Xoài Cát Chu Việt Nam chính thức vào thị trường Nhật Bản

Vào lúc 15h chiều ngày 7/11 (theo giờ địa phương), những trái xoài tươi Cát Chu của Việt Nam đã chính thức được bày bán lần đầu tiên tại siêu thị Aeon ở tỉnh Chiba, Nhật Bản.
Cùng với trái Thanh Long, đây là loại trái cây thứ 2 của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản vốn được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu khó tính.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt trái xoài Việt Nam tại siêu thị Aeon, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản - ông Nguyễn Quốc Cường đã cảm ơn những đóng góp tích cực của Aeon trong việc đưa trái xoài Cát Chu có mặt tại thị trường Nhật Bản;
Đồng thời khẳng định đây chính là việc hiện thực hóa những thỏa thuận giữa lãnh đạo của hai nước trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 7 vừa qua.
Bên cạnh đó, việc Nhật Bản nhập khẩu trái xoài Cát Chu sẽ là tin vui cho những người nông dân Việt Nam cũng như đối với người tiêu dùng Nhật Bản trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mở ra một cơ hội mới cho hàng trái cây tươi của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục tiếp nhận nhiều sản phẩm và hoa quả của Việt Nam hơn nữa, đáp ứng nhu cầu chung của người tiêu dùng Nhật Bản và người sản xuất kinh doanh Việt.
Cũng tại buổi lễ ra mắt, ông Nguyễn Trung Dũng - đại diện bộ phận Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, trong đợt xuất khẩu đầu tiên này, tổng cộng có 3 tấn rưỡi xoài Cát Chu đã được nhập vào thị trường Nhật Bản.
Theo kế hoạch, xoài tươi Việt Nam sẽ được bày bán tại 209 điểm bán hàng của Aeon trên toàn Nhật Bản với hai mức giá sau thuế là 429 yên/quả (khoảng 77.000 đồng) và 645 yen/quả (116.000 đồng).
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, thời gian tới hoạt động xuất khẩu xoài tươi sang Nhật Bản sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, với kế hoạch từ nay đến cuối năm 2015 sẽ xuất khẩu thêm 80 tấn xoài tươi sang thị trường Nhật Bản qua cả đường hàng không và đường biển.
Phát biểu tại lễ, Chủ tịch Aeon Noriyaki Murakami đã bày tỏ sự vui mừng vì trái xoài Cát Chu đã được bày bán tại thị trường Nhật Bản và được khách hàng đón nhận một cách rộng rãi.
Đồng thời, ông cũng khẳng định đây sẽ là một tín hiệu tích cực để thời gian tới có thêm nhiều sản phẩm của Việt Nam được bày bán tại các hệ thống siêu thị của Aeon trên khắp Nhật Bản.
Trong khi đó, đại diện của siêu thị Aeon tại Chiba cho biết, trái xoài là một loại trái cây yêu thích của người dân Nhật.
Tuy nhiên, giá một trái xoài tươi của Nhật khá đắt, dao động từ 5.000 yen đến 10.000 yen (930.000 - 1.850.000 đồng.
Aeon tin tưởng rằng, trái xoài Cát Chu của Việt Nam với những ưu thế như vị ngọt dịu, thích hợp với khẩu vị chung của người Nhật, trong khi giá lại rẻ hơn nhiều so với xoài Nhật, đây sẽ trở thành một trong những loại trái cây có sức tiêu thụ tốt của hệ thống siêu thị này.
Được biết, để đưa trái xoài Cát Chu Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phải mất 5 năm để chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại mới được phía Nhật Bản chấp thuận.
Ngay trong buổi lễ ra mắt trái xoài Cát Chu tại siêu thị Aeon, đã có hàng trăm khách hàng Nhật Bản đến siêu thị này đã tỏ ra thích thú với vị thơm ngon, cũng như màu sắc bắt mắt của trái xoài Cát Chu.
Một số khách hàng đã quyết định mua với số lượng lớn để làm quà biếu và dùng thử ngay khi nghe quảng bá và ăn thử xoài Việt Nam.
Theo đánh giá, với nhu cầu tiêu dùng của người dân Nhật hiện nay, các công ty nhập khẩu dự kiến sẽ đưa vào thị trường Nhật Bản khoảng 100 tấn xoài từ nay đến cuối năm 2015.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 2.2 (mùng ba Tết Giáp Ngọ), tại cửa biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi), hàng ngàn người dân địa phương và vùng lân cận tham gia lễ hội ra quân đánh bắt hải sản đầu năm của ngư dân vùng biển Sa Huỳnh.

Những con trai sau khi banh miệng bằng kẹp nhựa, được xếp vào hai cái khay để mang đặt lên hai chiếc bàn đã xếp đầy dụng cụ: một giá đỡ inox; bộ dụng cụ dao, panh nhỏ xíu. Những người thợ thoăn thoắt như làm xiếc để ép loài huyết dụ… nhả ngọc!

Ông Lê Xuân Thịnh: Việt Nam hiện cung cấp hơn 90% sản lượng cá tra xuất khẩu trên thế giới, mang lại kim ngạch xuất khẩu hàng năm 1,8 tỉ đô la Mỹ và tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Khoảng 15h30’, ngày 3-2, tại bãi biển thuộc xã Minh Châu (Vân Đồn - Quảng Ninh), một con cá voi nặng khoảng 2 tấn, dài 5 mét bị mắc cạn.

Về làng biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nghe xôn xao chuyện nuôi tôm trên cát. 3 năm nay nhiều nơi mất mùa, riêng người nuôi tôm ở đây thu nhập đều tiền tỷ nhờ anh Lê Văn Dương hỗ trợ kỹ thuật. Tôi gặp Dương, anh cười bẽn lẽn: “Có chi mô, nhờ nhân hòa, địa lợi thôi”.