Gà Hồ và hành trình đến với thương hiệu nổi tiếng những người gìn giữ giống gà quý
Có thời điểm, nguy cơ tuyệt chủng một giống gà quý dần hiện hữu do số người nuôi giống gà này ở địa phương còn rất ít.
Họ nuôi gà Hồ chủ yếu là vì niềm đam mê, vì sở thích đối với một giống gà đẹp, quý hiếm và nhất là vì niềm tự hào về truyền thống quê hương.
Họ chính là những người đã có công gìn giữ, bảo tồn và phát triển giống gà Hồ quý hiếm cho đến ngày hôm nay.
Đàn gà Hồ hàng trăm con của gia đình anh Nguyễn Văn Trường (người ngoài cùng bên trái) được duy trì bởi sự tâm huyết gìn giữ giống gà quý.
Theo ông Nguyễn Đăng Chung, Chủ nhiệm CLB gà Hồ thì mặc dù là niềm tự hào của người dân địa phương dùng làm vật phẩm tiến vua, tế lễ hay quà biếu quý báu trong những dịp lễ Tết, nhưng có thời kỳ số lượng gà Hồ và người nuôi gà Hồ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Với đặc tính của gà Hồ là nuôi bằng phương pháp thả tự nhiên, chủ yếu cho ăn bằng thóc, ngô nên qua những năm tháng chiến tranh, rồi thời kỳ bao cấp khó khăn, thiếu thốn, rất ít gia đình có điều kiện nuôi gà Hồ.
Hơn nữa, gà Hồ tuy sinh sản tốt nhưng tỷ lệ ấp thành công thấp, thời gian nuôi dài, muốn có gà to đẹp phải từ 8 tháng đến vài năm nên rất ít người đủ kiên trì để nuôi.
Chính vì thế, có những lúc chỉ còn vài hộ nuôi gà Hồ chính gốc, thậm chí chỉ nuôi gà Hồ như nuôi làm cảnh trong nhà bởi niềm đam mê, niềm tự hào về giống gà quý báu của quê hương.
Ông Bùi Tuấn Diện, Phó Chủ nhiệm CLB gà Hồ kể: “Gia đình tôi có nhiều đời nuôi gà Hồ, tất cả là nhờ tâm huyết của cha ông để lại.
Ngay cả thời kỳ chiến tranh, bố tôi đã phải giấu vợ con để dành thức ăn chăn nuôi gà Hồ.
Sau này dù khó khăn nhưng vợ chồng tôi cũng tìm đủ mọi cách để duy trì nuôi gà Hồ”.
Còn ông Đỗ Tá Dũng, một nông chi điền chất phác hiền lành và rất tâm huyết với việc giữ gìn, phát triển đàn gà Hồ thì khẳng định: Vượt qua bao gian nan vất vả, nhất là vào thời điểm giáp hạt, dù có lúc phải chạy ăn long đong lận đận nhưng gia đình tôi vẫn quyết tâm phải giữ bằng được ít nhất một đôi trống mái để giữ lấy giống gốc gà Hồ.
Với tôi, giống gà Hồ không chỉ là gia bảo của riêng gia đình, dòng họ mà còn là niềm tự hào của người làng Lạc Thổ...
Cũng theo ông Chung thì chính từ tâm huyết của người dân Lạc Thổ nên đến năm 1991 trong một buổi sinh hoạt CLB Phụ lão hưu trí, được nghe các cụ kể lại tục lệ ngày xưa của làng, trong đó có chuyện thi gà, dùng gà của làng làm lễ vật tiến vua, các cụ bô lão của làng đã có chủ trương khôi phục lại giống gà này.
Từ đó, những người có tâm huyết, có kinh nghiệm và thích nuôi giống gà này đã tập hợp nhóm và thành lập CLB nuôi gà Hồ của làng.
Nhiệm vụ đầu tiên của CLB là tổ chức tìm hiểu thêm các tài liệu nói về con gà Hồ, về đặc điểm, tiêu chí… và dựng lại khuôn mẫu để làm tiêu chí tuyển chọn gà Hồ tại các gia đình nuôi trong làng.
Đến năm 1993, được sự thống nhất của CLB Phụ lão hưu trí, sự cố gắng nhiệt tình của các thành viên trong CLB và nhất là sự quan tâm của Ban tổ chức hội làng, cuộc thi gà Hồ đầu tiên được khôi phục với thể lệ thi đơn trống (thi gà sống chứ không thi gà thịt như ngày xưa vì còn để giữ nguồn giống quý).
Kể từ đó đến nay, hội thi gà thường được tổ chức trong ngày hội làng và sau này là thi cả đơn trống, đơn mái và cặp đôi trống mái đã thu hút được nhiều hộ tham gia và đông đảo du khách thập phương đến xem, chiêm ngưỡng…
Ông Nguyễn Đăng Chung, Chủ nhiệm CLB nuôi gà Hồ luôn tâm huyết với việc bảo tồn, phát triển đàn gà quý của địa phương.
Việc thành lập CLB, tổ chức hội thi không chỉ động viên, khích lệ tinh thần của người nuôi gà Hồ mà còn tạo cơ hội cho các thành viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp chăn nuôi, chọn giống, liên kết tiêu thụ… và nhất là liên hệ, tạo đầu mối để các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học triển khai các dự án bảo tồn giống quý.
Nhờ vậy, đến thời điểm này, Lạc Thổ có gần 50 hộ gia đình chuyên nuôi duy nhất giống gà Hồ, trong đó có 34 hộ sinh hoạt tại CLB gà Hồ, mỗi năm cung cấp hàng chục nghìn con gà giống cho người chăn nuôi khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Thậm chí tại Tây Ninh còn có trang trại của Bẩy Đẹp rất nổi tiếng với đàn gà Hồ được mua và nhân giống từ Lạc Thổ.
Đó là chưa kể đến rất nhiều gia đình nuôi kết hợp với gà lai gà Hồ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Với gà Hồ giống mới nở có giá từ 130.000đ/1 con trở lên, gà thương phẩm ở làng hiện nay có giá bán trung bình 500.000đ/kg.
Dịp lễ Tết, những con gà Hồ to lớn có giá trung bình 3 triệu đồng/1 con, thậm chí những cặp gà giống đẹp có giá từ 5 - 10 triệu/1 con.
Ngay như con gà trống đạt giải Nhất cặp năm 2013 của ông Đỗ Tá Dũng đã có người khách đặt giá hàng chục triệu nhưng ông cũng không bán với lý do là để giữ giống bảo tồn.
Sở dĩ gà Hồ có giá cao như vậy bởi người dân nơi đây nuôi gà chủ yếu bằng thóc, gạo, ngô cám và rau sạch, không có cám công nghiệp, không tăng trọng nên thịt gà mới săn chắc và thơm ngon.
Bởi vậy, giống gà Hồ đã quý, nay càng quý hơn, nhiều người còn nuôi gà Hồ để sưu tầm giống gà quý hay để làm cảnh bởi cái vẻ đẹp mê hồn của nó.
Một số người được biếu gà Hồ để ăn Tết nhưng thấy đẹp quá nên đã quyết định không thịt mà sắm cho chúng một cái chuồng thật đẹp, bày để làm cảnh rồi còn tìm đến Lạc Thổ để mua thêm về nuôi…
Hiện nay nuôi gà Hồ không những là truyền thống tốt đẹp mà còn là phương thức làm giàu chính đáng của người dân Lạc Thổ.
Vì vậy, những người nuôi gà Hồ ở đây luôn tâm niệm phải cố gắng gìn giữ giống quý hiếm, đồng thời truyền tình yêu đó cho các con, cháu trong gia đình để phát triển.
Đó cũng chính là tâm huyết, là công sức của người dân Lạc Thổ bao đời nay để gìn giữ, bảo tồn và phát triển giống gà Hồ quý hiếm nhằm duy trì truyền thống và thúc đẩy công cuộc phát triển của quê hương.
Có thể bạn quan tâm
Lẽ ra vào thời điểm này, bà con nông dân ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đang hối hả xuống giống vụ hè thu, nhưng hiện nay hàng nghìn héc ta đất canh tác trên địa bàn huyện phải bỏ hoang, ruộng khô cỏ cháy.
Xuất thân là một nông dân, cựu chiến binh Phan Ngọc Vui (thôn Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) thử sức với nhiều mô hình làm ăn nhưng đều không mấy hiệu quả. Gần đây, tính toán lợi ích, ông bàn với vợ phát triển chăn nuôi vịt lang cạnh trắng. Ban đầu, ông phát triển đàn vịt theo hướng lấy thịt và bán trứng.
Ngày 18/11, Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân (Phú Yên) phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật kinh tế nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ tổ chức hội nghị đầu bờ trình diễn mô hình trồng đậu phộng xen sắn trên đất đồi với 50 hộ nông dân tham gia.
Nhằm giúp nông dân đa dạng hóa các loại vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, tháng 9 -2011, thông qua nguồn vốn của Sở Khoa học và Công nghệ, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư, Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Hội Nông dân huyện Ninh Phước đã phối hợp triển khai Dự án “Nuôi trùn quế theo hướng quy mô hộ tại xã Phước Vinh”.
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đang phối hợp cùng với ngành nông nghiệp Đà Lạt xây dựng một khu vực chuyên canh rau không thuốc và không phân bón hóa học, được tưới tiêu bằng hệ thống bơm nước mạch ngầm… ở khu vực Thánh Mẫu, theo mô hình “Trồng rau ăn lá bằng phương pháp thủy canh hồi lưu”.