Xây Dựng Vùng Chăn Nuôi An Toàn Tại Nam Định, Thái Bình
Đề án thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn để xuất khẩu tại 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình là nhằm phát triển bền vững ngành chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Sáng nay (30/10), tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị góp ý “Đề án thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn để xuất khẩu tại tỉnh Nam Định và Thái Bình”. Tham dự có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định và Thái Bình cùng các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ.
Tỉnh Nam Định hiện có đàn lợn hơn 760.000 con, với 138 trang trại và khoảng 10.000 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 1 cơ sở chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong khi đó, đàn lợn của tỉnh Thái Bình hiện có gần 1,1 triệu con, với 2 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, việc lựa chọn Nam Định và Thái Bình triển khai thí điểm Đề án là dựa vào vị trí địa lý và điều kiện đảm bảo an toàn về dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn của các địa phương thời gian qua, đồng thời cũng là nơi thuận lợi về giao thông trong lưu thông và vận chuyển phục vụ xuất khẩu…
Hội nghị tập trung đóng góp ý kiến vào các tiêu chí, khái niệm và giải pháp xây dựng vùng an toàn dịch; vai trò trách nhiệm của các trang trại, kinh tế hộ chăn nuôi khi tham gia Đề án...
Hầu hết đại biểu cho rằng, Đề án nếu được phê duyệt sẽ giúp địa phương nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh trên gia súc, hướng tới thanh toán dịch lở mồm long móng và dịch tả trên lợn, tạo điều kiện thuận lợi về đầu ra tiêu thụ sản phẩm và phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, Đề án cần làm rõ quy trình xây dựng, cũng như công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh ở địa phương theo tiêu chuẩn VietGAP trong chăn nuôi hay tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới; vấn đề phân cấp trong chỉ đạo, triển khai và nguồn kinh phí thực hiện Đề án…
Ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nam Định nêu ý kiến: "Hiện nay, sản lượng thịt lợn của Nam Định thấp hơn Thái Bình khoảng 130.000 tấn/năm. Sản lượng này tiêu thụ trong tỉnh khoảng 70%, còn lại xuất ra các tỉnh ngoài, hoặc có xuất khẩu thì cũng chỉ khoảng 30%. Tôi nghĩ là tên Đề án chưa nên lấy tên xây dựng vùng an toàn dịch tập trung vào 2 loại dịch bệnh dịch tả và lở mồm long móng trên lợn, mà nên đặt tên là Đề án xây dựng cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh để phát triển chăn nuôi bền vững cung cấp thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu sẽ phù hợp hơn với xu thế phát triển chăn nuôi”.
Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Bộ sẽ tiếp thu và tổng hợp các ý kiến trước khi có Quyết định phê duyệt Đề án, trong đó, Nam Định và Thái Bình sẽ là 2 địa phương triển khai thí điểm khi Đề án được thông qua.
Có thể bạn quan tâm
Lo cho “đầu cơ nghiệp” của mình bị thiếu thức ăn khi mùa đông đến, sau khi thu hoạch lúa, đồng bào vùng cao chủ động lấy rơm khô về dự trữ cho trâu, bò. Đây là nguồn thức ăn quan trọng thay thế cho cỏ tươi trong mùa rét.
Thị trường lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mấy ngày qua đã sôi động trở lại. Đây là tín hiệu tốt, sau khi Việt Nam ký được khoảng 1 triệu tấn gạo theo một hợp đồng tập trung và trúng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo cho Philippines.
Thế thượng phong của tôm, cá tra, cá basa đã làm lu mờ vị thế của con cá biển, nhưng đây lại là một hướng đi đầy tiềm năng.
Mặc dù Bộ Công Thương đã có quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất phân bón, song đến nay ngành phân bón Việt Nam vẫn là một nền sản xuất tự phát.
Cá điêu hồng được Bộ Thủy sản xác định là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong thời gian tới. Loài cá này có năng suất cao và mau lớn, thịt ngon nên được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.