Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xóa Đói Giảm Nghèo Từ Cây Su Su

Xóa Đói Giảm Nghèo Từ Cây Su Su
Ngày đăng: 01/06/2012

Từ năm 2008, được sự hỗ trợ của Trung tâm ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) thuộc sở KH-CN Hòa Bình, nông dân xã vùng cao Quyết Chiến, huyện Tân Lạc được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, đưa mạnh cây su su vào cơ cấu cây trồng ở địa phương. Kết quả, cây su su đã góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo (XĐGN) từng bước ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây.

Theo Giám đốc Trung tâm ứng dụng KH-CN Nguyễn Thị Tâm, Trung tâm đã chọn năm xã vùng cao của huyện Tân Lạc để xây dựng mô hình trồng su su lấy ngọn nhằm giúp cho người dân ở những địa phương này có thêm cơ hội XĐGN, từng bước ổn định cuộc sống gia đình và có thể vươn lên làm giàu. Xã Quyết Chiến là đơn vị thực hiện thành công mô hình này là do có sự tham gia tích cực của chính quyền cơ sở và nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Năm đầu triển khai, có chín hộ dân ở hai bản Biệng, Bắc Hưng tham gia với tổng diện tích khoảng 0,5 ha. Những hộ dân này đều được Trung tâm ứng dụng KH-CN trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và cho đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Vụ đầu tiên được trồng vào khoảng giữa tháng 11-2007 và thu hoạch từ giữa tháng tư năm sau. Các hộ dân đều thắng lớn ngay từ vụ đầu do cây su su phát triển mạnh, năng suất cao và chất lượng sản phẩm bảo đảm. Từ tháng tư cho đến hết năm 2008, bình quân mỗi hộ đều thu được hơn một triệu đồng/tháng từ cây su su và không còn thiếu đói như trước đây.

Chị Bùi Thị Mửu ở xóm Biệng cho biết, trồng su su lấy ngọn vừa dễ trồng lại bán chạy nên thu nhập khá. Qua 5 năm tham gia dự án, đến nay gia đình chị đã có cuộc sống ổn định. Với 800 m2 đất vườn, giá bán tại xã 4.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi tháng gia đình chị cũng thu về gần hai triệu đồng. Số tiền này quả là niềm mơ ước đối với các hộ dân ở xã vùng núi cao heo hút này. Bởi cũng với diện tích ấy nếu trồng ngô trong khoảng năm, sáu tháng cũng chỉ đổi được hai tạ thóc. Tương tự, nhà anh Bùi Văn Bia trồng 500 m2, riêng trong tháng năm vừa rồi thu hái tám lần được 250 kg sản phẩm trị giá hơn một triệu đồng.

Tiếng lành đồn xa, năm 2009, anh Dương Văn Bảo quê ở Tam Đảo lên tận nơi tìm hiểu. Với kinh nghiệm của một người chuyên canh su su, anh Bảo thầm nghĩ “đây là vùng đất lý tưởng cho cây su su” và quyết định thuê 6,5 ha đất bưa bãi ở Quyết Chiến để trồng loại cây đã giúp gia đình anh trở thành tỷ phú ở quê nhà. Ngoài việc trồng su su, anh Bảo còn tổ chức thu gom sản phẩm của các hộ dân trong xã mang đi bán cho các đại lý rau quả ở khu vực Long Biên, Hà Nội.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn su su xanh mướt chạy tít tắp tới chân núi, anh Bảo phấn khởi cho biết: Tại thời điểm này, mỗi ngày cơ sở của anh Bảo tiêu thụ khoảng bốn tấn sản phẩm, tương đương với một lứa thu hoạch của 5 ha su su. Cơ sở tạo việc làm và thu nhập ổn định 2 triệu đồng/tháng/người cho hơn 30 lao động tại chỗ, chủ yếu là những gia đình neo người, không có vốn để sản xuất. Năm 2011, gia đình anh thu lãi khoảng 500 triệu đồng từ cây su su. Sau thành công của anh Bảo, có thêm hai người ở TP. Hòa Bình lên Quyết Chiến thuê đất, tổ chức trồng và tiêu thụ ngọn su su với quy mô tương tự. Hai năm gần đây, có bốn hộ dân ở xóm Bắc Hưng cũng sắm ô-tô chuyên chở ngọn su su đi bán lẻ tại chợ ở các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lương Sơn và TP Hòa Bình.

Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Bến cho biết: Quyết Chiến là xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Toàn xã có 331 hộ với hơn 1500 nhân khẩu chủ yếu dân tộc Mường; có 168 ha đất nông nghiệp, trong đó có 78 ha cấy lúa nhưng cũng chỉ có 29 ha cấy được cả hai vụ lúa; còn lại là bưa bãi và đất đồi trồng ngô, sắn. Vì vậy cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Trước đây, cứ vào dịp giáp hạt là hầu hết các hộ dân trong xã “đứt bữa”. Khi Trung tâm KH-CN của tỉnh về đặt vấn đề xây dựng mô hình trồng su su lấy ngọn nhằm giúp dân XĐGN, chính quyền xã đồng ý ngay. Trên thực tế, việc trồng su su lấy ngọn đã mở hướng cho xã giải quyết vấn đề thiếu đói trong kỳ giáp hạt, từng bước ổn định cuộc sống của người dân. Đặc biệt có sự tác động trực tiếp của ba cơ sở sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đến nay đã có 150/331 hộ dân trong xã trồng su su với hàng chục ha. Cây su su đứng vững trên đồng đất Quyết Chiến bởi nó đã giúp cho hầu hết các hộ dân trong xã thoát khỏi đói nghèo từng bước vươn tới ấm no, giàu có.

Có thể bạn quan tâm

Tàu Nằm Bờ, Cá Biển Tăng Giá Tàu Nằm Bờ, Cá Biển Tăng Giá

Giá dầu tăng cao, cá tôm ngày càng ít... là nguyên nhân khiến cho hàng trăm tàu đánh cá ở Bạc Liêu, Kiên Giang, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... đang phải nằm bờ.

07/05/2011
Người Chăn Nuôi Lao Đao Vì Chất Tạo Nạc Ở Cà Mau Người Chăn Nuôi Lao Đao Vì Chất Tạo Nạc Ở Cà Mau

Sau khi rộ tin trong thịt heo có chất tạo nạc, giá heo hơi “lao dốc” mạnh, từ 45.000 đồng/kg xuống còn 38.000 - 40.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg. Ngược lại, giá con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y vẫn ở mức cao.

10/05/2012
Lâm Nợ Vì Thương Lái Trung Quốc Lâm Nợ Vì Thương Lái Trung Quốc

Với nhãn mác là những thương lái Trung Quốc giàu có, dùng hộ chiếu du lịch để sang Việt Nam thu gom cua biển với giá cao. Một số đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của nông dân tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau).

10/05/2012
Phòng Bệnh Ngã Nước Ở Trâu Bò Phòng Bệnh Ngã Nước Ở Trâu Bò

Bệnh ngã nước ở trâu bò mà nông dân thường gọi là bệnh do ký sinh trùng do một loài vi sinh vật ký sinh trong máu gây ra, có tên là tiêu mao trùng (còn gọi là Xura).

11/05/2011
Đề Nghị Giãn Nợ Cho Nông Dân Bị Nợ Tiền Cá Đề Nghị Giãn Nợ Cho Nông Dân Bị Nợ Tiền Cá

Đề nghị giãn nợ tại các ngân hàng thương mại cho nông dân bị các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang gặp khó khăn nợ tiền cá, ông Võ Thành Thống - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - đã kiến nghị như vậy với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 4-4.

08/04/2012