Xoài Cát Chu Việt Nam chính thức vào thị trường Nhật Bản

Vào lúc 15h chiều ngày 7/11 (theo giờ địa phương), những trái xoài tươi Cát Chu của Việt Nam đã chính thức được bày bán lần đầu tiên tại siêu thị Aeon ở tỉnh Chiba, Nhật Bản.
Cùng với trái Thanh Long, đây là loại trái cây thứ 2 của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản vốn được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu khó tính.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt trái xoài Việt Nam tại siêu thị Aeon, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản - ông Nguyễn Quốc Cường đã cảm ơn những đóng góp tích cực của Aeon trong việc đưa trái xoài Cát Chu có mặt tại thị trường Nhật Bản;
Đồng thời khẳng định đây chính là việc hiện thực hóa những thỏa thuận giữa lãnh đạo của hai nước trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 7 vừa qua.
Bên cạnh đó, việc Nhật Bản nhập khẩu trái xoài Cát Chu sẽ là tin vui cho những người nông dân Việt Nam cũng như đối với người tiêu dùng Nhật Bản trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mở ra một cơ hội mới cho hàng trái cây tươi của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục tiếp nhận nhiều sản phẩm và hoa quả của Việt Nam hơn nữa, đáp ứng nhu cầu chung của người tiêu dùng Nhật Bản và người sản xuất kinh doanh Việt.
Cũng tại buổi lễ ra mắt, ông Nguyễn Trung Dũng - đại diện bộ phận Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, trong đợt xuất khẩu đầu tiên này, tổng cộng có 3 tấn rưỡi xoài Cát Chu đã được nhập vào thị trường Nhật Bản.
Theo kế hoạch, xoài tươi Việt Nam sẽ được bày bán tại 209 điểm bán hàng của Aeon trên toàn Nhật Bản với hai mức giá sau thuế là 429 yên/quả (khoảng 77.000 đồng) và 645 yen/quả (116.000 đồng).
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, thời gian tới hoạt động xuất khẩu xoài tươi sang Nhật Bản sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, với kế hoạch từ nay đến cuối năm 2015 sẽ xuất khẩu thêm 80 tấn xoài tươi sang thị trường Nhật Bản qua cả đường hàng không và đường biển.
Phát biểu tại lễ, Chủ tịch Aeon Noriyaki Murakami đã bày tỏ sự vui mừng vì trái xoài Cát Chu đã được bày bán tại thị trường Nhật Bản và được khách hàng đón nhận một cách rộng rãi.
Đồng thời, ông cũng khẳng định đây sẽ là một tín hiệu tích cực để thời gian tới có thêm nhiều sản phẩm của Việt Nam được bày bán tại các hệ thống siêu thị của Aeon trên khắp Nhật Bản.
Trong khi đó, đại diện của siêu thị Aeon tại Chiba cho biết, trái xoài là một loại trái cây yêu thích của người dân Nhật.
Tuy nhiên, giá một trái xoài tươi của Nhật khá đắt, dao động từ 5.000 yen đến 10.000 yen (930.000 - 1.850.000 đồng.
Aeon tin tưởng rằng, trái xoài Cát Chu của Việt Nam với những ưu thế như vị ngọt dịu, thích hợp với khẩu vị chung của người Nhật, trong khi giá lại rẻ hơn nhiều so với xoài Nhật, đây sẽ trở thành một trong những loại trái cây có sức tiêu thụ tốt của hệ thống siêu thị này.
Được biết, để đưa trái xoài Cát Chu Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phải mất 5 năm để chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại mới được phía Nhật Bản chấp thuận.
Ngay trong buổi lễ ra mắt trái xoài Cát Chu tại siêu thị Aeon, đã có hàng trăm khách hàng Nhật Bản đến siêu thị này đã tỏ ra thích thú với vị thơm ngon, cũng như màu sắc bắt mắt của trái xoài Cát Chu.
Một số khách hàng đã quyết định mua với số lượng lớn để làm quà biếu và dùng thử ngay khi nghe quảng bá và ăn thử xoài Việt Nam.
Theo đánh giá, với nhu cầu tiêu dùng của người dân Nhật hiện nay, các công ty nhập khẩu dự kiến sẽ đưa vào thị trường Nhật Bản khoảng 100 tấn xoài từ nay đến cuối năm 2015.
Related news

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản yêu cầu 5 ngân hàng thương mại nhà nước giảm lãi suất cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm về mức tối đa 8%/năm.

Trong mấy ngày gần đây, dịch cúm gia cầm (CGC) đã xuất hiện ở nhiều tỉnh miền Trung- Tây Nguyên như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Kon Tum, Đăk Lăk… gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Nguy cơ bùng phát trên diện rộng của dịch này rất cao.

Nhờ thực hiện có hiệu quả đề án lai tạo đàn bò giai đoạn 2011- 2015 của huyện Vân Canh (Bình Định) mà đàn bò ở huyện miền núi này đã có bước phát triển khá cả về số lượng lẫn chất lượng, giúp nhiều hộ dân có thêm thu nhập từ chăn nuôi bò.

Ông Phan Công Ngôn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 10.000ha cà phê, chè, lúa ở các huyện Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh, Đam Rông đã rơi vào tình trạng thiếu nước tưới. Các huyện còn lại cũng đang đứng trước nguy cơ này, cao nhất là ở những địa phương nằm cuối nguồn, hoặc ngoài công trình thủy lợi.

Giữa thời điểm còn nhiều luồng thông tin về chất lượng rau an toàn (RAT) như hiện nay, việc thiết lập được những mô hình sản xuất rau thực sự đảm bảo chất lượng là mong mỏi cấp thiết của nhiều người tiêu dùng.