Gấu nuôi vỡ mật
Thời gấu… nuôi người
Những năm trước đây, nuôi gấu lấy mật được xem là nghề “thời thượng” của nhiều hộ gia đình ở Nghệ An. Thời điểm đó, người ta rỉ tai nhau về công dụng “thần dược” của mật gấu, được dùng pha rượu uống để chữa một số bệnh, điều trị các vết sưng phù do chấn thương… Có người nói vui, thời gian này “gấu nuôi người nuôi gấu”. Ở TP Vinh và nhiều làng quê ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương… các bảng quảng cáo bán mật gấu được treo khắp nơi. Giá mật lúc cao điểm lên tới 200.000 - 300.000 đồng/cc. Số liệu lưu trữ của Chi cục Kiểm lâm Nghệ An thể hiện, thời điểm năm 2005, tỉnh này có hơn 300 con gấu được gắn chip để quản lý, chưa kể một số hộ nuôi nhốt chui.
Ông Th. ở xã Lý Thành (huyện Yên Thành) kể, năm 2003 ông bỏ ra hơn 10 triệu đồng mua 2 gấu con. Nhờ chăm sóc tốt nên hai con gấu lớn rất nhanh, khỏe mạnh, cho lượng mật cao. Mỗi năm một con hút mật 3 lần, mỗi lần muốn lấy mật phải thuê người có chuyên môn, kinh nghiệm và máy chuyên dụng đến. Đầu tiên, gấu được tiêm thuốc mê, sau đó dùng máy dò xác định vị trí túi mật rồi thọc kim vào hút. Tiền công cho mỗi lần hút mật từ 1,2 - 1,5 triệu đồng. Trừ chi phí, bình quân mỗi tháng một con gấu cũng cho lãi 3 - 4 triệu đồng. Trong khi đó, ông N. ở xã Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu) cho biết: “Khoảng những năm 2001 đến 2010, mỗi ngày trung bình gia đình tôi bán được từ 5 - 7cc mật gấu. Với 1cc mật có giá thấp nhất khoảng 120.000 - 150.000đồng thì nuôi gấu mang lại cho gia đình tôi thu nhập đáng kể”.
Giá mật giảm - gấu chết dần
Huyện Quỳnh Lưu là địa phương có số gấu nuôi nhiều nhất ở Nghệ An. Năm 2005 huyện này có tới 150 con gấu được gắn chip theo dõi. Tuy nhiên, đến năm 2010 còn lại 76 con và đến năm 2014 chỉ còn 52 con. Ông N. (xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu) thở than: “Bây giờ 1cc mật gấu chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng nhưng chẳng ai mua, có khi rút mật ra rồi phải cất tủ lạnh hàng năm trời”. Ông V. ở xã Quỳnh Hậu cho biết, nếu chăm sóc tốt thì gấu nuôi có thể sống hàng chục năm. Nhưng khi mật rớt giá thì gấu bị bỏ mặc, dẫn đến ốm eo, nhiều con đã chết vì thiếu chăm sóc. Ông V. tiết lộ, do giá mật ngày càng rẻ nên một số gia đình đã làm thịt gấu nấu cao bán. Một con gấu ngựa bán cho người nấu cao có giá từ 30 - 40 triệu đồng, tùy theo trọng lượng.
Ông Hồ Văn Quỳ, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quỳnh Lưu cho biết, mặc dù luật cấm người nuôi gấu lấy mật nhưng kiểm lâm không thể kiểm soát được. Lực lượng kiểm lâm chỉ quản lý được việc không để người dân trưng các biển bán mật gấu công khai, chứ không thể tự ý vào nhà kiểm tra được việc hút mật gấu. Việc vận chuyển, buôn bán gấu cũng khó kiểm soát, vì dù đã được gắn chip nhưng kiểm lâm cấp huyện (và ngay cả cấp tỉnh) cũng không có máy đọc chip. Khi xuất hiện trường hợp nghi vấn có việc mua bán, vận chuyển gấu thì lại phải nhờ chuyên gia từ Hà Nội mang máy về đọc chip mới xác định được. Về việc đã có hàng chục con gấu “biến mất” khỏi các hộ gia đình, ông Quỳ cho biết người dân khai báo là do gấu chết. Tuy nhiên, ông thừa nhận: “Việc gấu tự chết hay người nuôi giết gấu nấu cao cũng rất khó kiểm soát. 10 năm qua, kể từ khi gấu được gắn chip để quản lý, nhưng lực lượng kiểm lâm chưa phát hiện được trường hợp nào lấy mật gấu và giết thịt gấu để nấu cao”.
Theo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, năm 2005 tỉnh này có hơn 300 con gấu nuôi được gắn chip thì đến nay chỉ còn 92 con. Trong quãng thời gian này, chi cục chỉ tiếp nhận 2 con gấu do 2 hộ dân tự giao nộp để chuyển đến Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, số gấu còn lại được người nuôi báo đã chết. Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó phòng Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm Nghệ An) cho biết, hiện chưa đủ chế tài xử lý việc người nuôi gấu không khai báo gấu chết để đem tiêu hủy theo quy định. Vì thế, đây chính là kẽ hở cho việc giết thịt gấu để nấu cao.
Có thể bạn quan tâm
Là giống lúa có khả năng thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh khá, có thể trồng được cả vụ đông xuân và vụ mùa. Giống có khả năng đẻ nhánh khỏe. Thời gian sinh trưởng vụ đông xuân 105-107 ngày, vụ hè thu 95-100 ngày. Khả năng chống chống chịu sâu bệnh và chống đổ tốt, đặc biệt khả năng chịu rét tốt
Đến xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, hỏi nhà chú ba Xuẩn hầu như ai cũng biết. Chú là một trong những nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu nhiều năm liền của xã. Tôi may mắn có nhiều cơ hội được đến, được tiếp xúc và trao đổi với chú thông qua dự án Khuyến Nông có sự tham gia do tổ chức VVOB của Vương Quốc Bỉ tài trợ
Lần đầu tiên, Việt Nam đã xuất khẩu 100.000 tấn đường sang Trung Quốc. Trong khi đó, lượng đường nhập khẩu chính ngạch thời gian qua là 98.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước trên 50.800 tấn.
Măng tây có thể nhiều người chưa biết. Đây là cây có nguồn gốc từ Châu Âu thuộc vùng Địa Trung Hải, du nhập vào nước ta vào đầu thế kỷ XX. Cành mảnh như sợi chỉ có màu xanh lục. Hoa măng tây nhỏ đơn tính có màu vàng lục. Quả măng tây mọng hình cầu, đỏ thẫm
Hơn 2 năm nay, phong trào trồng rau màu ở xã Minh Hòa (Châu Thành - Kiên Giang) phát triển khá nhanh, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nông dân Khmer trên địa bàn. Hiện chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân nhân rộng mô hình