hàn Quốc, một quốc gia xếp thứ ba thế giới về xuất khẩu thép dù họ không có quặng sắt.
Đó là: 1) Quyết định dũng cảm sử dụng công nghệ và chuyên gia Nhật Bản (được xem là hàng đầu thế giới) ngay cả khi quan hệ giữa hai nước vẫn rất nhạy cảm.
2) Áp dụng quản trị và điều hành như doanh nghiệp tư nhân.
3) Chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với các nước.
4) Có tinh thần doanh nhân dân tộc.
Và 5) Sự rút lui của nhà nước.
Trở lại với dự án đầu tư của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tổng công ty Thép Việt Nam), dường như chúng ta thấy mọi điều đang đối lập với bài học từ Tập đoàn thép Posco của Hàn Quốc.
Ngay cả khi xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của ngành thép Việt Nam thì sử dụng công nghệ và sự hỗ trợ từ Trung Quốc liệu có phải là sự lựa chọn khôn ngoan?
Người dân chỉ biết xót xa.
Không biết còn bao nhiêu dự án như vậy?
Bộ trưởng Bộ Công thương nói gì về dự án ngàn tỉ “đắp chiếu”?
Trong phiên chất vấn sáng 17-11 tại Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng về hai dự án có tổng giá trị hàng chục ngàn tỉ đồng đang “đắp chiếu” là dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên và Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng).
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói: “Lãng phí những dự án như tại Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ và vài dự án khác đã hơn 1 tỉ USD rồi, trong khi chúng ta đang tìm cách cố gắng vay 3 tỉ USD trong lúc luật chúng ta chưa cho phép.
Nhà máy gang thép Thái Nguyên 10 năm nay chưa xong, mỗi tháng mất 20 - 30 tỉ đồng tiền lãi.
Chúng tôi đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp rất gấp trong vấn đề này như thế nào? Làm gì để không thiệt hại thêm?”.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết năm 2014 Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ lỗ 1.000 tỉ đồng, nguyên nhân là do năng lực vận hành của công nhân hạn chế, chất lượng chưa đảm bảo, giá xơ sợi giảm, không cạnh tranh được với xơ sợi nhập khẩu, chi phí vận hành tăng lên.
Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí, yêu cầu rà soát lại thiết bị công nghệ an toàn, nâng cao tay nghề công nhân viên vận hành.
Tổ chức họp giữa Tổng công ty Dệt may và Tập đoàn Dầu khí, thống nhất là Tổng công ty Dệt may sẽ tiêu thụ 50% sản phẩm của nhà máy.
Khi giá xơ sợi của nhà máy cạnh tranh hơn thì sẽ mua nhiều hơn.
Kế hoạch năm 2015 là sẽ giảm lỗ 600 tỉ, năm 2016 sẽ cân đối thu chi.
Đối với dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên, ông Vũ Huy Hoàng cho biết trong quá trình triển khai gặp một số khó khăn, cụ thể là từ 2007 - 2011 chi phí xây lắp tăng cao, bình quân tăng 281%, tỉ giá ngoại tệ thay đổi từ 15.800 đồng/USD lên 21.000 đồng/USD.
Các chính sách thuế, tiền lương, ngân hàng có đột biến từ năm 2014 về trước.
Vừa qua, trên cơ sở chủ đầu tư báo cáo, Bộ Công thương chỉ đạo rà soát lại các khoản còn thiếu, giao VietinBank, SCIC thu xếp cho chủ đầu tư vay thêm khoản còn thiếu.
Đồng thời đàm phán lại với Tổng công ty Gang thép Trung Quốc, cuối tháng 11-2015 hai bên sẽ ký sửa đổi hợp đồng tổng thầu và tháng 3-2017 đưa vào chạy thử toàn bộ.
Có thể bạn quan tâm
Từ chỗ quanh năm chỉ biết đốt nương làm rẫy, một năm may ra chỉ đủ ăn từ 3 đến 5 tháng thì nay nhờ vào cây sắn mà cuộc sống của người dân vùng Lìa đã khởi sắc, không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà nhiều hộ đã làm giàu từ cây sắn trên vùng đất khó ngày nào.
Trong những ngày này, đến thôn Tân Trại I, xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh, Quảng Trị) chúng tôi chứng kiến không khí lao động thật sôi nổi, nhà nào cũng đầu tư trồng hồ tiêu. Bên cạnh việc thu mua cây choái bản địa, nhiều hộ còn ra tận Hà Tĩnh, Nghệ An để mua cây choái. Giá một cây choái hiện tại giao động từ 150 đến 180 ngàn đồng, cao gấp 10 lần so với 5 năm về trước nhưng vẫn được nông dân đầu tư.
Từ nay đến tháng 2-2015, Vinamilk sẽ nhập thêm 3.000 con bò sữa và đưa vào hoạt động thêm 4 trang trại công nghệ cao tại Tây Ninh, Hà Tĩnh và Thanh Hóa, dự kiến với tổng số 9 trang trại sẽ đáp ứng 40% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu trong nước.
Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc, chiếm 49,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc trong 8 tháng năm 2014 đã giảm 8% về lượng và giảm 21,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Theo ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, mô hình nuôi sò huyết xen tôm trên địa bàn huyện đang phát triển khá mạnh với 169 ha. Năng suất sò bình quân 6 tấn/ha, lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha.