Xây dựng Nông thôn mới ở Hải Phòng đẹp từ nhà ra đồng
Thay đổi bộ mặt làng quê
Lâu lâu có dịp ra ngoại thành, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của làng quê Hải Phòng với những con đường bê tông phẳng lỳ, rộng rãi, các đường ngang liên xã, đường xóm ngõ, đường ra đồng...đã được xây dựng khang trang, không còn cảnh lầy lội, cỏ mọc um tùm như trước.
Làm đường bê nông nội đồng ở xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo.
Nhớ lại cách đây vài tháng, trong một buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo Báo NTNN, Chủ tịch UBND thành phố - ông Lê Văn Thành cho biết, trong năm 2015, TP.Hải Phòng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực tam nông, trong đó tập trung đầu tư cho Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới với số vốn lên tới 1.000 tỷ đồng, gấp 3 lần số vốn đầu tư của cả 3 năm trước.
Với phương thức Nhà nước đầu tư xi măng, phần còn lại xây dựng đường giao thông do nhân dân tự đóng góp, ước tính, cứ 1 đồng vốn nhà nước bỏ ra, sẽ thu hút thêm được 4 đồng do nhân dân tự đóng góp, tạo ra giá trị đầu tư tổng cộng 5 đồng.
Như vậy, nếu trong năm 2015, TP.Hải Phòng giải ngân hết số tiền 1.000 tỷ đồng đầu tư, sẽ tạo ra giá trị đầu tư chung cho xây dựng nông thôn mới lên đến 5.000 tỷ đồng.
Hôm đó, nghe Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Thành nói, tôi ghi chép lại những con số như một tác nghiệp bình thường của phóng viên để đưa tin, nhưng hôm nay, tận mắt chứng kiến sự đổi thay của làng quê Hải Phòng, tôi mới cảm nhận được hết ý nghĩa trong những câu nói của ông trong việc lựa chọn lĩnh vực ưu tiên đầu tư, cách thức thu hút nguồn lực xã hội và quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Sự đầu tư tập trung với việc hỗ trợ 500.000 tấn xi măng đúng là đã tạo ra cú hích, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới bứt phá một cách ngoạn mục.
Cách làm sáng tạo, đúng hướng, hợp lòng dân của Hải Phòng đã thu hút được nguồn lực lớn từ cộng đồng dân cư với số vốn người dân tự nguyện chung tay xây dựng đường làng ngõ xóm lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Nhà nước chỉ hỗ trợ xi măng, còn nhân dân tự đóng góp cát, đá, ngày công xây dựng, thậm chí hiến cả đất để mở rộng đường.
Đúng như ông Lê Văn Thành đã nói, tính trung bình, cứ một đồng xi măng của Nhà nước được đưa vào xây dựng, người dân đã bỏ thêm vào đấy 4 đồng.
Vậy mà vẫn vui, vẫn mong được đóng góp, nhà nhà làm đường, làng nọ thi với làng kia...
tạo phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, vượt trên cả sự mong đợi.
Theo số liệu từ Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng, chỉ tính từ đầu năm đến nay, số đường làng ngõ xóm, đường nội đồng được bê tông hóa xấp xỉ 900km.
Quận cũng xin "ké" chương trình nông thôn mới
Theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ đạo thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới TP.Hải Phòng, trong thời gian không xa, thành phố sẽ hoàn thành tiêu chí xây dựng giao thông nông thôn và chuyển sang vận động nhân dân tiếp tục chung tay góp sức người, sức của để xử lý các vấn đề rác thải, nước thải, cải thiện môi trường nông thôn xanh, sạch.
Phong trào góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới hừng hực khí thế ở nông thôn, lan tỏa tới cả các quận vùng ven đô của Hải Phòng khiến nhân dân ở đây cũng mong muốn được thực hiện chương trình hỗ trợ xi măng (xin "ké" với chương trình xây dựng nông thôn mới), bà con bỏ thêm vốn xây dựng xóm phố sạch đẹp.
Thực tế, nhiều tuyến ngõ, phố ở các quận mới thành lập còn chưa được quan tâm, có ngõ còn là đường đất, có ngõ mới chỉ được rải đá cấp phối, bà con đi lại khó khăn.
Trước nguyện vọng chính đáng của nhân dân, lãnh đạo TP.Hải Phòng đã quyết định hỗ trợ xi măng cho các phường thuộc 3 quận mới thành lập là Kiến An, Dương Kinh và Đồ Sơn.
Theo đó, năm 2015, hỗ trợ 37.106 tấn xi măng để bê tông hóa 226,96km đường giao thông của một số phường, thị trấn, trong đó có 110,53km đường giao thông khu dân cư.
Đến nay, 17/19 phường thuộc 3 quận nói trên đã triển khai chương trình và tiếp nhận được 8.833 tấn xi măng, bê tông hóa được 61,32km đường ngõ khu dân cư.
Một người dân ở khu Tiểu Trà, phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh phấn khởi chia sẻ, tuy là quận nhưng còn nhiều ngõ thuộc các khu dân cư xa trung tâm vẫn chưa được bê tông hóa, khi trời mưa ngõ thường ngập lụt, lầy lội.
Nay được nhà nước quan tâm hỗ trợ xi măng, bà con phấn khởi đóng góp kinh phí mua cát, đá và bỏ công lao động làm đường bê tông.
Đường ngõ sạch đẹp, khu dân cư cũng khang trang hẳn lên nên bà con rất phấn khởi.
Từ thành công của các khu dân cư đã triển khai, hàng loạt hộ dân ở các ngõ phố thuộc 3 quận nói trên đã đăng ký xin được nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân tự nguyện đóng góp nguyên vật liệu và kinh phí thi công để xây dựng những tuyến phố, ngõ phố sạch đẹp, văn minh.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình trồng nấm bào ngư, nấm linh chi và nấm mèo còn mới lạ với nhiều hộ nông dân, nhằm mở ra hướng làm ăn mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất, năm 2011 được sự hỗ trợ và đầu tư của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam và Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện, ông Đào Văn Hưởng ở ấp Phước Điền, xã Bình Khánh Đông đã sản xuất thành công thí điểm mô hình kết hợp trồng nấm bào ngư, nấm linh chi và nấm mèo đạt kết quả cao
Các nhà nghiên cứu Việt Nam cùng đồng nghiệp quốc tế vừa phát hiện hai loài gừng mới có hoa khá đẹp tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Để giống lạc thêm năng suất và chất lượng, người nông dân Trung Quốc đã sử dụng cát biển phủ lên ruộng trồng lạc. Phóng sự sau đây sẽ giới thiệu về những kinh nghiệm trồng trọt, và gia công chế biến lạc tươi mang lại hiệu quả kinh tế cao của người nông dân tại tỉnh Triết Giang, Trung Quốc.
Việc kết hợp các trang trại áp dụng ThaiGAP và nông sản sạch với du lịch càng thêm lan tỏa về thương hiệu nông sản Thái Lan.
Ở Việt Nam, hiện nay lạc là một trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng, đem lại thu nhập nhanh cho nông dân và là nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.