Xoài Tết Mất Mùa, Nhà Vườn Kỳ Vọng Giá Bán Cao

Nhằm đáp ứng nhu cầu chưng mâm ngũ quả ngày tết và mong muốn bán được giá cao, nhiều nhà vườn trồng xoài trên địa bàn tỉnh đã tập trung xử lý cho xoài ra trái nghịch vụ để bán vào dịp Tết Ất Mùi năm 2015. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết nên năng suất vụ xoài năm nay bị giảm đáng kể, có không ít nhà vườn phải “lỗi hẹn” với mùa xoài tết trong sự tiếc nuối.
Những ngày này, đến thăm các vườn xoài của người dân trên địa bàn huyện Châu Thành A, nơi được xem là “tiểu vương quốc xoài cát Hòa Lộc” của tỉnh, thì ai nấy cũng đều lắc đầu và cảm thấy buồn vì vụ xoài tết năm nay thất bát chưa từng có.
Gặp chúng tôi bên vườn xoài của gia đình, ông Huỳnh Thanh Sơn, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn, âu sầu cho biết: “Gia đình tôi trồng được gần 3 công xoài cát Hòa Lộc, vụ tết năm rồi thu hoạch được hơn 1 tấn trái, trừ chi phí còn lãi hơn 20 triệu đồng. Còn năm nay, sản lượng chỉ được khoảng 500kg trái là cao, xem như gỡ gạc lại tiền phân, thuốc để xử lý”.
Giống với tình cảnh trên, anh Nguyễn Văn Út Nhỏ, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, cho hay: “Năm nay, sản lượng xoài tết của bà con nơi đây giảm đáng kể, chỉ có một số nhà vườn xử lý cho trái như mong muốn, còn lại xem như “lỗi hẹn” vụ tết”.
Nguyên nhân được các nhà vườn xác định là do thời tiết diễn biến thất thường, vào thời điểm bà con xử lý cho trái thì đúng ngay lúc thời tiết bất lợi khi xuất hiện nhiều trận mưa lớn, nhất là vào ban đêm nên tuy xoài có ra bông khá nhiều, nhưng tỷ lệ đậu trái rất thấp hoặc khi có trái được khoảng 10-15 ngày thì bị chín non rụng sớm, bị dịch hại tấn công, mỗi cây còn lại chỉ vài trái hoặc chỉ trơ các cuống hoa.
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện toàn tỉnh có khoảng 7.000ha xoài các loại, trong đó, xoài cát Hòa Lộc chiếm diện tích nhiều nhất, với khoảng 3.896ha, tập trung ở huyện Châu Thành A, Châu Thành, Phụng Hiệp… Những năm gần đây, do thị trường xoài tết có giá cao nên nhiều nhà vườn tập trung xử lý cho cây ra hoa vào khoảng giữa tháng 9 (âm lịch) để thu hoạch đúng vào dịp tết. Tuy nhiên, việc xử lý này cũng gặp nhiều may rủi.
Ông Huỳnh Thanh Sơn, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn, cho biết thêm: “Xoài trái vụ có giá cao gấp 2-3 lần so với xoài chính vụ. Tuy nhiên, để xử lý được xoài trái vụ không đơn giản, nhất là thời tiết phải nắng ráo, ít gió, không mưa lớn thường xuyên… Năm nay, cứ tưởng lại được vụ xoài “ngọt” như mọi năm, ai ngờ lại “chua” quá!”.
Do sản lượng xoài tết năm nay giảm nên hiện tại, thương lái đã bắt đầu tìm đến các nhà vườn có xoài để đặt tiền cọc và giá xoài cũng đang tăng lên trong những ngày gần đây. Hiện thương lái thu mua xoài tại vườn có giá 22.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với cách nay gần một tháng. Mặc dù giá xoài đang tăng lên nhưng nhiều nhà vườn vẫn chưa chịu bán và chưa muốn lấy tiền cọc trong lúc này.
Bởi theo kinh nghiệm của nông dân, mọi năm nếu hái xoài từ ngày 20 đến 28 tháng chạp, thì giá thường ở mức từ 30.000-35.000 đồng/kg và năm nay do nhiều vườn mất mùa nên khả năng giá xoài sẽ tăng hơn các năm trước. Ông Đinh Văn Phương, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, thông tin: “Hơn 3 tấn xoài tết (giống xoài cát Hòa Lộc) của gia đình dự kiến sẽ thu hoạch vào khoảng 20 tháng chạp.
Mấy ngày qua, cũng có nhiều thương lái đến đề nghị đặt tiền cọc trước với giá 40.000 đồng/kg nhưng tôi chưa chịu bán. Gia đình muốn để lại đến khi thu hoạch sẽ bán theo giá thị trường với hy vọng giá sẽ tăng thêm chút nào đỡ chút đó để bù lại năng suất giảm”.
Với lượng xoài khan hiếm như hiện nay, nhiều nhà vườn dự báo cận Tết Ất Mùi, có thể xoài cát Hòa Lộc sẽ vượt mức 40.000 đồng/kg và khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu cho, biếu, chưng mâm ngũ quả như mọi năm…
Có thể bạn quan tâm

Tính đến nay, trung tâm đã hỗ trợ 1.650 đĩa nấm và trên 5.600 bịch thành phẩm nấm xanh cho nông dân các huyện Vị Thủy, Long Mỹ và Phụng Hiệp, đạt 82,5% kế hoạch cấy. Với mô hình này, đã quản lý được hơn 1.120ha lúa để phòng trừ rầy nâu ở các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp, giúp nông dân nắm kỹ thuật sản xuất, cũng như sử dụng nấm xanh để quản lý dịch hại trên lúa.

Bệnh tập trung gây hại trên mía đẻ nhánh, vươn lóng. Bệnh trắng lá mía chưa có thuốc đặc trị, biện pháp hiệu quả nhất là phòng bệnh. Do vậy, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo nông dân: Đối với diện tích mía thời kỳ cây con, bị nhiễm bệnh nhẹ cần nhổ tiêu hủy và rắc vôi vào hốc cây bị bệnh để hạn chế lây lan.

Không ít nông sản đạt chứng nhận VietGAP nhưng vẫn bán với giá cả như sản xuất thường là một thực tế diễn ra tại rất nhiều hợp tác xã hiện nay. Nhưng đằng sau câu chuyện đầu ra, nhiều chuyên gia nhận định “cái được trước mắt là qua những buổi tập huấn làm theo quy trình, ít nhiều nông dân nhận thức được thế nào là sản xuất an toàn”.

Những năm qua, nông dân Sóc Trăng đã sử dụng giống lúa thơm dòng ST, đặc biệt là lúa ST5 đưa vào sản xuất với diện tích cao, trong đó có nhiều cánh đồng lớn sử dụng giống này. Do dễ trồng, cho năng suất và giá trị cao nên nhiều hộ nông dân khá lên nhờ trồng giống lúa được công nhận cấp Quốc gia này. Tuy nhiên, thời gian qua giá bán đã giảm nhiều, thậm chí nông dân còn không bán được lúa nên đã có nhiều nông dân bỏ sản xuất giống cấp Quốc gia.

Bí xanh giống Thiên Thanh 5 được cho là ít sâu bệnh, nếu trồng đúng kỹ thuật sẽ cho thu hoạch khoảng 1 tấn quả/sào. Với giá bán trên thị trường hiện nay từ 10 – 13 nghìn đồng/kg, người trồng bí sẽ thu hơn 10 triệu đồng/sào.