Xây Dựng Nông Thôn Mới Cần Có Tư Duy Mới, Cách Làm Mới Sáng Tạo Phù Hợp Với Thực Tiễn, Địa Phương
Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Chương trình hành động số 72-CTHĐ/ TU, ngày 31/12/2008 của Tỉnh ủy (khóa XV) Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 của Chính phủ, trong những năm qua, tình hình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo (BCĐ) tỉnh, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2014: số xã đạt 19 tiêu chí là 3 xã (Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim, Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh); số xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí là 14 xã; số xã đạt từ 13-14 tiêu chí là 23 xã; số xã đạt từ 10-12 tiêu chí là 41 xã; số xã đạt từ 5-9 tiêu chí là 36 xã; không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí của 117 xã toàn tỉnh.
Phong trào xây dựng NTM đang từng bước góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện điều kiện sống của người dân, đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý và điều hành của cấp ủy, chính quyền ở các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Kết quả trên bắt nguồn từ các nguyên nhân sau:
Về khách quan, Nghị quyết số 26-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) được Chính phủ cụ thể hóa thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 là một cuộc cách mạng mới, toàn diện, sâu rộng và đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khẳng định vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và quyết định sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đồng thời, đây cũng là nghị quyết được Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo để khắc phục những mặt bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, kịp thời đôn đốc, hoàn thiện và sớm ban hành hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ hỗ trợ xây dựng NTM. Vì thế, nghị quyết và chương trình mục tiêu Quốc gia là động lực, là niềm tin và là phong trào hành động cách mạng của nông dân khắp mọi miền đất nước.
Về chủ quan, sau khi có nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy ban hành chương trình hành động và chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM”.
UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2012- 2015, dự kiến đến 2020, Kế hoạch tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, thành lập Ban chỉ đạo các cấp và tổ chức lễ phát động phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng NTM” tại xã Vĩnh Thạch là 1 trong 3 xã của cả nước được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đỡ đầu.
Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nhiều nghị quyết có liên quan về chương trình xây dựng NTM, như: “Huy động nguồn lực và quy định mức hỗ trợ trong xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị đến năm 2020”, nghị quyết về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, … Đồng thời với việc ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn tổ chức thực hiện, thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo tỉnh, huyện, xã và Ban quản lý các thôn, bản của 117 xã trong toàn tỉnh.
Nét mới trong tư duy và cách làm hay, sáng tạo trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh hơn 3 năm qua là vô cùng phong phú, đa dạng trên các lĩnh vực. Trong phạm vi bài viết này, xin nêu một số nguyên nhân chủ quan để chúng ta cùng suy ngẫm, vận dụng.
1. Nâng cao nhận thức, khơi dậy và phát huy nội lực, tạo sự đồng thuận trong từng địa bàn dân cư “Chung sức xây dựng NTM” là thành quả của “ý Đảng, lòng dân”, của việc đổi mới nội dung, hình thức học tập, quán triệt nghị quyết gắn với tổ chức thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Sau khi tỉnh, huyện tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, chương trình hành động trong đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các xã triển khai sâu rộng đến từng người dân trên địa bàn dân cư gắn với việc tổ chức cho nhân dân tham gia, góp ý trực tiếp vào dự thảo quy hoạch, đề án NTM của xã.
Một kết quả đáng trân trọng là nhiều báo cáo dự thảo quy hoạch của xã được nhân dân góp ý điều chỉnh, bổ sung rất cụ thể, sát thực cả không gian, kiến trúc, hệ thống cơ sở hạ tầng, trung tâm xã, quỹ đất cho phúc lợi xã hội, cả về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mô hình cây, con, sản phẩm chủ lực, ... phù hợp yêu cầu trước mắt đến 2020, và tính đến một nền nông nghiệp, nông thôn của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chính cách làm mới này đã góp phần tăng cường, củng cố niềm tin trong nhân dân, phát huy dân chủ, huy động mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của địa phương và chủ động gắn kết các cuộc vận động, các phong trào thi đua để cùng hướng đến một mục tiêu “chung sức xây dựng NTM” văn minh, giàu đẹp. Phong trào thi đua xây dựng NTM, có xã đã cụ thể hóa (như Ban chỉ đạo xã Vĩnh Thạch) thành hội thi hàng năm: Làng xanh- sạch- đẹp- an toàn theo 13 tiêu chí diễn ra rất sôi nổi, hấp dẫn giữa các thôn, làng trong xã. Mô hình này được nhân rộng 10 địa phương khác trong huyện Vĩnh Linh.
2. Huy động toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng hợp lực xây dựng NTM là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Qua thực tiễn cho thấy, giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một nhiệm vụ rất khó khăn và lâu dài, không đơn thuần chỉ khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường của nông dân mà là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây cũng là quan điểm của nghị quyết được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh vận dụng, thực hiện trong quá trình xây dựng NTM.
Huyện Hải Lăng là huyện đầu tiên thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách nông nghiệp trực tiếp phụ trách Văn phòng điều phối, các tổ trưởng chỉ đạo xã do các đồng chí trong Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng chỉ đạo, giúp đỡ, hướng dẫn các xã thực hiện chương trình xây dựng NTM. Một số xã (như xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh), Ban quản lý phân 19 tiêu chí thành 10 nhóm việc, mỗi nhóm việc từ 2-3 tiêu chí rồi giao trách nhiệm cho Đảng ủy, UBND, Mặt trận và các đoàn thể trong xã phụ trách 1-2 nhóm việc để xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã. Đến nay, xã Vĩnh Thủy là một trong ba xã của tỉnh đạt tiêu chí cao nhất của tỉnh.
3. Khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế từng địa phương để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang nông thôn là nhân tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững trong quá trình xây dựng NTM.
Theo báo cáo của các địa phương và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Trị trong 7 tháng đầu năm 2014, tổng nguồn lực huy động 2.773.768 triệu đồng.
Trong đó: Ngân sách trực tiếp hỗ trợ cho chương trình 87.293 triệu đồng (ngân sách TƯ 70.078 triệu đồng, ngân sách địa phương 17.215 triệu đồng); vốn lồng ghép các chương trình, dự án 102.988 triệu đồng; vốn tín dụng 2.561.000 triệu đồng; vốn huy động từ các doanh nghiệp và các tổ chức khác 11.480 triệu đồng; vốn huy động, đóng góp cộng đồng dân cư 10.084 triệu đồng (bằng tiền mặt, ngày công, hiến đất, quy ra tiền); vốn huy động từ nguồn khác 923 triệu đồng (con em xa quê, từ thiện).
Trong điều kiện một địa phương nghèo, mức huy động các nguồn lực như trên là một nỗ lực lớn, đáng khích lệ. Vì vậy, khơi dậy và phát huy cao độ các nguồn lực tại chỗ từng địa phương đầu tư cho chương trình xây dựng NTM là một nhiệm vụ có ý nghĩa vô cùng hệ trọng cả trước mắt và lâu dài.
Trên thực tế, những năm qua đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. UBMTTQ huyện Vĩnh Linh thực hiện “Chương trình thắp sáng đường quê”, đã huy động trên 4 tỷ đồng và hơn 2.000 ngày công để xây lắp hệ thống đèn đường chiếu sáng với tổng chiều dài trên 1.670 km của 132/195 thôn, bản, khóm phố của huyện là địa phương dẫn đầu trong toàn tỉnh về phong trào thắp sáng đường quê. Ban chỉ đạo NTM huyện Hải Lăng chỉ đạo các địa phương ra quân đồng loạt chỉnh trang nông thôn tại 18/18 xã trong toàn huyện và huy động sự vào cuộc của Mặt trận, đoàn thể các cấp từ huyện đến xã, thôn cùng tham gia.
Với các hoạt động phát quang, mở rộng đường, tu sửa đường nội thôn, thắp sáng các đường quê, cắt tỉa, xây dựng cổng, tường rào, cắm mốc chỉ giới đường giao thông, cải tạo vườn tạp, sửa sang nhà cửa, nhà vệ sinh, xây dựng và cải tạo chuồng trại chăn nuôi, hiến 13.000 m2 đá và 10.000 ngày công... đã tạo nên một diện mạo mới nông thôn thông, thoáng, xanh, sạch, đẹp.
UBND các xã Cam An, Cam Nghĩa, Cam Thủy, huyện Cam Lộ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân di dời mồ mã, cải tạo đồng ruộng, mở rộng diện tích đất sản xuất, đẩy mạnh việc thực hiện cơ giới hóa, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh.
Kết quả đã di dời 3.300 ngôi mộ về nghĩa trang tập trung, giải phóng và cải tạo đất đồng ruộng 89,26 ha. Ban chỉ đạo NTM xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong) tổ chức phát động phong trào “Mở rộng đường quê” và ra quân đồng loạt 13/13 thôn của xã, đã có 80% đường giao thông nông thôn toàn xã mở rộng từ 4-5 m, nhân dân tự nguyện đóng góp công sức, hiến đất và tài sản (hiến 6.500 m2 đất sản xuất và cây trồng giá trị 300 triệu đồng, đóng góp ngày công quy tiền gần 700 triệu đồng).
Trong phong trào xây dựng NTM, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, như ông Hồ Văn Loan thôn Xary, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa đã tự nguyện hiến 5.690 m2 đất trồng cao su để xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng Trường THCS và Trạm y tế xã Hướng Phùng,...
Từ những mô hình, cách làm hay, sáng tạo, có thể khẳng định về quan điểm chỉ đạo là tùy vào tình hình cụ thể từng địa phương để thực hiện đồng bộ 19 tiêu chí hoặc tiêu chí nào dễ làm trước, tiêu chí nào khó làm sau, đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững trong quá trình xây dựng NTM.
Bên cạnh những nguyên nhân và thành quả bước đầu, công cuộc xây dựng NTM đang đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập cần tập trung tháo gỡ đó là: Về nhận thức, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa thấu hiểu một cách đầy đủ về vai trò, vị trí chiến lược của vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về vị trí chủ thể của người nông dân, còn nóng vội, chủ quan, thờ ơ, thiếu trách nhiệm, trông chờ ỷ lại sự đầu tư của ngân sách, hoặc thiếu niềm tin, giao động do địa phương còn nghèo; coi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM như các chương trình mục tiêu khác.
Trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, đoàn thể, các Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban phát triển nông thôn,... đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo và trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện, tuy nhiên sự phối hợp chưa đồng bộ, chặt chẽ, nền nếp, cập nhật thông tin hai chiều còn chậm trễ, không kịp thời hoặc chưa dành thời gian thích đáng để về cơ sở kiểm tra, giám sát,... nên một số vấn đề mới phát sinh, vướng mắc của cơ sở chậm phát hiện để kịp thời có biện pháp khắc phục và đề xuất cấp trên xem xét giải quyết, kể cả việc chậm phát hiện, nhân rộng các mô hình làm hay, sáng tạo, có hiệu quả.
Về hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ chương trình xây dựng NTM của Trung ương và địa phương có nhiều nỗ lực vượt bậc, song trên thực tế có một số cơ chế, chính sách còn quá chung, thiếu cụ thể, chưa phù hợp với thực tiễn đặt ra, nói như Nghị quyết của Trung ương “chưa đủ mạnh”, nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Những tồn tại, hạn chế, yếu kém và bất cập nói trên, xét về một góc độ nào đó cũng là tất yếu của quá trình phát triển. Vấn đề đặt ra cần phải nhận diện một cách đầy đủ, khách quan để có giải pháp giải quyết vừa kịp thời trước mắt, vừa căn cơ lâu dài cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, tôi xin đề nghị một số vấn đề và hướng giải quyết như sau:
Một là, đối với tỉnh cần phải kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp (tỉnh, huyện, xã), do đồng chí Bí thư cấp ủy làm trưởng ban, phân cấp mạnh hơn cho cấp huyện, thị xã về việc thẩm định thiết kế, dự toán, chủ động điều tiết nguồn lực đầu tư (kể cả một số công trình giao cho huyện thiết kế mẫu, tỉnh phê duyệt); ban hành các quy chuẩn về nghiệm thu, thanh quyết toán theo hướng tinh giản thủ tục, tiết kiệm chi ngân sách; ban hành một số cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông- lâm- thủy sản chủ lực có lợi thế của tỉnh; dồn điền đổi thửa phát triển “cánh đồng mẫu lớn” đào tạo nguồn nhân lực, liên kết “4 nhà” (khoa học, quản lý, doanh nghiệp, nông dân) …
Hai là, đối với Trung ương, Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đồng bộ, “đủ mạnh” và kịp thời có văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện để khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn; tạo môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn, nhất là doanh nghiệp chế biến, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kể cả huy động vốn ODA, FDI, như Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 đã đề ra.
Chính những cơ chế chính sách “đủ mạnh” của nhà nước là điều kiện, nhân tố đòn bẩy huy động được nhiều nguồn lực to lớn trong xã hội, đẩy nhanh phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nông thôn, là nội dung cốt lõi, quyết định chất lượng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ vì lợi nhuận cao trước mắt nên bỏ qua quy hoạch cũng như khuyến cáo của các ngành chức năng, người dân thôn Mỹ Tâm, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận đã ồ ạt nuôi ốc hương và phải trả giá bằng thất bại.
Hàng năm toàn huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có 146 ha nuôi tôm, tập trung ở các xã Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Châu, Bình Thuận, Bình Dương,... trong những năm qua có một số vùng nuôi tôm đã nhiễm bệnh. Việc nuôi tôm gần đây gặp nhiều trở ngại do nguồn nước nuôi bị ô nhiễm, tôm nuôi thường bị bệnh chết hàng loạt làm thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người nuôi tôm.
Cá chình là đối tượng cá nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, được coi là hàng quý hiếm và đắt tiền. Giá thương phẩm tại thời điểm hiện nay là 300.000đ/kg (trên1kg/con), cao nhất so với các loại đối tượng cá nước ngọt khác
Mô hình nuôi cá kèo trong ao lót bạt của hộ ông Bùi Thành Công ở ấp Rạch Cỏ, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải- Trà Vinh được thực hiện trên diện tích 200m2.
Trồng lúa vụ Đông Xuân, sau đó xuống khoai mỡ, hoặc lúa Đông Xuân – khoai mỡ - tranh thủ vụ củ cải trắng là cơ cấu cây trồng được nông dân các ấp: Long Hòa 2, Long Hòa 1 và Long Phước của xã Long Mỹ, huyện Mang Thít xây dựng thực hiện hàng năm trên đất lúa