Xây dựng nông thôn mới khi thiếu sức trẻ
Hộ nghèo “neo đơn, mất sức lao động”
Xã Bình Dương (Bình Sơn) đã được công nhận đạt chuẩn “xã nông thôn mới” đầu tiên của tỉnh. Dẫu rất vui mừng, nhưng Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương ông Huỳnh Công Lập vẫn trăn trở việc “cắt giảm tỷ lệ hộ nghèo” để đạt tiêu chí nông thôn mới. Ông Lập cho biết: "Toàn xã còn 193 hộ nghèo. Sau khi rà soát, hầu hết chủ các hộ này đều không còn sức lao động.
Trong số này có 113 hộ có con đi làm ăn xa, chỉ còn lại cha mẹ già sinh sống ở địa phương. Gia đình 80 hộ còn lại thì chủ yếu là những người neo đơn, già yếu. “Để giảm nghèo đối với các hộ này, xã đã buộc trách nhiệm con cái làm ăn xa có thu nhập cao phải phụng dưỡng cha mẹ già.Mỗi tháng số tiền chu cấp về cho cha mẹ hơn 400.000 đồng, tức là vượt chuẩn hộ nghèo. Như vậy, hiện tại xã chỉ còn 80 hộ nghèo thôi”.
Vợ chồng ông Võ Ngộ và bà Trương Thị Sửu (xóm Khê Xuân, Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi) đã hết tuổi lao động, nhưng vẫn phải ra đồng gặt lúa.
Gian nan giảm hộ nghèo để đạt tiêu chí NTM ở xã Bình Dương là vậy. Tại các xã, phường, thị trấn khác trong tỉnh, hầu hết đều chưa “chạm” vào chuẩn của tiêu chí này. Trong số những hộ nghèo chỉ còn lại người già không còn sức lao động, vì vậy xóa nghèo đối với các hộ này gần như là không thể.
Ông Trần Thanh Trạng – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) thừa nhận: "Xóa hộ nghèo theo tiêu chuẩn của xã NTM là tiêu chí rất khó thực hiện, nhất là trong thời điểm hiện nay khi con cái lớn lên rời gia đình, quê hương đi làm ăn xa, không có sự góp sức với gia đình để cải thiện cuộc sống, xóa nghèo".
Thiếu lao động trẻ
Hầu hết các địa phương khi huy động sức dân đóng góp xây dựng NTM thường chọn cách vận động dân góp công lao động. Tuy nhiên, cách làm này hiện nay đang gặp không ít khó khăn. Ông Võ Thành Long- Bí thư Đảng ủy xã Sơn Giang (Sơn Hà) cho biết: “Thanh niên thường đi làm ăn xa, khi vận động đóng góp ngày công lao động để mở đường, khai thông kênh mương số lượng tham gia không đáng kể”.
Đặc biệt là sau mỗi trận mưa lũ, đường sá lầy lội, nhân lực tại chỗ huy động “giải phóng” bùn, đất rất khó khăn do địa phương thiếu lao động trẻ.
Khi nông thôn đang thưa vắng dần thanh niên- lực lượng lao động chính làm chuyển dịch ngành nghề, dẫn đến việc thực hiện chuẩn tiêu chí “cơ cấu ngành nghề” trong xây dựng NTM gặp nhiều trở ngại. Hiện nhiều gia đình vùng nông thôn trong tỉnh phải thuê mướn nhân công vì không còn đủ sức sản xuất nông nghiệp.
Khi vào mùa gặt rộ, không ít nơi xảy ra tình trạng khan hiếm lao động. Có nhiều gia đình vì không có người để thuê mướn thu hoạch lúa, nhiều cụ ông, cụ bà tuổi cao vẫn phải ra đồng lao động.
Tại cánh đồng xóm Khê Xuân, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) trong mùa gặt rộ dường như vắng hẳn bóng dáng thanh niên. Chỉ có máy gặt đập và những người trung niên, người già thu hoạch lúa.
Lão nông Võ Ngộ (65 tuổi) và vợ là bà Trương Thị Sửu (63 tuổi) mấy ngày nay vật lộn với 1 mẫu ruộng lúa chín.
Lão nông Võ Ngộ cho biết: “Bọn trẻ học hành xong, đi làm ăn xa cả. Giờ nhà có 1 mẫu ruộng mà toàn ruộng tốt, bỏ thì lãng phí quá. Hai vợ chồng già phải cố làm, ráng được đến đâu hay đến đó”.
Thanh niên ly hương tìm việc làm là chính đáng. Thế nhưng nếu những lao động trẻ ra đi theo kiểu “phong trào” như hiện nay thì về lâu dài sẽ gây ra những hệ lụy. Trước mắt là không còn lực lượng lao động trẻ để gánh vác việc nhà, việc xóm. Những hoạt động lớn cần huy động sức dân cũng gặp khó khăn.
Để giữ chân thanh niên an tâm ở lại quê nhà tìm việc theo hướng “ly nông bất ly hương” đòi hỏi chính quyền các cấp cần phải có giải pháp căn bản tạo việc làm, thu nhập ổn định tại địa phương. Có sức trẻ, việc góp công sức thực hiện phong trào xây dựng NTM sẽ kịp thời, hiệu quả hơn.
Có thể bạn quan tâm
Vườn nhãn ghép của ông Xê đã được 3 năm, phát triển xanh tốt, tỷ lệ 99% kháng được bệnh chổi rồng. Ông Xê cũng đã thử nghiệm xử lý cho 10 cây ra trái, kết quả đậu sai, trái lớn, hạt nhỏ, cơm dày và rất thơm ngon.
Cứ khoảng giữa mùa mưa (từ hạ tuần tháng 6 âm lịch) hàng năm, người dân vùng Bảy Núi của tỉnh An Giang lại bắt đầu làm đặc sản khô nhái.
Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai vừa phối hợp Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (SSC), Công ty Dekalb Việt Nam, tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả triển khai thí điểm mô hình liên kết sản xuất ngô lai thương phẩm DK6919 và DK8868 vụ xuân hè 2015” trên địa bàn tỉnh.
Là bác sĩ làm việc tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM, nhưng cuối mỗi tuần, anh Hồ Thanh Bình đều về thị xã Tân Uyên (Bình Dương) để được chăm sóc những vườn rau sạch rộng hàng nghìn m2 của mình. Ngoài ra, anh còn trồng dưa lưới, dưa vàng trong nhà kính 1.000m2...
Với phương châm cùng nông dân (ND) tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, Hội ND quận Liêu Chiểu, TP.Đà Nẵng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho hội viên khai thác hiệu quả, làm giàu từ đất dự án bỏ hoang.